Thực hiện thử nghiệm kiểm soát (thử nghiệm tuân thủ)

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CÁC DỰ ÁN (Trang 28 - 29)

2. Thực hiện công việc kiểm toán

2.1. Thực hiện thử nghiệm kiểm soát (thử nghiệm tuân thủ)

Thử nghiệm kiểm soát là việc kiểm tra để thu thập bằng chứng kiểm toán về sự thiết kế phù hợp và sự vận hành hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Khi thu thập sự hiểu biết về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên cần xem xét trên hai mặt sau đây:

Thiết kế hoạt động kiểm soát, kiểm toán viên phải xem xét hoạt động kiểm soát có ngăn ngừa, phát hiện, sửa chữa các sai phạm trọng yếu hay không.

Hoạt động kiểm soát có được triển khai theo đúng yêu cầu thiết kế hay không.

Các phương pháp cụ thể được áp dụng trong việc kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ bao gồm:

+ Điều tra, phương pháp này có thể được thực hiện thông qua quan sát thực địa, xác minh thực tế, kể cả trên các chứng từ hoặc trên các báo cáo kế toán.

+ Phỏng vấn, đây là việc đưa ra các câu hỏi và thu thập các câu trả lời của nhân viên đơn vị khách hàng và xác nhận xem họ đã thực hiện hoạt động kiểm soát này chưa. Yêu cầu đối với các câu hỏi phỏng vấn cần ngắn gọn, dễ hiểu, linh hoạt, có thể sử dụng các câu hỏi đóng và câu hỏi mở và khi kết thúc phỏng vấn cần tóm tắt lại kết quả phỏng vấn và xác nhận của người được phỏng vấn.

+ Thực hiện lại là phép lặp lại hoạt động của nhân viên đã làm để xác định mức độ thực hiện và trách nhiệm của họ đối với công việc được giao.

+ Kiểm tra từ đầu đến cuối là sự kết hợp giữa kỹ thuật phỏng vấn, điều tra, quan sát theo trật tự diễn biến của các nghiệp vụ đã được ghi lại trong sổ cái.

Phương pháp này tốn nhiều thời gian và công sức nên nó chỉ được áp dụng đối với một số nghiệp vụ mang tính trọng yếu.

+ Kiểm tra ngược lại theo thời gian là biện pháp kiểm tra một nghiệp vụ từ sổ cái ngược lại thời điểm bắt đầu phát sinh nghiệp vụ đó.

Để thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và có giá trị khi áp dụng các phương pháp này trong kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên cần tôn trọng một số nguyên tắc sau:

+ Phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật.

+ Cần lựa chọn các biện pháp kỹ thuật chủ đạo, thích ứng với từng loại hình kiểm tra.

+ Cần đảm bảo tính kế thừa và phát triển các biện pháp kỹ thuật.

Sau khi đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong kiểm tra hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên cần lưu trữ vào hồ sơ kiểm toán các tài liệu như nội dung, thời gian, phạm vi của các biện pháp kiểm soát nội bộ cũng như các phát hiện mới của kiểm toán viên. Nếu phát hiện của kiểm toán viên phù hợp với đánh giá ban đầu về rủi ro kiểm soát thì kiểm toán viên giữ nguyên các thủ tục kiểm toán cơ bản. Ngược lại, kiểm toán viên có thể thay đổi lại đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ trong kế hoạch kiểm toán và tăng cường hoặc mở rộng phạm vi các thử nghiệm cơ bản trên các số dư và nghiệp vụ kể cả các thủ tục phân tích và kiểm tra chi tiết.

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CÁC DỰ ÁN (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(34 trang)
w