đại chúng trên thị trường chứng khoán
Thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư nhưng các vi phạm chủ yếu trên TTCK vẫn là vi phạm về chế độ báo cáo, CBTT, trong đó các vi phạm về CBTT của CTĐC chiếm tỷ lệ lớn. Vì thế, các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm về CBTT theo hướng nghiêm khắc là điều cần thiết nhằm tăng cường tính răn đe, góp phần làm giảm các vi phạm và nâng cao tính công khai, minh bạch của TTCK. Hiện nay, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 có năm hình thức xử phạt hành chính gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất. Đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về CBTT của trên TTCK chỉ áp dụng ba hình thức xử lý vi phạm hành chính gồm cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ trên 03 tháng đến 24 tháng, trong đó các công ty đại chúng (không phải tổ chức kinh doanh chứng khoán) chỉ áp dụng hai hình thức là cảnh cáo và phạt tiền. Các hình thức xử lý bổ sung gồm buộc hủy bỏ hoặc cải chính thông tin; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trước đây, việc xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ CBTT trên TTCK được quy định tại Nghị định số 85/2010/NĐ-CP. Các mức phạt tại Nghị định này được đánh giá là chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm trên thị trường, vì thế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, đồng thời phù hợp với quy định mới tại Luật xử lý vi phạm hành
71
chính năm 2012 (trong đó mức xử phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng), ngày 23/9/2013 Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (sau đây gọi tắt là Nghị
định số 108/2013/NĐ-CP) thay thế cho Nghị định số 85/2010/NĐ-CP. Các nội
dung của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Theo đó, các hình thức xử lý vi phạm khi công ty đại chúng không tuân thủ quy định về CBTT trên TTCK gồm:
- Biện pháp cảnh cáo: Chỉ áp dụng trong trường hợp công ty đại chúng không thực hiện đăng ký người được ủy quyền CBTT; không thông báo, thông báo không đúng thời hạn về việc thay đổi người được ủy quyền CBTT hoặc không thông báo với UBCKNN, SGDCK về địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này theo quy định pháp luật.
- Hình thức phạt tiền áp dụng với các vi phạm sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với hành vi không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức CBTT; không lưu giữ thông tin công bố theo quy định pháp luật. Nghị định mới này cũng bổ sung quy định về phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với mọi hành vi CBTT không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của UBCKNN (trước đây Nghị định 85/2010/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với vi phạm về CBTT bất thường). Còn hành vi không CBTT hoặc CBTT không chính xác theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của UBCKNN có mức phạt đến 100.000.000 đồng (tăng so với mức 90.000.000 đồng trước đây). Ngoài ra, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP cũng quy định trường hợp CTĐC không lập trang thông tin điện tử cũng bị phạt đến 100.000.000 đồng (trước đây là 30.000.000 đồng), nhằm đẩy mạnh hoạt động CBTT điện tử của CTĐC. Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung các hành vi vi phạm như: không xác nhận hoặc đính chính thông tin hoặc xác nhận, đính chính thông tin không đúng thời hạn khi có thông tin làm
72
ảnh hưởng đến giá chứng khoán hoặc khi nhận được yêu cầu xác nhận, đính chính thông tin của UBCKNN (mức phạt đến 100.000.000 đồng). Đặc biệt, đối với hành vi tổ chức trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc tạo dựng thông tin sai sự thật, CBTT sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán… mức phạt lên đến 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, với vai trò là chủ thể “cung cấp hàng hóa” trên thị trường giao dịch có tổ chức, các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch còn phải tuân thủ quy định của cơ quan tổ chức thị trường – các SGDCK. Theo Quy chế CBTT của các SGDCK hiện có năm hình thức xử lý vi phạm khi các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch không tuân thủ quy định về CBTT, bao gồm (i) Nhắc nhở bằng văn bản; (ii) Đưa chứng khoán vào diện cảnh báo; (iii) Đưa chứng khoán vào diện kiểm soát; (iv) Tạm ngừng giao dịch; (v) Hủy niêm yết/hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu theo quy định tại Quy chế Niêm yết chứng khoán/Quy chế Quản lý thị trường đăng ký giao dịch. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm quy định về CBTT mà Tổng Giám đốc SGDCK quyết định một trong năm hình thức xử lý trên đối với công ty niêm yết/đăng ký giao dịch. Các quy định này cũng góp phần đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, giúp cung cấp hàng hóa có chất lượng trên thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức.
Đặc biệt, ngày 26/6/2013, Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP- BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC giữa Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán đã được ban hành. Điều này đánh dấu việc lần đầu tiên Việt Nam có hướng dẫn cụ thể về tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, trong đó chủ yếu là các tội liên quan đến CBTT và sử dụng thông tin nội bộ (Ba tội liên quan đến lĩnh vực chứng khoán tại Điều 181 a, b, c Bộ luật Hình sự gồm: (1) tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; (2) tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; (3) tội
73
thao túng giá chứng khoán). Những hành vi cần áp dụng chế tài nghiêm khắc do nó xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, tạo ra cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu, làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư chứng khoán Việt Nam... Trên thực tế, nhiều trường hợp đã bị khởi tố như vụ việc khởi tố lãnh đạo công ty Dược Viễn Đông vào tháng 12/2011 về tội thao túng giá chứng khoán hay khởi tố lãnh đạo công ty cổ phần chứng khoán Sacombank (SBS) về hành vi "công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán" vào tháng 8/2012... Các sự việc này đã tạo sức răn đe rất lớn đến các đối tượng tham gia TTCK, làm “chùn tay các đội lái chứng khoán”, góp phần làm tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Có thể thấy, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động CBTT nói chung cũng như điều chỉnh hoạt động CBTT của công ty đại chúng nói riêng đã song hành cùng những biến động của TTCK và đều có những thay đổi thích hợp trong từng giai đoạn phát triển của thị trường, góp phần rất lớn vào việc thiết lập trật tự, ổn định của TTCK. Việc ban hành Thông tư 52/2012/TT-BTC với các quy định chặt chẽ về nghĩa vụ CBTT định kỳ, bất thường của công ty đại chúng cho thấy nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý trong vấn đề minh bạch hóa TTCK và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Phân tích các quy định hiện hành cho thấy pháp luật điều chỉnh hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK Việt Nam đã tiệm cận đến chuẩn mực quốc tế cả về loại thông tin cần công bố và cách thức CBTT.