Trong sự đa dạng của các loại hình tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam, thờ Mẫu (Đạo Mẫu hay tín ngưỡng Mẫu) được coi như một hiện tượng độc đáo, nó vừa mang trong mình bản sắc của nền văn hóa nông nghiệp người Việt đồng thời cũng bao chứa những yếu tố văn hóa ngoại lai. Dân gian đã khéo léo kết hợp tất cả những yếu tố của tín ngưỡng dân gian và yếu tố tín ngưỡng ngoại lai từ quan niệm đa thần, đạo tổ tiên, đạo Thánh, đạo Phật… để tạo nên một diện mạo hoàn chỉnh cho thờ Mẫu.
Trên những cơ sở kinh tế - xã hội – văn hóa trên, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được hình thành từ rất lâu đời, khởi nguồn là tục thờ Nữ thần của cư dân Việt cổ đến bước phát triển cao hơn là thờ Mẫu thần và cuối cùng là thờ Tam phủ - Tứ phủ, một thứ “Đạo Mẫu” mang đậm màu sắc Đạo giáo. Vậy khái niệm Mẫu được hiểu như thế nào? Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì? Phải định nghĩa như thế nào để thấy được những đặc trưng của tín ngưỡng này?
Mẫu là một danh xưng gốc Hán Việt được hiểu là mẹ hay mụ, mạ, mế…dùng để chỉ người phụ nữ đã sinh thành ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của người con đối với người mẹ đã sinh thành ra mình.
Mẫu cũng được hiểu theo ý nghĩa rộng hơn đó là sự tôn vinh, tôn xưng một nhân vật nữ nào đó (có thật hoặc không có thật) như: Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ…
Mẫu cũng được dùng để chỉ sự sinh sôi nảy nở, sinh hóa không ngừng của động vật như những danh xưng: Mẹ cây, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ núi rừng, Mẹ lúa, Mẹ chim, Mẹ cá, Mẹ xứ sở… Mặc dù đồng nhất Mẹ, Mẫu với tự nhiên, vũ trụ (Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Chớp, Bà Nữ Oa…), với bản thể vũ trụ (Bà Kim, Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thổ) nhưng Mẫu ở đây không phải là người mang tính sáng thế mà chỉ mang đùm bọc, che chở và sinh sôi nảy nở (sáng tạo) mà thôi.
27
Mẫu, Thánh Mẫu có liên quan mật thiết đến tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện ở việc các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ngay từ lớp thờ Nữ thần, Mẫu thần, các vị thần đã mang các danh xưng Vương Mẫu, Quốc Mẫu như Ỷ Lan – Mẫu nghi thiên hạ, mẹ Thánh Gióng – Vương Mẫu, thần núi Tam Đảo – Quốc Mẫu… nhất là ở lớp thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ mang danh xưng Mẫu, Thánh Mẫu như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên – Đệ nhất Thánh Mẫu (có lúc đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Thượng Ngàn – Đệ nhị Thánh Mẫu, Mẫu Thoải – Đệ tam Thánh Mẫu, Mẫu Địa – Địa tiên Thánh Mẫu… Xuất phát từ cách gắn danh xưng Mẫu để tôn vinh, tôn xưng một nhân vật nữ nào đó hay để chỉ sự sinh sôi, nảy nở, sinh hóa không ngừng của vạn vật, bản thể vũ trụ dần dần đã đưa đến sự “nâng cao”, “lên khuôn” thành các vị thần đứng đầu của Đạo Tam phủ - Tứ phủ.
Từ đó, có thể chỉ ra nội hàm của khái niệm “Thờ Mẫu”, đó là một hình thức thờ cúng tín ngưỡng đặc trưng thể hiện niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh đối với sức mạnh, quyền năng của Mẫu – đấng sáng tạo và bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của vạn vật.
Một cách khái quát nhất có thể thấy tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu – đấng sáng tạo, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của vũ trụ, đất nước và con người.
Các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ - Tứ phủ có quan hệ mật thiết với nhau nhưng chúng không phải là đồng nhất. Mỗi lớp là một bước phát triển, một quá trình “nâng cao”, “lên khuôn” từ một số hành vi tôn thờ rời rạc đến một thứ tín ngưỡng, một “đạo” có tính hệ thống hơn gọi chung là tín ngưỡng thờ Mẫu hay Đạo Mẫu Việt Nam.
Trong đó, thờ Nữ thần là thờ những vị thần là nữ. Ở nước ta, chưa có một số liệu nào thống kê chính xác số lượng nữ thần được tôn thờ nhưng có một điều chắc chắn là tập tục này đã có từ lâu đời và khá phổ biến trong dân
28
gian. Các nữ thần được tôn thờ có thể là nhiên thần (Tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi; mẹ Lúa, Mẹ Đất…) có thể là nhân thần: các vị tổ nghề (nữ thần dệt, nghề trồng bông, làm muối, nghề mộc…), các nữ thần là danh tướng, người có công với đất nước (Bà Trưng, Bà Triệu, nguyên phi Ỷ Lan…). Các vị Nữ thần kể trên từ bao đời nay đã được nhân dân ta tôn làm Thánh, Thần, được các triều đình phong kiến sắc phong thành những vị Thần, Thành hoàng của nhiều làng, thậm chí là được phong thượng đẳng thần, được dân chúng tôn vinh là Tứ bất tử như trường hợp của Liễu Hạnh công chúa.
Tục thờ Mẫu thần là bước phát triển cao hơn từ thờ Nữ thần, Mẫu thần trong trường hợp này là chỉ những nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn thờ. Trong dân gian, danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh nở, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Và rõ ràng là người xưa đã khoác cho tự nhiên, vũ trụ thuộc tính nữ, mang tính sinh sản, tồn trữ và che chở. Việc gắn thần linh với các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ, gắn với chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người đã trở thành một trong những quy luật cho quá trình chuyển từ các Nữ thần thành các vị Mẫu thần với mong ước đem đến sự sinh sôi, nảy nở cho con người và vạn vật. Từ đó, các yếu tố trời, đất, sông nước, rừng núi… trở thành Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn, Thần núi Tam Đảo, núi Ngọc Trản ở Huế và núi Linh Sơn ở Nam Bộ. Ngoài ra, danh xưng Mẫu còn bao hàm ý nghĩa tôn xưng, như Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh… hay có thể các Mẫu có nguồn gốc nhân thần, đa số là Thái hậu, Hoàng Hậu, Công chúa khi sống có công với đất nước, khi mất hiển linh và được tôn là Quốc Mẫu, Vương Mẫu.
Xét về mặt bản chất thì cả thờ Nữ thần và thờ Mẫu thần đều nằm trong hệ thống đạo thờ Thần Việt Nam, đi theo con đường tiếp thu Đạo giáo Trung Hoa, tạo ra bước phát triển về nhiều mặt để đạt đến lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ.
Từ việc thờ Nữ thần, Mẫu thần đến thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ là một bước phát triển về nhiều mặt, trong đó không thể không nhắc đến vai trò quan
29
trọng của Đạo giáo Trung Hoa. Thờ Mẫu đã tiếp thu ảnh hưởng của Đạo giáo ở những quan niện về tự nhiên, đồng nhất con người với tự nhiên, quan niện Tam phủ - Tứ phủ, một số vị thánh của Đạo giáo đã thâm nhập vào điện thần Tứ phủ như Ngọc hoàng, Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu đến các truyện thần tiên, huyền ảo, các phép thuật phù thủy trừ tà ma, nghi thức nhập đồng… Chính nhờ những ảnh hưởng này mà tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ đã có bước phát triển đáng kể về tính hệ thống của nó: từ một tín ngưỡng vốn tản mạn, rời rạc đã bước đầu có hệ thống tương đối nhất quán về điện thần với các phủ (Thiên – Địa – Nhạc – Thoải), các hàng (Ngọc hoàng – Mẫu – Quan – Chầu – Ông Hoàng – Cô – Cậu) tương đối rõ nét, một điện thần đã quy về vị điện chủ cao nhất là Mẫu (với Tứ phủ là Mẫu Liễu Hạnh); một tín ngưỡng dân gian đã bước đầu chứa đựng những nhân tố của một quan niện về hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, chia thành bốn miền do hóa thân của bốn vị thánh Mẫu cai quản; một ý thức nhân sinh, ý thức cội nguồn dân tộc đã được thể hiện rõ nét; đồng thời thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ cũng đã bước đầu hình thành một hệ thống tổ chức, hệ thống thờ cúng trong các đền phủ, những nghi thức đã được chuẩn hóa với nghi lễ Hầu bóng và lễ hội “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, hệ thống tín đồ, con nhang đệ tử cũng như chức sắc chuyên nghiệp…
Có thể thấy, sự ra đời của Đạo Tam phủ - Tứ phủ ở thế kỷ XVI là điểm hoàn tất cho một quá trình phát triển lâu dài, mang tính tất yếu của tín ngưỡng thờ Mẫu được đánh dấu bằng sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Điều này thể hiện sự phát triển mang tính nội tại của tín ngưỡng Thờ Mẫu, vừa phản ánh nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ mà cụ thể là nhu cầu tâm linh của nhân dân. Xã hội Việt Nam thế kỷ XVI là thời kỳ buôn bán phát triển, đặc biệt là buôn bán nhỏ lẻ ở các vùng quê, nó đẩy vai trò của người phụ nữ lên cao hơn bao giờ hết, đồng thời trong bối cảnh xã hội thường xuyên xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân, xã hội loạn lạc, ly tán thì sự xuất hiện của hình ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh thể hiện ước mơ khát
30
vọng của người dân. Vậy là, Đạo Tam phủ - Tứ phủ lúc này trở thành nơi đáp ứng, thỏa mãn những ước mơ không chỉ của những người dân mà còn là khát vọng của cả một dân tộc, một thời đại.
Đồng thời, thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ đánh dấu sự xác lập của một phủ thuần túy mang tính chất nhân thần là Phủ Trần Triều – nơi thờ Đức Thánh Trần và các thuộc hạ của ông. Từ một vị anh hùng có công lao to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông hào hùng của dân tộc, ông bước vào điện thần Tứ phủ, trở thành một vị Thánh thuộc dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương, được đặt riêng một phủ và đặt ngang hàng với Thánh Mẫu trong đối xứng Vua Cha – Thánh Mẫu và lễ hội “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Trong đền thờ của Ông ở Kiếp Bạc có hai ngọn núi xòe rộng ôm lấy ngôi đền là núi Nam Tào, Bắc Đẩu, vậy là Ông được coi như Ngọc Hoàng, một danh xưng cao hơn cả Thánh Mẫu. Việc khoác nên một người anh hùng dân tộc hình ảnh của thần linh như với Trần Hưng Đạo trong trường hợp này thể hiện ý thức dân tộc, lòng yêu nước đã được linh thiêng hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở những biểu tượng cao nhất.
Như vậy, có thể thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu với ba lớp thờ Nữ thần - Mẫu thần - Tam phủ, Tứ phủ như trên nảy sinh và phát triển trên cơ sở thờ Nữ thần, nó thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Thần, một đặc trưng tâm linh mang bản sắc Việt Nam rõ rệt nhất. Đồng thời, giữa các lớp thờ này vẫn có sự thâm nhập và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, trong đó, nổi bật hơn cả là tục thờ Nữ thần và Mẫu thần đều tiếp thu ảnh hưởng trở lại của Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thể hiện qua điện thờ, nghi lễ thờ cúng, tục lên đồng và lễ hội.
Không nên đồng nhất hoàn toàn giữa thờ Mẫu với Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà từ thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần đến Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là một bước phát triển về nhiều mặt nhưng có thể thấy rằng, thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ là loại hình thờ Mẫu mang tính hệ thống, rõ rệt và đầy đủ nhất. Quan trọng hơn, nó vẫn đang tiếp tục phát triển và có nhiều cơ hội để trở thành Đạo Mẫu Việt Nam.
31
Việc phân định tôn giáo hay tín ngưỡng với thờ Mẫu còn nhiều điều phải thảo luận nhưng một cách khái quát nhất có thể chỉ ra một số đặc trưng về điện thần, lễ hội và nghi lễ của thờ Mẫu, cụ thể là thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ - loại hình thờ Mẫu hoàn chỉnh nhất trong ba loại hình thờ Mẫu, như:
Về hệ thống điện thần, nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương thì hệ thống điện thần thờ Mẫu có sự phân chia thành các thiên thần và nhân thần, nữ thần - nam thần, phân thành hàng, thứ bậc, các phủ riêng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Phủ trong Tam phủ, Tứ phủ mang ý nghĩa rộng và bao quát tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền đất), Thoải phủ (miền sông biển) và nhạc phủ (miền rừng núi). Đứng đầu mỗi phủ như vậy là một vị Thánh Mẫu, giúp việc cho bốn vị Thánh Mẫu còn có nhiều vị Thánh thuộc các hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu cũng phân theo bốn phủ nói trên. Thứ bậc chính của mỗi vị thánh tùy thuộc vào việc họ thuộc hàng nào từ trên xuống dưới hay thuộc phủ nào mà họ cai quản.
Có một đặc điểm thú vị trong hệ thống thần linh thờ Mẫu là bên cạnh xu hướng nhân thần hóa, lịch sử hóa là xu hướng chính trong quá trình thêu đệt lên thần tích các Thánh thì cũng xuất hiện xu hướng trần thế hóa, địa phương hóa để các Thánh trở nên gần gũi và phù hợp với đặc trưng của từng địa phương. Cụ thể có rất nhiều vị Thánh, thần của thờ Mẫu đều có xuất thân nhập thế với những công lao, kỳ tích gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đồng thời cũng có sức mạnh siêu nhiên, có thể xua đuổi tà ma, mang lại tài lộc, sức khỏe cho con người.
Điện thần thờ Mẫu mang dáng dấp của một vũ trụ thu nhỏ, trong đó, Mẫu - Mẹ, nữ tính thâu tóm quyền năng sáng tạo, sinh sôi và bảo trữ. Đó là một vũ trụ mang tính nhất nguyên (nguyên lý Mẫu) nhưng lưỡng cực (âm - dương, nữ tính - nam tính). Đó là ở tầm vĩ mô, còn ở tầm vi mô, hệ thống điện thần của thờ Mẫu lại mô phỏng như một gia tộc, theo quan niệm truyền thống, hơn thế nó còn là một gia tộc đã được cung đình hóa. Chính tính chất này đã
32
tạo cho hệ thống điện thần thờ Mẫu có sự gần gũi, tăng niềm tin và tạo cảm giác bảo trợ, che chở tốt với các tín đồ, đồng thời nó cũng làm điện thần thờ Mẫu đậm nét linh thiêng, cao quý.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú và đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể phân biệt với tín ngưỡng và tôn giáo khác. Nhưng điển hình nhất vẫn là nghi lễ Hầu đồng và hệ thống lễ hội "tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ".
Hầu đồng là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị Thánh Tam phủ, Tứ phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng nhằm tái hiện lại hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ của thờ Mẫu. Hầu đồng có nhiều biến thể rất đa dạng ở từng vùng miền khác nhau.
Trong một buổi lễ hầu đồng, ông Đồng hay bà Đồng thoát khỏi trạng thái tâm sinh lý bình thường, tự coi mình như giá (ghế) cho các vị Thánh nhập vào. Một buổi lễ hầu đồng đầy đủ gồm ba mươi sáu giá, tuy nhiên, không phải lúc nào, vị Thánh nào cũng giáng đồng, thậm chí có vị Thánh không bao giờ giáng đồng.
Các vị Thánh khi giáng đồng bao giờ cũng làm những điều tốt lành, phù hộ và ban tài phát lộc cho các con nhang đệ tử. Một trong những chức năng cơ bản của nghi lễ Hầu đồng là để chữa bệnh, đoán số và ban phước lộc. Cũng từ nghi lễ này mà thờ Mẫu tiếp nhận thêm một lượng tín đồ mới thông qua việc Thánh phán truyền một người nào đó có căn quả hay không? Rồi từ đó, tùy mức độ nặng hay nhẹ của căn mà người có căn đội bát nhang hay phải làm lễ trình đồng mở phủ, trở thành đệ tử cửa Thánh Mẫu.
Hầu đồng không chỉ là nghi lễ tiêu biểu của thờ Mẫu, nó còn là nơi lưu