Thứ nhất là, xuất phát từ thực tế phát triển của thị trường chứng khoán:
Năm 2013, tổng giá trị huy động vốn trên thị trường chứng khoán đạt 179 nghìn tỷ đồng, đạt 31% GDP. Tính đến cuối tháng 9/2013, trên thị trường chứng khoán nước ta có khoảng 1,27 triệu tài khoản của nhà đầu tư. Trong đó số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp chiếm tỷ trọng tài khoản nhỏ (dưới 10%), còn chủ yếu là những nhà đầu tư nghiệp dư, tức là các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp không phải định chế đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chiếm hơn 90%. Không chỉ chiếm số lượng đông, những nhà đầu tư này còn là chủ thể rất dễ bị thiệt hại quyền lợi. Bởi trong một thị trường đầy rủi ro, đây là những nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá giá trị cổ phiếu, nên khi thị trường tranh mua như hiện nay thì họ sẽ không có cơ hội mua được những cổ phiếu tốt hơn trên thị trường. Họ chưa hiểu hết giá trị của các thông tin, và không có nhiều cơ hội để tiếp cận chính xác các thông tin đó nên không có sự cân đong cơ hội đầu tư một cách chính xác.
Thực tế cho thấy rằng sự tăng trưởng hay suy thoái của thị trường chứng khoán trong từng thời điểm, từng giai đoạn nhất định, chủ yếu phụ thuộc vào việc thỏa mãn rất lớn nhu cầu của nhóm nhà đầu tư này và sự biến thiên của thị trường này thường bị chi phối bởi ý chí của các nhà đầu tư, thông qua các quyết định đầu tư của họ. Việc quyền lợi của nhóm nhà đầu tư này bị xâm hại, dễ gây nên những ảnh hưởng diện rộng, tạo nên những bất ổn cho thị trường chứng khoán. Ngược lại một khi đảm bảo được quyền lợi của nhóm đối tượng yếu thế này, thị trường sẽ tạo được lòng tin của nhà đầu tư về tính lành mạnh của thị trường, là nền tảng cơ bản để tạo nên một thị trưởng ổn định, từ đó phát triển. Đây cũng chính là tiền đề tạo ra một thị trường chứng khoán lành mạnh, vận hành trôi chảy, ổn định, và hiệu quả.
91
Thêm vào đó khi hoàn thiện pháp luật, bảo vệ có hiệu quả nhóm nhà đầu tư này sẽ là phương thức hiệu quả nhất để khuyến khích hoạt động đầu tư và thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Không thể phủ nhận rằng, các nhà đầu tư chỉ tham gia thị trường chứng khoán khi các quyền lợi cơ bản của họ được đảm bảo tối đa. Việc hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư nghiệp dư một mặt là cách thức quản lý thị trường, mặt khác là biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư nghiệp dư tiềm năng khác, bỏ nguồn vốn nhàn rỗi của mình vào đầu tư chứng khoán một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Thứ hai, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nghiệp dư.
Ở Việt nam việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư nghiệp dư trên TTCKTT đã được đề cập đến từ rất sớm. Bắt đầu từ nghị định số 48/1998/NĐ-CP ban hành ngày 11/7/1998, trải qua một quá trình dài hoàn thiện, đến nay nhà nước ta có rất nhiều nỗ lực trong việc ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ các nhà đầu tư nghiệp dư. Tuy nhiên từ thực trạng pháp luật đã đề cập ở trên cho thấy pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư nghiệp dư vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, quyền lợi nhà đầu tư nghiệp dư trên thực tế vẫn bị xâm phạm. Do vậy chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật này để có thể nâng cao việc bảo vệ nhóm nhà đầu tư này.