Tôn giáo tín ngưỡng là thành tố quan trọng làm nên bản sắc của văn hóa. Nó được coi như phần bình diện sâu sắc nhất, là hạt nhân, là linh hồn của văn hóa, nó quy định tính chất và đặc trưng của văn hóa. Tôn giáo tín ngưỡng không chỉ làm phong phú đa dạng cho nền văn hóa mà còn nơi lưu giữ cái bản sắc, những đặc tính của nền văn hóa quy định nó. Ở khía cạnh này, tín ngưỡng thờ Mẫu có thể được coi như một hiện tượng đặc trưng cho nền văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ ra đời và phát triển trên những cơ sở kinh tế, xã hội và văn hóa, tín ngưỡng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Do vậy, nó có sự khác biệt nhất định so với tín ngưỡng thờ Mẫu ở các vùng miền khác. Sự khác biệt này thể hiện ở nhiều nội dung như cách thức phát triển và mối liên hệ giữa ba lớp thờ Nữ thần - Mẫu thần - Mẫu Tam phủ,
35
Tứ phủ, hệ thống điện thần, hệ thống nghi lễ, lễ hội, về danh xưng của các Mẫu, không gian thờ cúng...
Như đã biết, thờ Mẫu ra đời trên nền tảng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn của xã hội Bắc Bộ truyền thống kết hợp với nền tảng tư tưởng có sự giao thoa giữa những yếu tố tâm linh có tính bản địa mộc mạc với những yếu tố có tính hệ thống của tôn giáo ngoại lai. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quy định đặc trưng của thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Ra đời từ rất sớm trong một xã hội dân gian mang đậm nét ảnh hưởng của tâm thức nông nghiệp, nơi mà giống cái giữ vai trò quyết định trực tiếp trong sản xuất ra của cải vật chất, canh tác nông nghiệp, người nông dân đồng bằng Bắc Bộ đã gửi gắm mong ước phồn thịnh, sinh sôi nảy nở vào trong các hình thức thờ cúng tâm linh, trong đó có thờ Mẫu. Tâm thức nông nghiệp nguyên thủy của người Việt đã gán cho tự nhiên thuộc tính sinh nở, tồn trữ và che chở của người phụ nữ, người Mẹ (Mẫu). Cùng với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, thờ Mẫu cũng như các loại hình tín ngưỡng tôn giáo khác đã tiếp thu những ảnh hưởng của các loại hình tôn giáo ngoại lai, nó đã từng bước hoàn thiện, phát triển về tính hệ thống.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ là đại diện đầy đủ nhất cho mô hình kinh điển Nữ thần – Mẫu thần – Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Nếu như thờ Mẫu ở Nam Trung Bộ chỉ có hai lớp thờ là Nữ thần – Mẫu thần hay thờ Mẫu ở Nam Bộ có đủ ba lớp nhưng có sự tách biệt nhất định giữa ba lớp thờ dẫn đến các sắc thái nghi lễ cũng khác biệt thì thờ Mẫu ở Bắc Bộ lại có sự phát triển tuần tự và gắn bó chặt chẽ giữa ba lớp thờ Nữ thần – Mẫu thần – Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
Thờ Mẫu ở Bắc Bộ là một hình thức tín ngưỡng dân gian tiêu biểu bởi nó là loại hình tín ngưỡng sơ khai, xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, được người Việt sáng tạo trên cơ sở tâm thức nông nghiệp nguyên thủy. "Xuất phát từ một tín ngưỡng nguyên thủy tôn thờ các vị thần linh tự nhiên gần gũi, che chở cho con người, như Trời, Đất, Nước mà trong quan niệm dân gian thì đó
36
là các vị thần mang nữ tính. Trong bối cảnh xã hội Mẫu hệ và sau này khi đã chuyển sang phụ hệ thì vai trò của người phụ nữ vẫn còn rất to lớn, từ đó hình thành một biểu tượng người Mẹ như là cội nguồn dân tộc, hiện thân của đất nước." [59, 385] Đó chính là lớp đầu tiên, sơ khai nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu - lớp thờ Nữ thần.
Việc thờ phụng các vị thần mang nữ tính ấy còn rất tản mạn, giống như việc thờ phụng các vị thần linh khác, tính biểu tượng vũ trụ luận và ý thức xã hội chưa cao, nghi lễ thờ phụng cũng chưa thành hệ thống... Chính vì mang tính nguyên sơ, bản địa như vậy mà thờ Nữ thần có tính phổ cập rộng rãi trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Có thể nói, ở giai đoạn này, thờ Mẫu ở Bắc Bộ mang đầy đủ các yếu tố của một loại hình tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Các nữ thần được tôn thờ ở đồng bằng Bắc Bộ gồm có thiên thần (Tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi; mẹ Lúa, Mẹ Đất…) có thể là nhân thần: các vị tổ nghề (nữ thần dệt, nghề trồng bông, làm muối, nghề mộc…), các nữ thần là danh tướng, người có công với đất nước (Bà Trưng, Bà Triệu, nguyên phi Ỷ Lan…).
Có thể thấy, tục thờ Nữ thần ở đồng bằng Bắc Bộ mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa của vùng đất này. Các nữ thần được tôn thờ ở đồng bằng Bắc Bộ rất đa dạng, hoặc gắn với các yếu tố của tự nhiên (Mây - Mưa - Sấm - Chớp) vốn là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ, hoặc gắn với các nghề thủ công truyền thống rất đặc trưng của Bắc Bộ (nghề dệt, nghề trồng bông, nghề mộc...) hoặc gắn với lịch sử chống giặc ngoại xâm vốn đã thành truyền thống đặc trưng của vùng đất này. Lý giải cho sự đa dạng của các nữ thần ở đồng bằng Bắc Bộ thì ngoài việc xuất phát từ những yếu tố, những đặc trưng riêng về mặt lịch sử, địa - chính trị, địa - tự nhiên, địa - xã hội thì một trong những nguyên do là lối tư duy nông nghiệp thực dụng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, đã ăn sâu cả vào tâm thức tôn giáo của họ.
37
Lớp thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, ở đó chỉ những nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh sản, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Còn trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như "bà cô" (là những người phụ nữ không có chồng, con hoặc phụ nữ bị chết trẻ chưa có chồng). Và rõ ràng là dân gian đã khoác cho tự nhiên thuộc tính nữ, mang tính sản sinh, tồn trữ và che chở. Việc thiêng hóa chức năng sinh sản này đã trở thành một trong những quy luật cho quá trình chuyển hóa từ các nữ thần thành các vị mẫu thần với mong ước mang đến sự sinh sôi, nảy nở cho con người và vạn vật.
Thờ Nữ thần chuyển hóa thành thờ các Mẫu thần được cho là xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ sau thời phong kiến tự chủ với việc phong phần của nhà nước phong kiến. Lớp thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương Mẫu hay Thánh Mẫu cũng thường được gắn với quá trình cung đình hóa, lịch sử hóa như hiện tượng thờ Ỷ Lan Nguyên Phi, Bà Chúa Kho, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh Nương...
Cách tôn xưng Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ thường liên quan đến các trường hợp như các Mẫu của thờ Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa...), các Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa có tài năng, công đức, khi mất hiển linh, được tôn xưng thành Mẫu, Quốc Mẫu, Vương Mẫu (Ỷ Lan Nguyên phi, Tống Hậu, Thái hậu họ Đỗ tương truyền là mẹ Lý Thần Tông...), các trường hợp khác như Vương Mẫu - mẹ Thánh Gióng, Quốc Mẫu Tây Thiên...
Như vậy, các Mẫu - Thánh Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ vừa có nguồn gốc thiên thần, vừa có nguồn gốc nhân thần, là hình thức tín ngưỡng nâng cao, lên khuôn từ cái nền thờ Nữ thần vốn rất phổ biến và cổ xưa.
Cùng với sự phát triển của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, thờ Mẫu đã tiếp thu những ảnh hưởng của các loại hình tôn giáo ngoại lai, cùng với sự vận động mang tính nội tại để từng bước hình thành một thứ tín ngưỡng có hệ thống hơn - thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.
38
Ở đồng bằng Bắc Bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức Tam phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa) đến Tứ phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn) cho thấy hình thức tín ngưỡng thờ Nữ thần đã được phát triển, địa vị của các nữ thần đã được nâng cao, đặc biệt là những nữ thần có liên quan đến bốn yếu tố: Trời, Đất, Rừng, Nước - bốn yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người, trong sản xuất cũng như trong đời sống tâm linh đã trở thành bốn vị Thánh Mẫu đứng đầu vũ trụ. Đặc biệt, thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở đồng bằng Bắc Bộ đánh dấu sự xuất hiện của một vị thần chủ mới - Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào giai đoạn từ thế kỷ XVI trở đi. Với vị thần chủ này, thờ Mẫu vốn là "một tín ngưỡng gần với thiên nhiên, trời đất, nay được "đời thường hóa", gắn liền và đáp ứng những khát vọng của con người, thân phận của con người, nhất là người phụ nữ trong đời sống hàng ngày: tài lộc, chữa bệnh, ban phúc, giáng họa và chính từ đây, Đạo Mẫu Tam phủ - Tứ phủ có được bộ mặt mới, vừa rất dân tộc, rất truyền thống lại vừa rất cập thời, làm cho nó nhanh chóng phát triển, lan tỏa khắp mọi miền đất nước". [55, 95 - 96]
Thờ Tứ phủ và sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh là bước hoàn thiện và cũng là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ. Với bước hoàn thiện trên, thờ Mẫu không còn là sự nhất thể hóa, đồng nhất con người với tự nhiên, thần linh, ma quỷ như trong xã hội nguyên thủy, mà chừng nào đã đạt tới sự chiêm tưởng, cầu nguyện thần linh đầy quyền năng cứu giúp con người khỏi rủi ro, bệnh tật, cầu mong sức khỏe tiền tài, ở khía cạnh này, tín ngưỡng thờ Mẫu mang nhiều nét của loại hình tôn giáo hiện đại.
Sự gắn kết giữa ba lớp thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ tiêu biểu cho mô hình kinh điển của thờ Mẫu trong lịch sử. Đó là mối quan hệ diễn tiến theo chiều hướng phát triển của lịch sử nhưng đồng thời cũng mang tính nội tại khi có sự hỗ trợ, sắp xếp lại của tục thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ đến tục thờ Mẫu thần, Nữ thần.
39
Bên cạnh nguồn gốc và con đường hình thành khác biệt, thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ cũng mang những sắc thái đặc trưng, mang tính chất vùng miền rõ rệt thể hiện trong một loạt nội dung như trong hầu đồng và các hoạt động thờ cúng, không gian thờ cúng, hệ thống lễ hội, khả năng tích hợp văn hóa...
Trước hết, thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ là một hình thức tín ngưỡng dân gian thể hiện sự tôn kính đối với đối tượng thờ cúng là một nhân vật được bồi đắp bằng trí tưởng tượng phong phú của nhiều thế hệ dựa trên vốn sử liệu sơ sài nhưng đậm nét. Sự tôn kính này bao hàm cả hai yếu tố kính trọng và sợ hãi trước quyền năng của Mẫu. Vì là một tín ngưỡng dân gian nên thờ Mẫu chỉ thể hiện mong ước bình dị chứ không quan tâm đến những luân lý cao siêu, thậm chí nhiều tín đồ không biết rõ về đối tượng mà mình thờ phụng. Họ chỉ biết một cách đơn giản đó là những vị thần có thể mang lại sức khỏe, tài lộc và bảo trợ cho cuộc sống của họ cùng với những thần tích mờ ảo càng khiến cho trí tưởng tượng dân gian được chắp cánh và độ thiêng của thần càng lớn.
Đồng thời, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng là một dạng thức tín ngưỡng phức hợp. Tính phức hợp thể hiện ở khả năng đồng hóa, tích hợp mạnh mẽ các tín ngưỡng địa phương, của các dân tộc khác nhau cùng chung sống hay các loại hình tín ngưỡng truyền thống bản địa, các tín ngưỡng tôn giáo du nhập từ nước ngoài như Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo… mà biểu hiện rõ nét nhất là ở tín ngưỡng Mẫu Tứ phủ.
Sự tích hợp ở đây thể hiện cả ở hệ thống thần linh và các sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật kèm theo. Trong điện thần Mẫu Tứ phủ, ngoài sự xuất hiện của các vị thần linh Đạo giáo, Phật giáo vốn đã rất quen thuộc ta còn dễ dàng bắt gặp các thần linh có gốc gác là người dân tộc thiểu số như Chầu Đệ Nhất (người Mán – Dao), Chầu Lục (người Nùng), Chầu Thác Bờ (người Mường)… Trong rất nhiều đền điện ở đồng bằng Bắc Bộ, bên cạnh các tượng Ngọc Hoàng thì còn có thêm tượng Quán Thế Âm, ban thờ Quan Thánh, thậm chí có nơi thờ Bản Thổ và Thành Hoàng...
40
Về mặt nghi lễ, ở đồng bằng Bắc Bộ, nghi thức cúng tế trong các đền phủ thờ Mẫu diễn ra hết sức sôi động. Hệ thống nghi thức thờ cúng ở đồng bằng Bắc Bộ được coi là đã được chuẩn hóa, trong đó, nổi bật nhất là nghi lễ Hầu đồng - nghi lễ chính của thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Nghi lễ Hầu đồng chuẩn mực ở Bắc Bộ là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của nhiều vị thần linh. Mỗi lần một vị thần linh nhập hồn (nhập đồng, giáng đồng), rồi làm việc quan (thực hiện các nghi lễ, nhảy múa, ban lộc, phán truyền) và xuất hồn (thăng đồng) được gọi là một giá đồng. Một buổi Hầu đồng nếu đầy đủ phải hầu 36 giá, tuy nhiên người ta thường không hầu đầy đủ các giá như vậy, chỉ một số vị thánh có thánh tích rõ ràng và có vai trò phù trợ của họ đối với người trần. Đặc biệt, Hầu đồng đã sản sinh ra những giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ như âm nhạc và hát chầu văn.
Hầu đồng ở đồng bằng Bắc Bộ gắn chặt với hệ thống lễ hội "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ". Lễ hội thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ thường được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu, tương ứng với lịch tiết xuân thu nhị kỳ vốn là thời điểm chuẩn để tổ chức lễ hội của cư dân nông nghiệp. Lễ hội thờ Mẫu vốn không chỉ là lễ hội của một tín ngưỡng mà còn là hội làng, hội vùng và từ lâu đã trở thành những Quốc lễ tiêu biểu cho hệ thống lễ hội Việt Nam. Ngày hội Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ cũng là lúc những giá trị văn hóa dân gian độc đáo được phô diễn, các nghi lễ rước đa dạng (cả trên cạn và trên sông), các trò diễn, hội đua thuyền, hội Kéo chữ...tạo nên màu sắc độc đáo, rộn ràng cho các lễ hội thờ Mẫu làng quê Bắc Bộ.
Đối với không gian thờ cúng, thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ tương đối đa dạng, thường là trong các đền, phủ cộng đồng hay tại điện thờ tư gia. Các đền phủ thờ mẫu nổi tiếng ở đồng bằng Bắc Bộ như Phủ Dày, Phủ Tây Hồ, đền Kiếp Bạc, đền Đồng Bằng, đền Bảo Lộc... Không gian thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ phân bố rộng khắp nhưng có một đặc trưng rất tiêu biểu là thường được đặt gần nguồn nước (sông, hồ, suối, cửa biển), điều này vốn dĩ xuất phát từ tâm thức nông nghiệp vốn rất coi trọng vai trò của yếu tố nước.
41
Không gian thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ cũng rất đa dạng, từ những đền phủ lớn - nhỏ, các điện thờ tư gia hay đền phủ tư nhân. Đặc biệt, thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ còn xuất hiện trong các quán của Đạo giáo hay trong các chùa chiền theo mô thức "tiền Phật hậu Mẫu". Đặc biệt, mô thức "tiền Phật hậu Mẫu" là mô thức rất phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Ở hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở nông thôn miền Bắc đều có điện thờ Mẫu. Người ta đi chùa vừa để lễ Phật vừa để cúng Mẫu.
Như vậy, thờ Mẫu ra đời trên nền tảng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn xã hội Bắc Bộ truyền thống, chính nền tảng này đã làm nên sự khác biệt tương đối rõ nét giữa thờ Mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ với các vùng miền khác.