Xây dựng bộ chỉ số minh bạch thông tin đối với công ty niêm yết

Một phần của tài liệu Công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 102)

Hàng năm, các SGDCK đã tổ chức chấm điểm Báo cáo thường niên của các công ty niêm yết, với các tiêu chí như có nội dung về quản trị công ty tốt nhất, giải giành cho Báo cáo phát triển bền vững..., nhằm khích lệ các công ty trong thực hiện CBTT. Tuy nhiên, việc đánh giá Báo cáo thường niên chưa đủ để xác định một doanh nghiệp có minh bạch hay không. Theo thông lệ tại nhiều nước, mức độ minh bạch của các công ty niêm yết được dựa trên chỉ số riêng về minh bạch thông tin. Tại Hoa Kỳ, chỉ số xếp hạng tính minh bạch và CBTT (Transparency and Disclosure - T&D) được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard and Poor’s đưa ra năm 2001 nhằm đánh giá tính minh bạch của công ty niêm yết dựa trên 98 câu hỏi liên quan đến cấu trúc sở hữu và quyền của nhà đầu tư; các thông tin tài chính; và hoạt động của HĐQT (dựa trên các báo cáo mà công ty niêm yết gửi cho SGDCK). Còn tại Singapore, tờ Business Times, Trung tâm quản trị công ty (CGIO), Trường Kinh doanh - Đại học Quốc gia Singapore đã phối hợp cùng xây dựng và đưa ra Chỉ số quản trị và minh bạch thông tin (Governance and Transparency Index - GTI) vào năm 2009, thay thế cho chỉ số minh bạch thông tin công ty (Coporate Transparency Index - CTI), theo đó chủ yếu đánh giá mức độ minh bạch về quản trị công ty của công ty niêm yết dựa trên các tiêu chí về chính sách lương thưởng, hoạt động của HĐQT và Ban giám đốc, vấn đề kế toán và kiểm toán và quyền lợi của nhà đầu tư. Hay

98

tại Đài Loan, đã có Hệ thống xếp hạng mức độ công bố và minh bạch hóa thông tin (Information Disclosure and Transparency Ranking System -IDTRS) do Viện nghiên cứu Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (Securities and Futures Institute - SFI) xây dựng, để đo lường mức độ minh bạch hóa thông tin của tất cả công ty niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán TWSE (Taiwan Stock Exchange) và

GTSM(Gretai Stock Exchange) của Đài Loan, trên cơ sở xem xét mức độ tuân

thủ nghĩa vụ CBTT bắt buộc và ý thức CBTT tự nguyện của các công ty. Việc xây dựng chỉ số minh bạch thông tin giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về công ty và các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời nó cũng giúp cải thiện tình trạng minh bạch thông tin trên TTCK, qua đó góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo lập và giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường.

Tại Việt Nam, kể từ khi TTCK chính thức hoạt động vào năm 2000 cho đến nay chưa có bất kỳ bộ chỉ số minh bạch thông tin nào được áp dụng để đo lường mức độ minh bạch của các công ty niêm yết. Chính vì thế, Việt Nam cũng cần sớm nghiên cứu xây dựng chỉ số minh bạch thông tin đối với các công ty niêm yết trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước. Việc đánh giá tính minh bạch của công ty niêm yết nên được thực hiện bởi một cơ quan độc lập và dựa trên các thông tin cơ bản như cơ cấu sở hữu, hoạt động và quyền lợi của nhân sự quản lý, quyền và nghĩa vụ của cổ đông; hoạt động tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ tiếp cận thông tin của nhà đầu tư...

Một phần của tài liệu Công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 102)