Cốt thép thường của các dầm hộp đúc hẫng

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIÁM SÁT THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CẦU TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG (Trang 68)

- Kiểm tra cao độ:

3.7.1.Cốt thép thường của các dầm hộp đúc hẫng

- Khung cốt thép của dầm hộp được chế tạo theo cụm và được đặt vào trong ván khuôn treo của thiết bị đúc di động (xe đúc hẫng) tương ứng với trình tự đổ bê tông hẫng đã được thiết kế trong bản vẽ thi công. Nói chung trình tự thường gặp như sau:

cốt thép bản đáy và cốt thép thành bên của dầm hộp được đặt trước tiên, sau khi đổ bê tông bản đáy mới lắp ván khuôn trong của thành hộp và đổ bê tông thành hộp, sau đó lắp đặt cốt thép bản nắp và đổ bê tông bản nắp hộp.

- Nội dung cơ bản của công tác giám sát cốt thép chủ yếu không có gì đặc biệt, chỉ cần luôn đối chiếu giữa bản vẽ và khung cốt thép thực tế cho phù hợp về cự ly, số lượng, vị trí và đường kính . Những chỗ thường sai sót là mối hàn nối giữa cốt thép của 2 đốt liên tiếp nhau bị trùng nhau quá 50 % trên một mặt cắt, mối hàn không đủ chiều dài, chiều dầy hoặc có khuyết tật khác.

- Cần lưu ý rằng chiều dầy thành hộp thường được thiết kế thay đổi giảm dần từ phía sát trụ đến phía giữa nhịp (ví dụ ở trên trụ thì thành hộp dầy 65 cm, ở giữa nhịp chỉ dày 30 cm.). Như vậy cự ly giữa 2 nhánh cốt thép đai thẳng đứng sẽ bị thay đổi dần nhưng chiều dầy tầng bê tông bảo vệ thì phải luôn giữ đúng theo thiết kế.

- Trong những trường hợp mà Hồ sơ đấu thầu chưa chỉ rõ các bản vẽ cốt thép chi tiết, Nhà thầu phải tự lập bản vẽ cốt thép chi tiết. Khi đó trách nhiệm của TVGS là phải xem xét kỹ để yêu cầu sửa cho hợp lý trước khi duyệt cho thi công. TVGS nên lưu ý về những kinh nghiệm rút ra từ các sự cố nứt nhỏ ở cầu Phú-Lương, cầu Gianh vừa qua để có biện pháp tăng cường cốt thép hoặc thay đổi đường kính, cự ly cốt thép sao cho hợp lý (xin xem thêm các báo cáo của Hội đồng KHCN Bộ GTVT và Cục GĐ-QLCL về vấn đề này).

- Nhiều chi tiết thép chờ phục vụ thi công và khai thác lâu dài cần phải được dự trù trước và đặt sẵn trong ván khuôn trước khi đổ bê tông. Nhà thầu dễ sai sót ở chỗ này.

- Những chỗ chịu ứng lực cục bộ cần được chú ý hơn là : khu vực đặt vấu neo, các ụ chuyển hướng cáp dự ứng lực ngoài, các lỗ khoét ở vách.

- Để tránh các vết nứt thẳng đứng trong thành hộp do nhiệt toả ra trong quá trình thuỷ hoá và do co ngót không đều, TVGS có thể xem xét tăng cốt thép cấu tạo đặt nằm ngang với đường kính 14-16 mm, cự ly 20 cm trong thành hộp của những đốt gần trụ (đốt có chiều cao lớn đến 5-6 m).

- Để giữ đúng vị trí các ống chứa cáp dự ứng lực, cần phải hàn sẵn các mấu định vị vào đúng vị trí trên khung cốt thép thường của bản nắp, của bản đáy hoặc của thành hộp. Cần đặc biệt chú ý đến ống chứa các cáp dự ứng lực ngang vì chỉ cần sai vị trí 1-2 cm là có thể gây hậu quả xấu, thậm chí nứt bản.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU GIÁM SÁT THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CẦU TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG (Trang 68)