Đa số người dân vẫn còn thờ ơ với bảo hiểm cây lúa và bảo hiểm vật nuôi: tỷ lệ hộ thường tham gia là rất thấp, trong khi hộ thường có diện tích trồng lúa lớn, có đàn vật nuôi quy mô lớn. Nhìn vào Bảng 2, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm cây lúa chiếm tới 96,6% tổng số hộ tham gia, còn ở bảo hiểm vật nuôi là 94,4%. Bởi vì hộ nghèo và cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ lần lượt 100%, 90% phí bảo hiểm nên họ không có ngần ngại gì trong việc tham gia. Còn các hộ còn lại, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 60% phí bảo hiểm nhưng vẫn là 1 mức phí cao nên họ rất cân nhắc.Với tập quán sản xuất theo kinh nghiệm, nhận thức trước các rủi ro cũng như quản trị rủi ro còn rất thấp nên người dân Việt Nam chưa có thói quen, chưa có hiểu biết để tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, do thu nhập còn hạn chế nên người dân cũng chưa có đủ điều kiện tài chính tham gia bảo hiểm, nếu họ mua bảo hiểm thì coi như không còn lợi nhuận. Các chính sách đưa ra chưa hấp hẫn và chưa thật hợp lý. Ông Trần Văn Thol (Đồng Nai) nói: “Trang trại của tôi nuôi khoảng 6 ngàn con gà tam hoàng. Tôi cũng muốn tham gia BHNN cho yên tâm. Nhưng lúc gà dưới 2 tuần tuổi tỷ lệ rủi ro cao thì không được bảo hiểm, còn sau đó đã tiêm phòng đầy đủ ít rủi ro mới bảo hiểm nên tôi không tham gia”. Cũng theo ông Thol, dù mức phí bảo hiểm ở gà chỉ 3.000 đồng/con, nhưng vẫn cao. Bởi đàn gà được giá, cũng chỉ lời 18-20 triệu đồng, nếu ký hợp đồng BHNN thì số tiền phải đóng 18 triệu đồng/lứa,
2
coi như gần hết tiền lời. Một lý do khác cũng khiến người dân “chê” BHNN vì chưa có dịch, cũng không nghĩ mình sẽ gặp thiên tai hay dịch bệnh, chỉ khi rủi ro xảy ra mới thấy tiếc vì không tham gia bảo hiểm. Thêm nữa, do thời gian qua, giá nông sản thường ở dưới chi phí sản xuất, hầu hết các hộ bị thua lỗ nên không muốn tăng thêm 1 khoản chi phí nữa. Điều này dẫn tới hệ quả là quy tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm không được tuân thủ: diện tích lúa được bảo hiểm chỉ chiếm 2,48% tổng diện tích lúa ở 7 tỉnh triển khai thí điểm; số lượng vật nuôi (bò, trâu, bò sữa, gia cầm) được bảo hiểm còn khiêm tốn hơn, chỉ đạt 0,64% tổng lượng vật nuôi ở 9 tỉnh triển khai thí điểm.
Hiện tượng trục lợi diễn ra phổ biến ở bảo hiểm thủy sản. Do quy định còn lỏng lẻo, như quy trình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng không có quy định khống chế mật độ thả nuôi đối với loại hình thả nuôi thâm canh. Theo đó, thả nuôi với mật độ càng dày thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh càng cao, làm tăng tỷ lệ bồi thường. Quy định tỷ lệ thiệt hại và mức bồi thường đối với cá tra chưa thực sự chặt chẽ, qua tính toán cho thấy mức bồi thường cao hơn giá trị đầu tư thực tế từ 1,2-1,5 lần; làm cho 1 bộ phận người tham gia bảo hiểm thiếu quan tâm chăm sóc tôm, cá; tính toán trục lợi từ chương trình bảo hiểm. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình nuôi; và công tác giám định tổn thất của DNBH gặp rất nhiều khó khăn vì đối tượng được bảo hiểm ở dưới nước, không thể quan sát bình thường mà đánh giá được. Và trên hết vẫn là nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế (chưa tuân thủ việc ghi nhật ký ao nuôi, chứng từ đầu tư, giấy kiểm dịch giống,…).
Nhiều yêu cầu của người dân không phù hợp với các nguyên tắc của bảo hiểm, đơn cử, người dân mong muốn bảo hiểm tất cả các loại thiên tai, dịch bệnh, cả những tổn thất không phải do rủi ro thì về nguyên tắc, bảo hiểm chỉ bảo hiểm rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn. Hay trong khi nguyên tắc bảo hiểm là trung thực tuyệt đối, người dân vẫn không muốn cung cấp các chứng từ có liên quan, thực hiện các thủ tục cần thiết, dù đã được tiết giảm khá nhiều.