trong mối quan hệ với việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tƣ
2.3.1. Quy định của pháp luật về việc tách bạch hoạt động môi giới và tự doanh
Pháp luật quy định, trong quá trình thực hiện hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới CK, CTCK phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, CTCK phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của chính mình;
Thứ hai, CTCK phải công bố cho khách hàng biết khi mình là đối tác trong giao dịch trực tiếp với khách hàng và không được thu phí giao dịch của khách hàng trong trường hợp này;
Thứ ba, trong trường hợp lệnh mua/bán CK của khách hàng có thể ảnh hưởng tới giá của loại CK đó, CTCK không được mua/bán trước cùng loại CK đó cho chính mình hoặc tiết lộ thông tin cho bên thứ ba mua/bán CK đó;
Thứ tư, khi khách hàng đặt lệnh giới hạn, CTCK không được mua hoặc bán cùng loại CK đó cho chính mình ở mức giá bằng hoặc tốt hơn mức giá của khách hàng trước khi lệnh của khách hàng được thực hiện.
Các nguyên tắc trên được thiết lập nhằm đảm bảo tách bạch hai chức năng môi giới và tự doanh của CTCK qua đó đảm bảo lợi ích hợp pháp của khách hàng. Nguyên tắc này xuất phát từ việc nhận thức ưu thế của CTCK so với khách hàng khi tiến hành hoạt động đầu tư. CTCK là người hoàn toàn chủ động về thời điểm, phương thức mua bán. Hơn nữa, họ lại là chủ thể có khả năng và điều kiện nắm bắt một cách chính xác tất cả các thông tin liên quan đến các lệnh mua/bán của khách hàng. Chẳng hạn, khi nhận được các lệnh mua bán một loại CK với một số lượng lớn từ khách hàng, CTCK có thể dự đoán được mức độ ảnh hưởng của các lệnh mua bán này đối với diễn biến giá cả của CK, từ đó CTCK có thể ra quyết định đầu tư trước khách hàng một bước. Đặc biệt là lệnh mua bán của khách hàng là người thuộc các công ty niêm yết nhưng không thuộc trường hợp phải công bố công khai.
Giữa hoạt động tự doanh và hoạt động tư vấn đầu tư, pháp luật quy định CTCK phải thông báo cho khách hàng các giao dịch mà mình là một bên của giao dịch đó. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình tư vấn đầu tư cho khách hàng, tránh tình trạng CTCK dụ dỗ, lôi kéo khách hàng mua bán CK để trục lợi cho mình. Quy định của pháp luật là như vậy nhưng trên thực tế hầu như chưa có CTCK nào tuân thủ quy định này. Điều đó đồng nghĩa với việc NĐT rất dễ bị CTCK tư vấn không khách quan để trục lợi trong hoạt động tự doanh.
2.3.2. Quy định của pháp luật về vai trò điều tiết thị trƣờng của Công ty chứng khoán
CTCK tham gia thị trường với tư cách là NĐT có tổ chức, có năng lực tài chính mạnh và có kinh nghiệm thị trường. Ở TTCK của các nước phát triển, CTCK
còn có vai trò của nhà tạo lập thị trường. Từ sau cuộc khủng hoảng của TTCK thế giới ngày 28/10/1929, Chính phủ các nước đã ban hành những luật lệ bổ sung cho hoạt động của TTCK, trong đó đòi hỏi một sự phối hợp giữa Nhà nước với các thành viên tham gia SGDCK nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng giá CK có thể xảy ra trên thị trường. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi vì hoạt động của CTCK phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình hoạt động của thị trường, khi TTCK khủng hoảng thì không những nền kinh tế bị ảnh hưởng mà ngay cả quyền lợi của NĐT, các CTCK cũng bị ảnh hưởng. Theo quy định của các nước, các CTCK có nghiệp vụ tự doanh phải dành ra một tỷ lệ nhất định giao dịch của mình để mua CK khi giá giảm và bán CK dữ trữ khi giá lên quá cao nhằm góp phần điều tiết và bình ổn giá trên thị trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có quy định này. Cũng vì một phần bởi nguyên nhân này mà cuộc khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra năm 2007 đã tác động nghiêm trọng đến TTCK Việt Nam khi giá CK liên tục sụt giảm mà không có biện pháp can thiệp nào tỏ ra có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, Nhà nước đã thực hiện tất cả các giải pháp gồm cả giải pháp dài hạn và ngắn hạn trong đó huy động Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đứng ra mua cổ phiếu nhằm cứu vãn tình trạng bán tháo cổ phiếu, vực dậy tâm lý của các NĐT. Vào giai đoạn này, các CTCK Việt Nam thay vì thực hiện vai trò của nhà trung gian bình ổn, điều tiết thị trường thì lại liên tục bán tháo cổ phiếu. Hiệp hội kinh doanh CK đã nhiều lần đứng ra kêu gọi, thậm chí Hiệp hội còn có ý định thông qua nghị quyết về việc nghiêm cấm các CTCK không được bán ra. Vì chưa có quy định nào bắt buộc CTCK phải thực hiện chức năng điều tiết thị trường nên mới diễn ra tình trạng như vậy.
Mặc dù sự can thiệp của các CTCK bị giới hạn và phụ thuộc vào nguồn vốn tự doanh và quỹ dự trữ CK nhưng việc tham gia điều tiết, bình ổn, dẫn dắt thị trường vẫn là chức năng có ý nghĩa rất quan trọng tác động trực tiếp đến tâm lý của các NĐT trên thị trường. Do vậy, nếu pháp luật ghi nhận chính thức vai trò này sẽ góp phần tính cực làm cho thị trường phát triển an toàn, bền vững qua đó gián tiếp bảo vệ quyền lợi cho các NĐT.
2.3.3. Quy định của pháp luật về giới hạn đầu tƣ trong hoạt động tự doanh
Theo quy định hiện nay, để hoạt động tự doanh, CTCK phải có số vốn tối thiểu là 100 tỷ đồng (số vốn lớn thứ hai sau nghiệp vụ bảo lãnh phát hành CK) [8, Đ3]. Tuy nhiên pháp luật lại giới hạn tổng mức đầu tư của CTCK không được vượt quá 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức niêm yết [8, Đ29]. Quy định này đặt ra câu hỏi sau cần phải giải quyết: Trong trường hợp giá trị của 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức niêm yết vượt quá số vốn tự doanh của CTCK thì liệu rằng việc quy định số vốn pháp định đối với hoạt động tự doanh theo quy định nêu trên có còn ý nghĩa nữa không? và mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động của CTCK có thực hiện được hay không? Ngoài ra, CTCK còn được phép đầu tư đến 20% tổng tài sản để mua cổ phần hoặc góp vốn vào một tổ chức khác. Như vậy, số vốn để CTCK thực hiện hoạt động tự doanh được căn cứ vào tổng tài sản chứ không căn cứ vào số vốn pháp định hay số vốn điều lệ. Quy định như vậy là chưa đảm bảo an toàn về mặt tài chính trong quá trình hoạt động của CTCK vì cơ cấu tổng tài sản của CTCK bao gồm vốn tự có và vốn vay. Khi đó, CTCK sẽ không có được nguồn vốn chủ động, an toàn để đối phó với các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đầu tư.