Không gian nghệ thuật khơi gợi cảm xúc

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn thạch lam (Trang 38)

7. Bố cục của khóa luận

2.4. Không gian nghệ thuật khơi gợi cảm xúc

Không gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là cái nhìn có nghĩa thì không gian nghệ thuật mở ra một điểm nhìn. Không gian ấy có thể rộng mênh mông, có thể rất eo hẹp. Không gian nghệ thuật là hiện tượng ước lệ mang ý nghĩa cảm xúc, tình cảm.

Cùng với việc biểu hiện thời gian nghệ thuật, trong tác phẩm của Thạch Lam không gian cũng được khai thác hết sức triệt để. Khác với các nhà văn đương thời, trong tác phẩm của mình, khi miêu tả không gian nghệ thuật, Thạch Lam ít khi mở rộng môi trường hoạt động cho nhân vật của mình. Trong các tác phẩm của Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, nhà văn để nhân vật của mình hoạt động trên một địa bàn không gian rộng lớn, còn ở tác phẩm Thạch Lam không gian bó hẹp hơn. Các kiểu không gian truyện của ông được xây dựng nhằm mục đích góp phần diễn tả nội dung truyện của mình, thể hiện cách nhìn của ông đối với cuộc đời.

Thạch Lam ít tô vẽ và cách điệu nó bởi vì như ông nói "Cái đẹp man mác trong vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chỗ mà không ai ngờ tới,

tìm cái đẹp và kín đáo che lấp của sự vật" [11]. Dường như trong văn Thạch Lam không gian thiên nhiên và không gian sinh hoạt đời thường là phông nền để nhân vật bộc lộ những cảm xúc, tâm trạng của mình trước cuộc sống. Không gian thiên nhiên trong truyện ngắn của Thạch Lam là không gian bàng bạc chất thơ. Dưới bóng hoàng lan có thể ví như một khu vườn cổ tích còn sót lại trên cõi nhân gian này. Khu vườn với gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một màu lá tươi non phảng phất trong không khí, có “Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá” và lan toả hương hoàng lan bao trùm cả khu vườn. Cái hay, cái đẹp trong Dưới bóng hoàng lan là đã tạo được một trường nghĩa về quê và không gian quê. Đó là chốn thanh bình “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong thửa vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa”, “sự yên tĩnh trầm mịch”. Đó là cảnh tượng “gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày xưa” và hình ảnh người bà vẫn tóc bạc phơ hiền từ. Đó là nơi chôn dấu những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm của Thanh mà chàng luôn thầm nhớ rằng “Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để yêu mến chàng”. Không gian quê ấy ngập tràn tình yêu thương của bà cháu, của một mối tình thưở nhỏ. Nơi ấy có người mà Thanh vẫn hằng mong nhớ. Đối với Thanh quê mới là nơi chàng muốn trở về chứ không phải nơi phố thị. Quê là lý tưởng, đồng nhất với sự trở về mơ ước. Hương hoàng lan là chút hương đầy lưu luyến gợi nhắc Thanh về một vùng quê thanh bình yên ả mà chàng muốn trở về. Hương hoàng lan cũng làm minh chứng tình yêu của Thanh và Nga - một mối tình không ngỏ. Thạch Lam không cầu kỳ trong việc lựa chọn chi tiết, hình ảnh để làm nên không gian đầy chất thơ ấy. Tất cả đều hết sức gần gũi thân thuộc với con người. Tuy

nhiên, trong khi bài trí, sắp xếp chi tiết, hình ảnh nhà văn đã chú ý chọn một “điểm nhấn”. Điểm nhấn ấy có thể là một sự việc, một cảnh sắc hay một hương vị được các nhân vật nhận biết bằng trực cảm và sự tự nhận biết ấy gợi dẫn biết bao xúc cảm, thức dậy những vùng ký ức đẹp đẽ.

Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã xây dựng hai không gian đối lập và tương phản nhau. Không gian của cuộc sống con người tù túng, tăm tối với cảnh chợ tàn, kiếp người tàn và những đồ vật tàn. Nhưng vượt lên trên không gian ấy là không gian thấm đẫm chất thơ, chất thơ toát lên từ “hiện thực tăm tối”. Mở đầu tác phẩm, tác giả vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh làng quê Việt Nam yên ả, thanh bình khi hoàng hôn buông xuống: “Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Lúc về đêm, “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”, và trên bầu trời “hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên đất hay len vào những cành cây”.

Đến với Gió lạnh đầu mùa người đọc bị hấp dẫn bởi không gian của một ngày mùa đông giá rét: đất khô trắng, gió vi vu, trời u ám. Đó là không gian hiện thực khắc nghiệt làm cho cuộc sống con người, đặc biệt đối với những đứa trẻ nghèo càng thêm khốn khó. Đối lập với cái khắc nghiệt của thiên nhiên, là không gian được làm nên bởi tình yêu ấm áp. Không gian của gia đình em Sơn, khi mọi người quây quần bên nhau trò chuyện, nhớ lại mùa rét năm nào, nhớ em Duyên đã mất. Không gian kết thúc câu chuyện cũng gợi lên trong lòng người đọc bao cảm xúc. Mẹ Sơn và mẹ Hiên, hai người phụ nữ ở hai thế giới khác nhau đã ngồi cùng bên nhau chuyện trò. Cử chỉ của mẹ Sơn cho mẹ Hiên vay tiền là một cử chỉ đáng trân trọng. Nó làm sáng lên tình người giữa ngày đông giá rét.

thơ qua cảnh sắc thiên nhiên mà còn thể hiện qua không gian hiện thực hàng ngày. Ở Cô hàng xén, cái không gian tưởng như đông vui hơn mà ngày ngày Tâm tiếp xúc với mọi người là cái chợ quê quen thuộc lại càng làm tăng tính chất buồn bã bởi điệp khúc bất di bất dịch sáng đi, tối về trên con đường tối om, dày đặc. Và Tâm bất giác nghĩ cuộc đời buồn đau, nhẫn nại hy sinh trong sự khô kiệt của chính mình để rồi “cúi đầu đi mau vào ngõ tối”.

Cũng có khi không gian diễn ra câu chuyện chỉ ở trong một ngôi nhà như Tiếng chim kêu, Người bạn cũ hay Đói. Cũng có lúc là trong một khoang xe như không gian của Thành (Cuốn sách bị bỏ quên), trong rạp hát như không gian của Người đầm. Từ một điểm của tâm tưởng, người viết có thể liên tưởng về không gian quá khứ, về không gian song hành hiện tại hoặc hướng về mơ ước tương lai không lấy gì làm chắc chắn để nói lên sự tồn tại chông chênh của thân phận con người.

Có thể thấy, hầu hết truyện của Thạch Lam đểu sử dụng không gian đời sống hàng ngày làm môi trường cho nhân vật hoạt động. Nhưng không gian hiện thực ở đây được bó hẹp lại trong không gian đời thường, không gian cá nhân chứ không phải không gian xã hội rộng lớn nên không gian càng thu nhỏ, dồn nén càng hiu hắt hơn.

Trong tác phẩm của Thạch Lam dường như làng quê, ngôi nhà và con đường là mối liên hệ cơ bản và quan trọng nhất, còn tất cả các mối quan hệ khác hoặc bị chúng cuốn hút hoặc trở thành thứ yếu trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Tác giả muốn nhấn mạnh cuộc sống vô nghĩa, nhàm chán, cô đơn, tẻ nhạt và quẩn quanh của họ. Không gian hiện thực hàng ngày xung quanh những căn buồng, những ngôi nhà, những phố huyện, xóm chợ là không gian trung tâm trong sáng tác của Thạch Lam. Không gian này (tương ứng là thời gian cá nhân hàng ngày) đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thạch Lam khai thác triệt để cái hàng ngày của đời sống. Đời sống thật của các nhân vật

hiện lên cụ thể chân thật, sinh động trong cái không gian riêng tư, gia đình của chính mình. Tất cả thế giới nghệ thuật của Thạch Lam đều sử dụng không gian hiện thực như vậy. Đó chính là cái xã hội nhân sinh với những cung bậc cảm xúc, tâm trạng bị thu nhỏ, bị dồn nén, trong đó có những kiếp người cam chịu mòn mỏi. Tự nhiên nó gợi cho người đọc sự thèm khát một không gian thoáng đãng và rộng rãi, đầm ấm và chan chứa tình người.

Thạch Lam cũng giống như Thanh Tịnh, nghĩa là ông tạo nên một không gian “nửa mùi thôn ổ nửa đá thị thành”. Nếu như Thanh Tịnh nghiêng về phía làng thì Thạch Lam nghiêng về phía phố. Phố huyện, chợ huyện, nhà ga… là những không gian rất tiêu biểu trong truyện Thạch Lam. Phố huyện của Thạch Lam là sự giao nối giữa nông thôn và thành thị, giữa quê và tỉnh. Phía sau vẫn là đồng ruộng mênh mông nhưng phía trước đã có hơi hướng thị thành. Cái không gian ấy của Thạch Lam không chỉ mang tính giao thời. Không gian này một mặt phản ánh hiện thực của xã hội giao thời nhưng mặt khác nó còn mang tính quan niệm của Thạch Lam về thành thị. Cái thành thị có lúc gợi lên trong lòng người dân những ước mơ thầm kín về hạnh phúc, về cuộc đời (Hai đứa trẻ). Mặt khác thành thị cũng là nơi làm cho người ta nhận ra những linh cảm chẳng lành. Hình như nó đồng nghĩa với sự thay đổi, sự quyến rũ, sự lãng quên, mất mát (Trở về, Tình xưa).

Ở không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam, tất cả đều hiu hiu, đạm đạm, không có sự chói gắt, không có những vang động mạnh nhưng lại gợi bao ám ảnh về số phận con người, về sự tối tăm của các cảnh đời. Dù ở thành thị hay ở nông thôn, không gian trong truyện của Thạch Lam cũng đầy bóng tối. Đúng là mảng tối dưới bóng những rặng tre sẫm đen dần khi đêm xuống trên đường về nhà của Tâm: “Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối” (Cô hàng xén). Hay “Diên nấc lên một tiếng rồi cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống” (Trong bóng tối buổi chiều). Không gian đó có

khi là những khoảng tối trong đêm giao thừa tràn ngập cả dãy phố hẻm có ngôi nhà săm chỉ còn hai cô gái tội nghiệp với nỗi niềm của kẻ tha hương. “Một đêm mưa phùn ẩm ướt và tối tăm về cuối tháng chạp…” có hai đứa trẻ nằm trong chăn ấm đang động lòng trắc ẩn vì một tiếng chim kêu (Tiếng chim kêu). Ở Hai đứa trẻ, câu chuyện có sự xung đột giữa bóng tối và ánh sáng; bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn; ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua. Câu chuyện là diễn biến của một thời gian ngắn, từ khoảng năm giờ chiều, khi “phương tây đã rực như lửa cháy”, đến chín giờ tối, khi “đêm tối bao bọc chung quanh” và “cả phố huyện chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”. Ngày nào cũng vậy, hai chị em nhìn bóng tối từ từ xâm chiếm phố huyện và cả bầu trời; và những người với những ngọn đèn từ các ngõ tối dần dần dọn ra phố huyện. Ánh đèn con leo lét của chị Tý trước gió không làm cho cảnh vật sáng lên mà trái lại càng làm cho bóng tối trở nên sâu hơn, thăm thẳm và hun hút hơn. Ánh sáng của đoàn tàu chỉ vụt qua trong chốc lát rồi lại lao vào đêm tối. Các nhân vật được giản lược tối đa, được thu gọn lại hết sức chỉ còn tựa hồ như những bóng thầm trong một bóng đêm vô cùng rộng lớn.

Trong không gian của đêm tối đen đặc ấy, không khí như ngưng đọng, ít âm thanh, hai chị em ngủ “một giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tĩnh mịch và đầy bóng tối”.

Tựu trung lại, Thạch Lam đã sử dụng một cách linh hoạt các yếu tố không gian nghệ thuật để góp phần lý giải sự vận động tính cách, tình cảm của nhân vật và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Thạch Lam đã mở ra một chiều không gian vời vợi mang tính người cao cả-chiều không gian nhân bản, không chỉ cho nhân vật truyện mà còn chuyển hoá sâu đậm đến người đọc, tạo thành không gian người đọc, làm cho họ cũng đau buồn, thảng thốt, cùng chia sẻ với số phận các nhân vật. Hay nói khác đi không gian nghệ thuật trong

truyện ngắn Thạch Lam mang đầy tính khơi gợi cảm xúc mãnh liệt.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong truyện ngắn thạch lam (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)