Giọng điệu trữ tình, sâu lắng

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn thạch lam (Trang 48)

7. Bố cục của khóa luận

2.6.Giọng điệu trữ tình, sâu lắng

Thạch Lam là nhà văn có sự nhất quán trong giọng điệu và cảm xúc. Niềm yêu thương trân trọng đối với con người đã tạo giọng văn của ông một dư vị ấm áp tình thương: Giọng cảm thông, thương xót và chia sẻ. Viết về những người nghèo khổ, Thạch Lam luôn dành cho họ những tình cảm ấm áp yêu thương. Vì vậy mà giọng điệu của ông rất tha thiết: “Đêm ấy, Bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân” (Nhà mẹ Lê).

Dù kể những chuyện thơ mộng nhất hay kể những chuyện buồn đau, mòn mỏi, đến những chuyện ốm đau bệnh tật, đói rét… thì giọng điệu của văn

Thạch Lam cứ thủ thỉ tâm tình, nó mang một vẻ đẹp riêng, phong cách riêng của Thạch Lam. Tất cả các truyện của Thạch Lam đều có một giọng văn nhẹ nhàng như thì thầm với độc giả. Những tiếng thì thầm đó có âm vực loang rộng đến cả thế giới cũng nghe thấy. Văn phong trong sáng, giản dị, không cấu trúc cầu kỳ nhưng mượt như nhung. Ngay cả khi ông chê trách, mỉa mai, lên án một hành vi đáng xấu hổ với tư cách con người ông vẫn nhẹ nhàng thủ thỉ. Truyện ngắn Một cơn giận ông mở đầu bằng một nhận xét: “Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”, “Có những ngày tự nhiên không hiểu tại sao ta lại thấy khó chịu hay gắt gỏng” mà hậu quả đã làm anh phu xe mất việc, bị phạt, con chết. Nhân vật “tôi” hối hận khi biết rõ hậu quả của cơn giận vô cớ gây ra. Giọng văn càng thủ thỉ trầm lắng từ bên trong cái sâu thẳm của lương tâm. Sự việc đó cho nhân vật “tôi” nghĩ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Mỗi lần nghĩ đến “lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi”.

Truyện của Thạch Lam gây cho ta cảm giác là ông không chủ trương viết văn mà chỉ kể lại với mọi người những câu chuyện vui, buồn xảy ra trong cuộc đời do chính ông chứng kiến. Văn Thạch Lam, không quyết liệt ông chỉ ghi lại một cách “nhẹ nhõm” với giọng thủ thỉ tâm tình nhưng chữ nghĩa ông dùng, hình tượng ông tạo ra như có một ma lực ám ảnh bắt ta phải suy nghĩ về những con người bất hạnh như: mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), Hiên (Gió lạnh đầu mùa), Sen (Đứa con), Huệ, Liên (Tối ba mươi)… Chính lối văn vào cảm xúc này đã khiến cho độc giả có sự đồng cảm sâu sắc đối với những kiếp người nhỏ bé, tội nghiệp trong truyện ngắn Thạch Lam. Đồng thời nó thôi thúc ta phải có hành động như thế nào để giảm đi nỗi bất hạnh của con người. Rõ ràng, văn Thạch Lam có khả năng “thanh lọc con người làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” và hơn thế nữa văn chương của ông làm cho “người gần người hơn” (Nam Cao).

Truyện ngắn Thạch Lam, mỗi thiên truyện là những lời tâm sự nhẹ nhàng được xâu chuỗi từng câu, từng chữ cứ chậm rãi ngấm vào lòng người đọc. Giọng văn trầm buồn man mác, nhịp điệu không gấp gáp, xô bồ mà tĩnh tại. Đó chính là nhịp điệu của tâm hồn con người trong sự hài hoà với xã hội, thiên nhiên mà không phải bất cứ nhà văn nào cũng có thể phát hiện ra được: “Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào” (Trở về) hay “Cái đòn gánh cong xuống vì gánh hàng nặng kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi” (Cô hàng xén); “Cái đòn gánh cong xuống và rên rỉ trên vai, nước trong thùng sánh toé ra mỗi bước đi” (Đứa con). Nhịp điệu chầm chậm gợi cái buồn man mác. Người đọc có thể cảm nhận được vẻ buồn lạnh lẽo, hiu quạnh nơi phố huyện nghèo (Hai đứa trẻ). Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng đồng thời cũng gióng lên một cái gì đó ở tương lai. Câu chuyện khiến người đọc dấy lên niềm cảm thương cho những kiếp người phải sống cuộc sống tẻ nhạt hết ngày này qua ngày khác và cũng cảm thông cho những ước mơ khát vọng về một tương lai tươi sáng của họ. Chính vì vậy, truyện Thạch Lam thường có kết thúc buồn. Điều đó một mặt vừa là sự ảnh hưởng của hiện thực xã hội Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám lại vừa do đặc điểm phong cách truyện ngắn của Thạch Lam. Những truyện như: Trong bóng tối buổi chiều, Người bạn trẻ, Một đời người, Hai lần chết… cũng có chung một cái buồn như thế. Nhưng điểm khác của Thạch Lam so với Nam Cao và các nhà văn hiện thực khác đó là nỗi buồn trong văn Thạch Lam không dữ dội, khốc liệt đến như thế. Bằng giọng văn thủ thỉ, nhẹ nhàng, Thạch Lam đem đến cho người đọc cái buồn man mác, có khi khắc khoải ở chỗ này, bàng bạc ở chỗ khác, trở thành một “khí quyển tâm trạng” bao phủ những cảnh đời mà nhà văn dẫn ta vào. Đó là chiều sâu của truyện ngắn Thạch Lam. Nó thể hiện tấm lòng nhà văn, làm nên phong cách và thi pháp. Điều đó một mặt do ảnh hưởng của hiện thực xã hội

Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám. Mặt khác vừa do đặc điểm phong cách truyện ngắn Thạch Lam chi phối.

Nói chung, trong toàn bộ sáng tác của mình, Thạch Lam đã tạo nên một giọng điệu riêng, giọng điệu tha thiết của một trái tim nhân hậu biết đồng cảm, xót thương đối với số phận những con người nghèo khổ.

KẾT LUẬN

Có thể khẳng định nhà văn Thạch Lam xa lạ với những gì to tát, rực rỡ, ồn ào. Ông thích lắng hồn mình vào những vẻ đẹp bằng lặng, thanh khiết, những rung động tinh tế, đập khẽ khàng như cánh bướm non. Bằng tài năng và tâm hồn tinh tế của mình, Thạch Lam đã tạo nên những truyện ngắn rất riêng, mỗi truyện thủ thỉ như một lời tâm tình thầm kín, nhẹ nhàng mà khó quên. Truyện ngắn của ông ngọt ngào, mượt mà, chan chứa chất thơ - được chưng cất từ đời sống bình dị, thường nhật bằng chính những rung động trong tâm hồn nhà văn. Chất thơ toả ra từ tình yêu cái đẹp, từ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên, đời sống đặc biệt là niềm tin vào tính thiện của mỗi con người. Văn Thạch Lam là tâm hồn, là con người của nhà văn. Lối viết trữ tình, nhẹ nhàng, tinh tế của ông đã làm lay động các giác quan và gợi mở trong lòng người khiến cho bạn đọc say mê, cho đến nay bất chấp mọi thử thách của thời gian. Bởi thế Thạch Lam sẽ còn sống mãi và thân thiết với bạn đọc ở mọi lứa tuổi để kết buộc hồn ta với đời sống con người Việt Nam, với đất nước Việt Nam mình mà chất thơ lẩn khuất dưới vẻ ngoài bình dị, được nhà văn chắt lọc bằng cả tấm lòng yêu thương, nâng niu. Con người tinh tế ấy đã tìm kiếm và chắt chiu từng chút vẻ đẹp dù là nhỏ nhất, le lói nhất trong tâm hồn con người, nâng niu và trân trọng nó. Cũng nhờ có chất thơ mà con người cảm thấy cuộc đời này còn bao điều tốt đẹp và nó cho phép người ta có điều kiện để nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng và thậm chí là đôi chút mơ mộng. Mặt khác chất thơ trong văn Thạch Lam còn do trình độ tổ chức ngôn từ phù hợp để diễn tả thế giới tâm hồn trong sáng, nhạy cảm cùng những cảm xúc, cảm giác tinh tế của nhân vật. Thạch Lam dùng lối viết văn nhỏ nhẹ, sâu lắng, đầy sức truyền cảm và chau chuốt chất thơ. Vì thế phần lớn truyện ngắn Thạch Lam được coi như là “những bài thơ trữ tình” giàu cảm xúc và nhịp

điệu. Những rung động tinh tế trong tâm hồn nhân vật đã được gặp một hình thức thể hiện tối ưu là những áng văn mang màu sắc hướng nội của Thạch Lam. Tóm lại, chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo ra từ nhiều nhân tố những cảm xúc sâu lắng, những vẻ đẹp hoàn mĩ, là kết tinh của đời sống bình thường hoà điệu với trí tưởng tượng bay bổng. Chất thơ kì diệu này đã trở thành một trong những đặc điểm phong cách của Thạch Lam. Nhà văn đã đưa hiện thực cuộc sống vào trang viết một cách sâu lắng, chân thành. Nhưng bên cạnh hiện thực ấy, chất thơ đã góp phần mở rộng tâm hồn “đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành và mát dịu” (Nguyễn Tuân). Cùng với Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Thạch Lam đã góp phần quan trọng hình thành một kiểu loại truyện mới cho văn xuôi hiện đại. Đó là kiểu loại truyện ngắn trữ tình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG Hà Nội. 2. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB

KHXH.

3. Phan Cự Đệ (1990), Tự lực văn đoàn - Con người và văn chương, NXB Văn hóa Hà Nội.

4. Ngô Giang Điệp (1998), Nguyên Thi, NXB Hội Nhà văn.

5. Hà Minh Đức (1996), Văn xuôi lãng mạn Việt Nam, NXB KHXH.

6. Hà Minh Đức (2003), Thế giới nhân vật trong tác phẩm Thạch Lam, Thạch Lam tác gia, tác phẩm, NXB Giáo dục.

7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên)(2007), Từ điển thuật ngữ văn học (tái bản lần thứ 2), NXB Giáo dục.

8. Bùi Hiển (2000), Một nhãn quan, một tâm hồn nghệ sĩ - Thạch Lam văn và đời, NXB Hải Phòng.

9. Đỗ Kim Hồi (2004), Thạch Lam đôi điều cảm nhận, Văn học tuổi trẻ, NXB Giáo dục.

10. Khrapchenko.M.B (2002), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB ĐHQG.

11. Thạch Lam (2000) Theo dòng, NXB Hải Phòng. 12. Thạch Lam tuyển tập (2002), NXB Văn học.

13. Thạch Lam, Lời giới thiệu tập “Gió lạnh đầu mùa“, Thạch Lam tác gia và tác phẩm (2003), NXB Giáo dục.

14. Phong Lê (1988), Lời giới thiệu tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn hóa Hà Nội. 15. Phương Lựu (chủ biên) (2000), Lí luận văn học, NXB Giáo dục.

16. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình (2002), Lí luận văn học (tái bản lần 2), NXB QGHN.

17. Nguyễn Đăng Mạnh (1999), Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn.

18. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Nhà văn Việt Nam hiện đại : Chân dung và phong cách, NXB Trẻ Tp.HCM.

19. Dương Nghiễm Mậu (2003), Thời của Thạch Lam, Thạch Lam tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.

20. Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại quyển IV tập 3, NXB Tân Dân. 21. Vũ Ngọc Phan (1951), Nhà văn hiện đại: Phê bình văn học, Quyển IV,

Tập 2, NXB Vĩnh Thịnh.

22. Trần Đình Sử (2007), Giáo trình lí luận văn học, Tập 2, Tác phẩm và thể loại, NXB ĐHSP. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

23. Lê Dục Tú (2003), Thạch Lam - Người đi tìm cái đẹp trong cuộc đời và trong văn chương - Thạch Lam tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.

24. Nguyễn Tuân (1982), Tuyển tập Nguyễn Tuân, Tập 2, NXB Văn học. 25. Tập thể tác giả (1982), Từ điển văn học, Tập 2, NXB KHXH Hà Nội.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn thạch lam (Trang 48)