1.3.2.3.1. Thực hiện các thủ tục khảo sát và kiểm tra chi tiết doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản
Thực hiện kiểm tra việc lập, luân chuyển sử dụng hoá đơn bán hàng được lập, ghi chép đầy đủ chính xác các yếu tố cần thiết, luân chuyển và sử dụng theo quy định. Thông thường nội dung kiểm tra bao gồm:
- Đối chiếu với bảng giá xét duyệt với hợp đồng để xác định đơn giá bán ghi trên hoá đơn. - Đối chiếu với lệnh bán hàng, đơn đặt hàng để xác định chủng loại, số lượng hàng bán ghi
trên hoá đơn.
- Đối chiếu tỉ suất thuế quy định cho nhóm hàng, mặt hàng để xác định tỷ suất thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn.
Trường hợp giá bán được xác định và thanh toán bằng ngoại tệ, cần kiểm tra việc quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam tại thời điểm bán hàng có đúng với quy định tỷ giá tại thời điểm phát sinh không.
Thực hiện các thủ tục kiểm tra việc ghi sổ kế toán:
- Thử nghiệm kiểm tra việc ghi chép các nghiệp vụ bán hàng vào sổ kế toán nhằm đảm bảo việc hạch toán đầy đủ các nghiệp vụ bán hàng, cung cấp dịch vụ đã phát sinh và hoàn thành đều được ghi vào sổ và mọi nghiệp vụ ghi sổ đều là chính xác và có thực. - Việc kiểm tra được thực hiện bằng cách xuất phát từ các chứng từ bán hàng để đối chiếu
xem xét việc có ghi chép đầy đủ các chứng từ này vào sổ Nhật ký bán hàng hoặc ngược lại; xuất phát từ các nghiệp vụ bán hàng đã được ghi chép trên nhật ký bán hàng để đối chiếu xem xét có đầy đủ chứng từ làm căn cứ ghi vào sổ hay không.
Ngoài ra, còn có thể thử nghiệm kiểm tra bằng cách đối chiếu chứng từ bán hàng, nhật ký bán hàng với các tài liệu kế toán khác có liên quan như: đối chiếu với hợp đồng kinh tế, đối chiếu với sổ theo dõi thanh toán, với chứng từ xuất kho hàng hoá…
Kiểm tra chi tiết các khoản giảm giá hàng bán và hàng bán bị trả lại:
Kiểm tra các nghiệp vụ phát sinh về giảm giá bán hàng, hàng bán bị trả lại để hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu bán hàng và xác định đúng doanh thu bán hàng thuần, yêu cầu kiểm tra phải cụ thể từng trường hợp phát sinh, đối chiếu với việc thanh toán để đảm bảo sự phù hợp giữa doanh số tiêu thụ với thu tiền bán hàng.
Đối với các khoản giảm giá hàng bán và hàng trả lại trước hết kiểm toán viên cần nghiên cứu kỹ các quy định về bán hàng và quản lý hàng bán, các thủ tục bán hàng, giao hàng, tiếp đó phải xem xét việc thực hiện các quy định đó có đúng không.
Kiểm tra việc khoá sổ bán hàng:
Việc ghi sổ các nghiệp vụ bán hàng phải đảm bảo đúng niên độ theo quy định của chế độ kế toán mới đảm bảo phản ánh đúng doanh thu và lợi tức của niên độ quyết toán. Do đó cần kiểm tra cụ thể các nghiệp vụ bán hàng gần thời điểm cuối niên độ và đầu niên độ để phát hiện các nghiệp vụ bán hàng của niên độ này hạch toán vào niên độ sau và ngược lại. Kiểm toán viên sẽ lựa chọn một số nghiệp vụ bán hàng xảy ra trước và sau thời điểm khoá sổ bán hàng để kiểm tra, so sánh ngày tháng ghi trên hoá đơn với ngày tháng ghi trên sổ sách kế toán.
Thử nghiệm kiểm tra việc phân loại doanh thu bán hàng:
Mục đích của thử nghiệm này là nhằm tránh việc phân loại doanh thu bán hàng không đúng dẫn đến không đảm bảo việc cung cấp thông tin chính xác phục vụ cho công tác quản lý doanh thu, tính thuế, tính lợi tức. Cụ thể cần xem xét việc phân tích để:
- Phân biệt rõ doanh thu bán hàng trong nội bộ đơn vị hạch toán với doanh thu bán hàng ra ngoài, doanh thu bán hàng với doanh thu hoạt động tài chính, với thu nhập bất thường.
- Phân biệt giữa doanh thu bán hàng mà khách hàng chưa thanh toán ngay, phải theo dõi công nợ thanh toán với doanh thu bán hàng thu tiền ngay.
- Phân biệt giữa doanh thu gia công với doanh thu bán hàng do đơn vị sản xuất với doanh thu bán hàng do đơn vị mua về để bán…
- Phân biệt giữa doanh thu bán hàng của đơn vị với doanh thu bán hàng đại lý cho đơn vị khác.
- Phân biệt doanh thu giữa các loại hàng hoá, nhóm hàng thuộc cùng đối tượng chịu tỉ suất thuế khác nhau, loại thuế khác nhau.
1.3.2.3.2. Kiểm toán doanh thu hoạt động tài chính
Mục đích của việc kiểm tra các khoản thu nhập hoạt động tài chính là nhằm xem xét các nghiệp vụ này có thực sự làm phát sinh thu nhập tài chính đúng như số liệu hạch toán hay không.
Đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán và kinh doanh bất động sản, chỉ khi phát sinh chênh lệch giữa giá bán và giá gốc của các loại chứng khoán, phát sinh chênh lệch giữa giá bán và giá chuyển nhượng bất động sản với giá đầu tư vào các bất động sản đó mới được hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính, tuyệt đối không được tự đánh giá, so sánh với giá gốc để hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính.
Đối với hoạt động liên doanh, hợp tác liên doanh chỉ được hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính các khoản được chia vào lợi nhuận kinh doanh, còn các khoản thu hồi về vốn góp, chênh lệch đánh giá tài sản vốn góp thì không được hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính.
1.3.2.3.3. Kiểm toán thu nhập khác
Mục đích của kiểm tra các khoản thu nhập bất khác là nhằm xem xét các nghiệp vụ này có thực sự làm phát sinh thu nhập bất thường và đúng với số liệu đã hạch toán hay không.
Để kiểm tra các khoản thu nhập bất thường khác chưa được ghi chép phản ánh kiểm toán viên có thể thực hiện xem xét các nghiệp vụ có liên quan, như xem xét các nghiệp vụ phát sinh giảm chi phí trong kỳ: Trong nhiều trường hợp, các đơn vị thường không hạch toán các khoản thu nhập khác mà hạch toán để giảm chi phí phát sinh trong kỳ (đặc biệt là giảm chi phí quản lý). Sai sót này tuy không làm ảnh hưởng đến tổng thu nhập, tổng lợi tức nhưng lại ảnh hưởng đến kết quả của từng hoạt động. Do vậy, cần kiểm tra và phát hiện và đề nghị hạch toán cho đúng.
Để phát hiện các khoản thu tiền bất thường hoặc có nội dung không rõ ràng, những khoản thu này có liên quan đến những khoản thu bất thường mà đơn vị đã vô tình hay cố ý không hạch toán vào thu nhập bất thường trong kỳ hạch toán.
Xem xét các nghiệp vụ phải trả (đặc biệt là khoản phải trả khác): Để phát hiện những khoản tiền mà đơn vị đã vô tình hay cố ý tạm hạch toán treo vào các khoản phải trả (nhưng thực tế không phải trả cho ai). Những khoản tạm treo này rất có thể bị chiếm đoạt trong quá trình xử lý hạch toán sau này.