3 th uc ARV ố 2 thu c ARVố
3.5. Yếu tố quyết định thành công
1. Mức độ nặng của bệnh
2. Phác đồ điều trị (đơn giản hay phức tạp?) 3. Khả năng tuân thủ điều trị của bệnh nhân
1. Mức độ nặng của bệnh
Tải lượng virus và số lượng TCD4 cho biết khả năng tiến triển thành AIDS của bệnh nhân. Bình thường TCD4 dao động từ 500 đến 1.600 tế bào/mm3, chiếm 40% đến 70% trong tổng số tế bào lympho của máu. Những bệnh nhân được chỉ định dùng ARV khi CD4 < 350/mm3 hoặc tải lượng HIV > 55.000 phiên bản/ml. Như vậy ngay cả bệnh nhân được điều trị thì tình trạng khởi đầu đã rất khác nhau về hệ miễn dịch cũng như tải lượng virus trong máu. Ví dụ nếu một người có tải lượng virus là 1.000.000/ml thì khả năng khỏi bệnh thấp hơn người có tải lượng virus chỉ 10.000 nếu như hệ miễn dịch ở tình trạng như nhau. Phác đồ HAART tuy cho khả năng ức chế virus cao nhưng để giảm tải lượng virus từ mức ban đầu đến mức không phát hiện được (< 50/ml) thì cần nồng độ thuốc cao hơn trong khi giới hạn liều là cố định. Nếu tăng liều thì độc tính và ADR đều tăng.
2. Phác đồ điều trị
Cũng như mọi trị liệu khác với những bệnh phải điều trị lâu dài, phác đồ càng đơn giản thì khả năng thành công càng lớn. Một phác đồ đơn giản là:
- Số lần dùng thuốc trong ngày ít (lý tưởng là 1 lần/ngày) - Số viên thuốc phải uống mỗi lần ít.
- Giờ uống thuốc không phụ thuộc bữa ăn.
Với thuốc ARV, hiện tại số lần dùng thuốc đều 2 lần 1 ngày và đây cũng là trở ngại lớn cho điều trị. Số viên thuốc nếu dùng viên riêng lẻ thì có khi rất nhiều, ví dụ: nelfinavir (viracept) viên 250mg mỗi lần phải uống tới 5 viên, cộng với 2 viên của 2 thuốc khác là 7 viên cho mỗi lần. Nevirapin (NVP) viên 250mg phải 4 viên 1 lần.
Sự phức tạp của phác đồ còn thể hiện ở số viên thuốc phải uống ở từng giai đoạn, ví dụ phác đồ hàng 1 hiện nay là d4T + 3TC + NVP: trong 2 tuần đầu mỗi ngày uống sáng 2 viên (2 thuốc), chiều 3 viên (3 thuốc), sau 2 tuần thì phác đồ đổi lại với số viên sáng và chiều bằng nhau (3/3).
Những khó khăn này phải có sự trợ giúp của dược sĩ lâm sàng: phát thuốc, hướng dẫn và để ránh quên thì cách tốt nhất là có hộp chia liều ("Hộp thuốc viên nhắc nhở").
Việc bào chế ra các viên phối hợp cũng là một giải pháp tốt giúp giảm bớt số viên uống mỗi lần. Có 2 loại phối hợp:
- Phối hợp 2 thành phần như Combivir gồm AZT+3TC, Truvuda gồm FTC+TDF.
- Phối hợp 3 thành phần như Trizivir gồm AZT + 3TC + ABV. Tuy nhiên việc tạo ra viên phối hợp cũng có những nhược điểm: - Làm tăng giá thành sản phẩm:
Ví dụ viên Combivir là phối hợp của zidovudin (AZT) và lamivudin (3TC), nếu dùng thuốc của Stada-VN có giá 17.000 VND trong khi nếu dùng riêng AZT và 3TC thì giá cả 2 viên chỉ 4.000 VND (2.500 + 1.500 VND). Ngoài ra khả năng để bào chế một viên phối hợp có sinh khả dụng cao như viên đơn lẻ là điều không đơn giản.
- Có thể tạo ra nồng độ thuốc không thích hợp, ví dụ viên 3 thành phần Trizivir cho Cpeak quá cao làm tăng độc tính trong khi Ctrough lại quá thấp (vì uống 1 lần mỗi ngày) làm tăng khả năng kháng thuốc. Hiện tại Trizivir không còn được dùng nữa.
3. Khả năng tuân thủ điều trị của bệnh nhân
Muốn bệnh nhân tuân thủ điều trị thì phải giáo dục họ hiểu được tại sao phải tuân thủ và tin tưởng vào hiệu quả của thuốc.
Nguyên nhân thất bại trong điều trị không chỉ liên quan đến bệnh nhân: không thay đổi hành vi sống (vẫn nghiện ma tuý, sinh hoạt tình dục bừa bãi...), không tuân thủ điều trị; mà còn do phía thầy thuốc: không tư vấn tốt cho bệnh nhân, không tạo được mối quan hệ thân thiện với bệnh nhân để tìm hiểu mọi vấn đề trong khi điều trị.
Tạo cho bệnh nhân sự tự tin, không mặc cảm với người xung quanh vì có thể khi dùng thuốc một số ADR có biểu hiện dễ nhận thấy như ban da hoặc sợ người khác nhìn thấy mình uống thuốc. Bệnh nhân rất cần sự động viên hỗ trợ của người thân để vượt qua các trở ngại này.