Theo Chuẩn mực Kiểm toán số 700 - Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính thì “Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải soát xét và đánh giá những kết luận rút ra từ các bằng chứng thu thập được và sử dụng những kết luận này làm cơ sở cho ý kiến của mình về báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán”. Do vậy sau khi hoàn thành công việc kiểm toán trong từng phần hành, kiểm toán viên phải tổng hợp, đánh giá các thông tin đã thu thập được nhằm soát xét được toàn bộ quá trình kiểm toán, cụ thể ở đây là kiểm toán doanh thu. Để đạt được mục đích này, kiểm toán viên tiến hành thủ tục sau:
- Áp dụng thủ tục phân tích để đánh giá tính đồng bộ và sát thực của các thông tin thu thập được đối với khoản mục doanh thu trên Báo cáo kết quả kinh doanh.
- Đánh giá sự đầy đủ của các bằng chứng về khoản mục doanh thu nhằm xem xét liệu bằng chứng thu thập được đã đầy đủ cho việc ra quyết định của kiểm toán viên chưa.
- Đánh giá tổng hợp các sai sót phát hiện được nhằm nhận biết được mức sai sót của khoản mục doanh thu trên báo cáo tài chính phục vụ cho mục đích đưa ra ý kiến.
- Rà soát lại hồ sơ kiểm toán để đánh giá công việc của kiểm toán viên trong nhóm. Bên cạnh việc rà soát còn nhằm xem xét các Chuẩn mực kiểm toán đã được tuân thủ trong quá trình thực hiện hay chưa, khắc phục những xét đoán thiên lệch của kiểm toán viên.
- Yêu cầu đơn vị khách hàng cung cấp thư giải trình của các nhà quản lý đối với khoản mục doanh thu để giải đáp những thiếu sót và tồn tại của đơn vị phục vụ cho mục đích ra quyết định của kiểm toán viên.
- Kiểm tra lại các thông tin trong báo cáo kết quả kinh doanh của đơn vị để phát hiện những bất hợp lý trong báo cáo này và ra các quyết định tài chính hiện hành, như sự phù hợp giữa doanh thu với giá vốn, giữa thuế GTGT với doanh thu bán hàng của đơn vị.
Hình thức trình bầy của Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính có thể có nhiều hình thức khác nhau, có thể bằng văn bản, có thể bằng miệng (trong trường hợp đơn giản khi kiểm toán Báo cáo tài chính cho một cá nhân nào đó và họ không cần có kết quả kiểm toán trình bầy dưới dạng bằng văn bản).
Căn cứ vào kết quả kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra một trong các loại ý kiến về báo cáo tài chính như sau:
Trong trường hợp kiểm toán viên và công ty kiểm toán đánh giá rằng khoản mục doanh thu không có các sai sót trọng yếu, doanh thu phản ánh phù hợp với giá vốn hàng bán, dịch vụ tiêu thụ xác định là tiêu thụ trong kỳ; các khoản thuế liên quan và doanh thu được phản ánh trung thực và không có sai sót, tuân thủ Chuẩn mực và Chế độ Kế toán Việt Nam hiện hành (hoặc được chấp nhận), tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành khác liên quan đến doanh thu, khi đó kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với khoản mục doanh thu. Bên cạnh đó, để có thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với toàn bộ Báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần căn cứ vào kết quả kiểm toán các khoản mục khác của các báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trong trường hợp các khoản mục khác cũng cho kết quả kiểm toán là phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu cũng như phù hợp với Chuẩn mực Kế toán, chế độ kế toán hiện hành và chấp hành các quy định hiện hành khác, khi đó kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với Báo cáo tài chính của khách hàng.
Ý kiến chấp nhận từng phần:
Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần được trình bày trong trường hợp kiểm toán viên thấy rằng một trong các khoản mục trên báo cáo tài chính có những sai sót trọng yếu. Trong trường hợp kiểm toán viên cho rằng khoản mục doanh thu còn có những sai sót, mà khi trình bầy với Ban lãnh đạo công ty khách hàng, khách hàng không đồng ý sửa lại theo ý kiến của kiểm toán viên thì ý kiến chấp nhận toàn phần được đưa ra.
Ý kiến từ chối cho ý kiến:
Trong trường hợp khi kiểm toán khoản mục doanh thu cùng với các khoản mục khác của các báo cáo tài chính của khách hàng được kiểm toán thì báo cáo tài chính này là không thể cho ý kiến vì thiếu thông tin, không thể tiếp cận được thông tin liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục tới mức mà kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ và thích hợp các bằng chứng kiểm toán để có thể cho ý kiến về báo cáo tài chính. Trong công tác kiểm toán doanh thu, có thể việc thu thập bằng chứng để đưa ra kết luận bị giới hạn đến mức mà kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến của mình, và có thể cả các khoản mục khác cũng tương tự như vậy, khi đó kiểm toán viên có thể đưa ra kết luận bằng mẫu câu: “Theo ý kiến của chúng tôi, vì các lý do nêu trên, chúng tôi không thể đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính…”
Trong trường hợp kiểm toán khoản mục doanh thu cùng các khoản mục khác, kiểm toán viên phát hiện ra các sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến báo cáo tài chính, song lại không thể nhất trí với Ban Giám đốc Công ty khách hàng chính vì vậy mà kiểm toán viên cho rằng để đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần là chưa đủ để thể hiện tính chất và mức độ sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính, mà phải là ý kiến không chấp nhận.
Ý kiến không thể chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính được đưa ra trong trường hợp khi kiểm toán viên thấy xảy ra một trong những tình huống có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, như:
- Phạm vi công việc kiểm toán bị giới hạn: như khách hàng không cung cấp đủ những tài liệu về doanh thu cũng như đáp ứng yêu cầu của công việc kiểm toán.
- Không nhất trí với Giám đốc đơn vị được kiểm toán về việc lựa chọn và áp dụng Chuẩn mực và Chế độ Kế toán, hoặc sự không phù hợp của các thông tin ghi trong báo cáo tài chính hoặc phần thuyết minh báo cáo tài chính. Chẳng hạn kiểm toán viên thấy rằng khoản mục doanh thu của khách hàng đáng lẽ ra phải bao gồm doanh thu tài chính mà doanh nghiệp đang hạch toán vào tài khoản 3387, song khách hàng không đồng ý điều chỉnh theo ý kiến đề nghị của kiểm toán viên, hoặc ngược lại, khách hàng hạch toán toàn bộ doanh thu cho thuê tài chính của nhiều năm vào một năm, làm cho người sử dụng báo cáo tài chính thấy tình hình kinh doanh của khách hàng rất tốt, trong khi thực tế thì không phải như vậy. Đồng thời kết hợp với kết quả kiểm toán các khoản mục trên báo cáo tài chính, kiểm toán viên cũng thấy rằng có những sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến báo cáo tài chính mà khách hàng không thực hiện điều chỉnh theo ý kiến của kiểm toán viên.
Chính vì những sai sót tương tự như vậy mà kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần và càng không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ mà phải đưa ra ý kiến không chấp nhận.
Kèm theo Báo cáo kiểm toán có thể là thư quản lý trong trường hợp khách hàng yêu cầu. Đối với khoản mục doanh thu, kiểm toán viên chỉ nêu lên những điều chỉnh trong phần kết luận kiểm toán với khoản mục doanh thu và được tổng hợp lại trong báo cáo kiểm toán, cụ thể là trong phần tổng hợp các bút toán điều chỉnh. Ngoài ra, trong Thư quản lý còn nêu lên những ý kiến đề nghị của kiểm toán viên nhằm hoàn thiện công tác hạch toán kế toán đối với phần doanh thu tại đơn vị khách hàng và những gợi ý để kiểm soát tốt hơn đối với chu trình Bán hàng – thu tiền cũng như những chu trình khác mà khách hàng còn yếu kém.