Ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn thạch lam (Trang 44)

7. Bố cục của khóa luận

2.5. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu

Văn học sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu để miêu tả đời sống. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học chỉ là một bộ phận lấy ra từ ngôn ngữ đời sống nhưng thông qua người nghệ sĩ, ngôn ngữ ấy đã được lựa chọn trau chuốt khi sử dụng để có được giá trị biểu đạt cao nhất.

Thạch Lam là một trong những cây bút đầu tiên có ý thức khai thác chất thơ trong đời sống thường nhật. Thành công về ngôn ngữ trong tác phẩm của Thạch Lam không phải là sự trau chuốt vốn từ mà chủ yếu là ở chất thơ. Có những trang văn, người đọc cảm nhận được sự lay động của tâm hồn dịu nhẹ như đọc một bài thơ. Truyện Dưới bóng hoàng lan là một truyện như thế. Những câu văn tả cảnh, tả người giàu hình ảnh và nhạc điệu “Thanh bước xuống giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào, Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần”, “Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể nước với những mảnh trời xanh tan tác”. Thạch Lam là một cây bút của trào lưu văn học lãng mạn và là thành viên của Tự Lực văn đoàn, chính vì thế ông đã chịu ảnh hưởng của trào lưu này trong việc sử dụng ngôn ngữ. Truyện của Thạch Lam ít sử dụng ngôn ngữ đối thoại mà chủ yếu là ngôn ngữ người kể chuyện và những độc thoại nội tâm trong lòng nhân vật. Ở phương diện này Thạch Lam hoàn toàn khác với Nam Cao và Nguyễn Công Hoan. Nếu như ngôn ngữ Nam Cao gân guốc, sắc cạnh; ngôn ngữ Nguyễn Công Hoan mang tính châm biếm, hài hước thì ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam nhiều chất trữ tình. Mỗi truyện ngắn Thạch Lam có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình, gợi sự thương cảm trước số phận của những con người nhỏ bé hiền lành mà bất hạnh. Giáo sư Phong Lê đã nhận xét lời văn ở những truyện tiêu biểu vẫn cứ mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu mà không mất đi vẻ giản dị,

tinh gọn, không thừa thãi lời chữ… Câu văn Thạch Lam cứ như là câu văn ngày hôm nay" [14]. Có những câu văn của Thạch Lam gợi lên một sự nhẹ nhàng, êm ái “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát” (Hai đứa trẻ). Ngôn ngữ của Thạch Lam trong sáng, giản dị, mộc mạc, không hoàn toàn giống với thứ ngôn ngữ trau chuốt của các nhà văn Tự Lực văn đoàn. Câu văn của Thạch Lam thường dài, như một câu thơ vắt dòng. Nhân vật của Thạch Lam ít đối thoại, vì thế mà trong mỗi câu văn dường như người đọc chỉ thấy ngôn ngữ của người kể chuyện và tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong đó. Ông thường sử dụng những từ ngữ chỉ cảm giác như: Cảm thấy, ngậm ngùi, rùng mình nghĩ, hình như… Một chút bảng lảng buồn lặng lẽ của không gian: “Chiều. Chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào…”, một chiều êm ái, nhẹ nhàng của “cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người” đã đem đến người đọc mỹ cảm sâu sắc. Nó sâu sắc nhờ ngôn ngữ tả của ông, một thứ ngôn ngữ vừa giản dị, vừa giàu cảm xúc, lại “bảng lảng” một chút gì đó rất khó nắm bắt.

Các từ diễn đạt các hoạt động tâm lí chiếm tần số rất cao nhưng không gây cảm giác đơn điệu, nhớ nhớ, chợt nhớ… Lớp từ chỉ trạng thái tâm lí mơ hồ: thoáng, thoáng qua, thoáng thấy, thoáng nghe… và đặt cạnh chúng là những tính từ cảm giác cảm tưởng kiểu như dịu ngọt, chăng tơ, tươi non, thoang thoảng… Những từ ngữ như “mát mẻ”, “nhớ” gợi lại những cảm giác nhẹ nhàng, êm ái lặp đi lặp lại như trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan.

Những từ ngữ như “mát mẻ”, “nhớ” chỉ thoảng qua mới xuất hiện thì không có ý nghĩa gì, nhưng khi chúng lại gắn với hình ảnh “cây hoàng lan” và cả gắn với tình cảm không rõ ràng giữa nhân vật Thanh - người kể chuyện với cô gái hàng xóm tên Nga; khiến câu chuyện trở nên có chiều sâu tình cảm và chiều rộng thời gian, dù cho truyện ngắn không hề có cốt truyện kịch tính.

Văn của Thạch Lam là một lối văn có nhịp điệu. Không gấp gáp, xô bồ mà tự tại - đó chính là nhịp điệu tâm hồn con người trong sự hài hoà với xã hội, thiên nhiên. Một sự tự tin của con người không dễ ai cũng phát hiện ra được. “Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào” (Trở về). Tiếng guốc ấy biểu đạt cái nhịp điệu tâm hồn con người đã sống nhiều, từng trải và bình tĩnh. Ta có thể tìm thấy rất nhiều cái kiểu nhịp điệu ấy trong văn Thạch Lam. Chẳng hạn như “Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi” (Cô hàng xén). “Cái đòn gánh cong xuống và rên rỉ trên vai, nước trong thùng sánh toé ra mỗi bước đi” (Đứa con). Người đọc có thể hình dung ra sự mệt mỏi trong tâm hồn nhân vật thể hiện qua những bước chân khó nhọc bởi gánh nặng đè trên vai.

Câu văn của Thạch Lam thường có nhiều thanh bằng. Nó gợi lên một nhịp điệu chậm buồn nhưng có sức lan toả. Nó cũng chính là nhịp điệu của tâm hồn trong tương quan với môi trường quanh nó. Văn Thạch Lam giản dị, tự nhiên nhưng rất giàu sức gợi, “nhiều khi tràn ra ngoài câu chữ, có khả năng khơi sâu vào cảm giác, vừa cho ta nhìn, vừa cho ta nghĩ”. Sau mỗi đêm, khi chuyến tàu đã đi qua phố huyện xơ xác của mình, cô bé Liên lại thấy “Đêm tối vẫn bao bọc xung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng” (Hai đứa trẻ).

Ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam giàu cảm xúc. Nó như những nguồn suối mát lay động sâu xa tâm hồn người đọc. Mỗi câu văn đều chất chứa nỗi lòng và tình cảm của người viết dành cho nhân vật của mình. Chính lối văn giàu cảm xúc này đã khiến cho người đọc có được sự đồng cảm sâu sắc đối với những kiếp người nhỏ bé, tội nghiệp trong truyện ngắn Thạch Lam. Viết về những người nghèo khổ, Thạch Lam luôn dành cho họ những tình cảm yêu thương. Ngôn ngữ của ông vì vậy rất thiết tha “Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt.

Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân” (Nhà mẹ Lê).

Có thể khẳng định: Thạch Lam đã có công trong việc sử dụng sáng tạo tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc. Văn ông giản dị, nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu và đậm chất thơ. Trong buổi giao thời của văn hóa Đông - Tây, Thạch Lam vẫn có một lối đi riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ, không ảnh hưởng sống sượng của văn Tây, không nặng nề về chữ Hán như đương thời nhiều người mắc phải. Nhờ thâu nhận và phát triển được tinh hoa ngôn ngữ dân tộc nên văn Thạch Lam đến nay vẫn mới mẻ và gần gũi với chúng ta. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: “Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ hơn, phong phú thêm ra, mềm mại ra và tơi đậm hơn. Thạch Lam đã đem sinh sắc vào tiếng ta”.

Truyện của Thạch Lam giản dị nhưng không gây cho người đọc sự nhàm chán mà trái lại mang đến cho người đọc nhiều dư vị. Thạch Lam đã tạo ra một lối đi riêng. Không nghiêng về những sự kiện, biến cố hay những tình tiết ly kỳ, Thạch Lam chủ trương “không bắt chước Tàu, không bắt chước Tây… Cứ việc diễn tả tâm hồn An Nam của chúng ta” [11]. Bằng tài năng sử dụng ngôn ngữ, Thạch Lam đã rất tinh tế khi đi sâu vào phát hiện những biến thái tinh vi trong đời sống nội tâm nhân vật. Văn của Thạch Lam rõ ràng là thứ văn của sự quan sát bên trong: nhìn thấy bản chất sự vật và miêu tả nó trong chiều sâu tâm lý. Thạch Lam không dùng đến những chữ dùng to tát, đao to búa lớn mà câu chữ của ông chỉ cần đủ cho sự phô diễn những trạng thái, những cảm xúc tâm hồn. Ngòi bút Thạch Lam có xu hướng hướng nội, đi vào thế giới bên trong với những cảm xúc, cảm giác. Ông đặc biệt tinh tế khi diễn tả, phân tích những rung động bên trong, những cảm giác mong manh thoáng qua, những biến thái tinh vi của tâm hồn trước ngoại cảnh. Ở truyện Tiếng chim kêu trong một đêm mưa gió, hai đứa trẻ nằm trong chăn ấm

nghe tiếng cây tre đầu nhà bị gió lay mà chúng ngỡ là tiếng chim kêu, hai đứa trẻ đã động lòng trắc ẩn. Ở Đứa con đầu lòng, ngòi bút của Thạch Lam đã rất tinh tế trong việc phát hiện ra những biến thái tinh vi trong tâm hồn của một người đàn ông lần đầu tiên được làm cha. Cách diễn đạt của Thạch Lam không đao to búa lớn mà trầm tĩnh, bình thản nhưng ẩn đằng sau những câu chữ lặng lẽ khách quan ấy là bao nhiêu sự dằn vặt của tâm trạng, tự thức tỉnh nhân cách và tự thanh lọc tâm hồn.

Có thể nói, nếu như Tự lực văn đoàn có công đóng góp cho sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt theo hướng hiện đại thì Thạch Lam là người giữ được, bảo tồn được tính hiện đại ấy cho đến hôm nay. Ngôn ngữ Thạch Lam có những đóng góp to lớn làm giàu có, phong phú thêm ngôn ngữ tiếng Việt chúng ta.

Như vậy, truyện ngắn của Thạch Lam là những áng văn xuôi giàu chất thơ. Ngôn ngữ văn xuôi giàu nhạc điệu, các từ lặp lại tạo nốt nhấn như giai điệu của âm nhạc. Chính ngôn ngữ ấy đã tạo nên chất thơ, chất men say cho tác phẩm để rồi nó thấm vào lòng người nhẹ nhàng và ngọt ngào như những bản nhạc trong trẻo.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn thạch lam (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)