Hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng có hiệu lực là hợp đồng được pháp luật thừa nhận có giá trị ràng buộc các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được thỏa thuận. Một hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ được coi là có hiệu lực nếu đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất, các bên (mua và bán) phải hoàn toàn tự nguyện khi giao kết hợp
đồng;
Thứ hai, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của
pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
Thứ ba, chủ thể hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự;
Thứ tư, hình thức của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật nếu
pháp luật có yêu cầu hợp đồng phải được xác lập bằng một hình thức nhất định. Như vậy, một hợp đồng mua bán hàng hóa mà vi phạm một trong bốn điều kiện nói trên thì sẽ bị vô hiệu, nhưng tùy theo sự vi phạm nội dung gì mà sẽ rơi vào vô hiệu tuyệt đối hay vô hiệu tương đối.
Tương tự như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài để có hiệu lực cũng phải có những điều kiện nhất định. Cũng như đối với hợp đồng và hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài có hiệu lực tức là có khả năng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia kết ước và phù hợp (không trái) với các quy định của pháp luật. Mặc dù, trong hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài các bên có quyền thỏa thuận luật áp dụng, tuy nhiên điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lại được xác định trên cơ sở quy định của pháp luật của mỗi quốc gia mà không phụ thuộc vào luật áp dụng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tương tự như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài được coi là có hiệu lực nếu tuân thủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, hợp đồng được ký kết trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện;
Thứ hai, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của
pháp luật, không trái với đạo đức xã hội;
Thứ ba, chủ thể hợp đồng phải có năng lực pháp luật và được phép ký kết hợp
đồng mua bán hàng hóa quốc tế;
Thứ tư, hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản.