Một vấn đề mà bất kỳ ngân hàng nào khi cho vay đối với hộ nghèo phải cân nhắc là đối với người nghèo, khả năng tiếp cận vốn quan trọng hơn lãi suất vốn vay rất nhiều. Phải có vốn thì hộ nghèo mới có thể thoát nghèo bằng chính sức lao động của họ. Điều này đã được kiểm chứng về lý thuyết và trên thực tiễn. Cho đến nay chưa có hộ nghèo nào cần vốn mà từ chối vốn ngân hàng cho vay với lãi suất thị trường.
Lãi suất là giá cả của tín dụng, nó phải bao hàm mọi chi phí liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn vay. Đặc biệt khi đối tượng vay vốn là các hộ nghèo vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro thì về nguyên tắc, lãi suất cho vay hộ nghèo phải cao hơn lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng khác. Các NHCS thường nhận được nhiều ưu đãi về vốn của các Chính phủ (được cấp vốn từ NSNN, tiếp nhận vốn từ các Chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo…), điều này cũng giúp ngân hàng giảm được chi phí cho vay hộ nghèo, cụ thể là tiết kiệm được chi phí huy động vốn. Đứng trên giác độ NHCS, chừng nào ngân hàng có thể trang trải đủ các chi phí trong cho vay hộ nghèo thì khả năng mở rộng cho vay đến hộ nghèo của ngân hàng mới lâu dài và chắc chắn. Rất nhiều trung gian tài chính đã chứng tỏ họ có thể trang trải các chi phí bằng doanh thu từ lãi cho vay và phí. Thậm chí một số trung gian tài chính còn hoạt động có lãi thực sự trong lĩnh vực này và không phải lệ thuộc vào vốn ưu đãi hay bất kỳ khoản trợ cấp nào. Ở Trung Đông, Châu Phi và Đông Âu, trung bình dưới 30% trung gian tài chính trong lĩnh vực này là bền vững, mức này là 55% ở Châu Á và 75% ở Châu Mỹ La tinh.
Hiện nay, nhu cầu về vốn là rất lớn hay cầu luôn lớn hơn cung. Nếu ngân hàng cho vay theo lãi suất ưu đãi thì ngoài hộ nghèo cần vay vốn còn có một bộ phận không phải là hộ nghèo nhưng cũng có thể tìm mọi cách được vay vốn ngân hàng vì đây là nguồn vốn rẻ. Từ đó dẫn đến “thổi phồng” nhu cầu về vốn, vốn vay không đúng đối tượng và sử dụng sai mục đích trong khi nhiều hộ nghèo thật sự thì không được vay vốn.