Nhận thức đúng về người nghèo và cho vay đúng đối tượng là hộ nghèo:

Một phần của tài liệu MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH (Trang 28 - 29)

Đói nghèo không phải là sản phẩm của người nghèo mà là sản phẩm tất yếu của tồn tại xã hội, chính cái “tồn tại xã hội” ấy là tác nhân kìm hãm xã hội phát huy khả năng làm ăn của một bộ phận cộng đồng mà đói nghèo đã ngự trị họ. Hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau về người nghèo:

Một là, người nghèo là người hèn kém, không biết làm ăn nên qua bao đời luôn thất bại trong cuộc sống nên cần phải cứu giúp họ. Quan điểm này đứng từ trên nhìn xuống, coi thường người nghèo, muốn đưa tay cứu vớt họ nhưng không tin tưởng ở họ dẫn đến hạn chế khai thác tiềm năng của người nghèo.

Hai là, người nghèo cũng là con người, cũng được sinh ra như những người khác, họ nghèo chẳng qua là vì họ thiếu cơ hội để làm những điều mà người khá giả làm được. Đói nghèo đã cướp đi quyền con người của họ. Cái họ thiếu là cơ hội, nếu cho họ tiếp cận được những thứ này thì họ có thể làm được những điều mà người giàu làm được và thoát nghèo. Cơ hội đối với người nghèo có thể được xem là sự kết hợp giữa hai yếu tố: sở hữu tài sản (hoặc ít nhất được tiếp cận với tài sản) và thu nhập có được từ những tài sản đó. Nhiều khi tài sản chính của người nghèo chỉ là sức lao động, nếu không có được những công việc được trả lương tốt thì một mình tài sản này không đủ để đảm bảo thu nhập cho cả hộ. Quan điểm này tôn trọng người nghèo, đặt niềm tin vào họ nên đã giúp họ phát huy khả năng của mình và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Thực tế cho thấy quan điểm thứ hai về người nghèo là đúng đắn. Người nghèo nhìn chung đều có khả năng và biết làm ăn, có tính tự trọng và muốn vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Như vậy, để giúp cho người nghèo thoát nghèo và giảm bớt gánh nặng cho xã hội thì phải tạo cho họ khả năng tiếp cận tới các nguồn lực, trong đó vốn cho người nghèo sản xuất kinh doanh được coi là “điểm nút” để phá rào cản của đói nghèo. Tuy vậy, để vốn này được chuyển tới đúng đối tượng là hộ nghèo không phải dễ dàng. Cho vay bao cấp của Chính phủ đã dẫn đến tình trạng lựa chọn người vay bị sai lệch,

những người khá giả có nhiều mối quan hệ hơn, được tin tưởng hơn thường cố gắng tìm mọi cách để tiếp cận đến nguồn vốn rẻ và vì vậy mà người nghèo thường khó chen vào các chương trình này. Không những thế, cho vay theo hình thức này chính là nguyên nhân làm cho người vay chuyển vốn vay cho các mục tiêu khác dẫn đến kết cục là vốn được cung ứng cho các hoạt động kinh tế thứ yếu và nhiều khi không cần thiết. Hậu quả là xói mòn vốn của ngân hàng, không đủ để cung cấp vốn cho các hộ nghèo khác nữa. Kinh nghiệm của các chương trình cho vay đối với hộ nghèo đạt được thành công cho thấy cho vay món nhỏ, thời gian ngắn sẽ giúp ngân hàng lựa chọn đúng đối tượng cần phục vụ của mình.

Nếu NHCS nhận thức đúng đắn về hộ nghèo, quan trọng là nhận thức của các cán bộ ngân hàng - người chuyển vốn trực tiếp đến khách hàng - một cách tích cực về khả năng sử dụng vốn và trách nhiệm của hộ trong việc hoàn trả thì họ sẽ tâm huyết và vượt qua mọi vất vả trong cho vay, vốn được chuyển đến hộ nghèo nhiều hơn, không những vậy họ còn giúp đỡ tận tình hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả. Ngược lại cán bộ nhận thức theo hướng tiêu cực về khả năng và trách nhiệm của hộ nghèo thì họ sẽ không nhiệt tình trong việc chuyển vốn đến khách hàng, nhất là những hộ ở vùng sâu, xa, chưa nói gì đến hiệu quả của vốn đó được sử dụng như thế nào. Nhận thức của ngân hàng cùng tâm huyết và trách nhiệm của cán bộ ngân hàng góp phần quan trọng vào việc lựa chọn đúng đối tượng cần vay vốn.

Một phần của tài liệu MỞ RỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(36 trang)
w