Trường Cao đẳng Kỹ thuật Y tế I thời gian qua
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được với chủ trương đào tạo đa cấp, đa ngành là một hướng đi đúng đắn, song trong hoàn cảnh, Trường mới nâng cấp thành trường cao đẳng, yêu cầu về nội dung, chương trình đào tạo; trình độ đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất cao hơn cho phù hợp, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định trong đào tạo nguồn lực KTV y tế của Nhà trường cần được khắc phục.
Về giáo trình, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Để có tài liệu giảng dạy và học tập, Nhà trường đã khuyến khích các cán bộ giảng viên có kinh nghiệm viết giáo trình. Hiện nay, Nhà trường đã có thêm 39 đầu sách cao đẳng, 14 đầu sách trung học. Song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên. Trong khi đó, có những giáo trình cũ đã tái bản nhiều lần, có những nội dung đã trở nên lạc hậu vẫn được đưa ra giảng dạy. Trong khi trình độ giảng viên chưa đồng đều, sự cập nhật kiến thức còn hạn chế dẫn đến giữa các giảng viên về nội dung kiến thức còn chưa thống nhất với nhau. Điều đó gây ra những khó khăn cho sinh viên trong lựa chọn tiếp thu kiến thức.
Nội dung chương trình giữa các hệ đào tạo: hệ cao đẳng, trung cấp, hệ vừa làm vừa học còn chồng chéo, chưa thực sự liên thông để thuận tiện cho người học trong việc học tập nâng cao trình độ. Tỷ lệ giữa thời gian học lý thuyết và thời gian thực hành còn chưa được phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc đào tạo KTV - những người làm chủ các phương tiện kỹ thuật y học. Nhìn chung ở các chuyên ngành đều nổi lên vấn đề nặng về đào tạo kiến thức lý thuyết và thời gian giành cho các môn khoa học cơ bản, các môn lý luận Mác - Lênin… chiếm một khoảng không nhỏ. Trong khi thời gian đào tạo đối với KTV trung học là 2 năm (4 kỳ), KTV cao đẳng là 3 năm (6 kỳ), thời gian dành cho các môn đó đối với hệ trung học chiếm mất khoảng 1 kỳ,
hệ cao đẳng khoảng gần 2 kỳ. Do đó, trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh nội dung, chương trình đào tạo nhằm tạo ra nguồn lực KTV sau khi ra trường có tay nghề thực hành đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về vai trò, nhiệm vụ của họ.
Phương pháp giảng dạy lý thuyết của giảng viên chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình. Phương pháp này phù hợp với việc giảng dạy lý thuyết song cũng có hạn chế nhất định. Theo số liệu điều tra công tác đào tạo KTV đối với 220 giảng viên giảng dạy thuộc năm chuyên ngành kỹ thuật y tế của Trường CĐKT y tế I - Bộ y tế; trường THKT y tế II (Đà Nẵng), Khoa Điều Dưỡng Kỹ thuật Y học và Răng hàm mặt trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến của các kỹ thuật viên thì tỉ lệ áp dụng giữa các phương pháp như sau:
Bảng 2.2. Các phương pháp giảng dạy lý thuyết đang sử dụng:
Các phƣơng pháp dạy lý thuyết Số lƣợng Tỷ lệ (%)
Thuyết trình 106 48,2 Thuyết trình ngắn 70 31,9 Thảo luận nhóm 16 7,3 Đóng vai 1 0,5 Các phương pháp khác 13 5,9 Truyền thống + Thuyết trình ngắn 2 0,8 Thuyết trình ngắn + Thảo luận nhóm 12 5,4
Tổng cộng 220 100
Nguồn: Vũ Đình Chính và cộng sự: Điều tra thực trạng đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành kỹ thuật y tế, tạp chí Y học thực hành, số 526/2005 [10, tr.19]
Qua bảng trên cho thấy, phương pháp thuyết trình được sử dụng chủ yếu, 48,2%, thuyết trình ngắn chiếm: 31,9%. Có giảng viên có kinh nghiệm nhưng hạn chế về kiến thức tin học và ngoại ngữ dẫn đến hạn chế trong việc
tham khảo tài liệu nhất là tài liệu nước ngoài và giao tiếp quốc tế của nhà trường. Việc áp dụng phương tiện mới, hiện đại vào giảng dạy lý thuyết cũng còn nhiều hạn chế, bảng là phương tiện được sử dụng nhiều nhất.
Bảng 2.3. Các phương tiện dạy lý thuyết được sử dụng nhiều nhất:
Các phƣơng tiện dạy lý thuyết Số lƣợng Tỷ lệ (%)
Bảng 146 66,4
Các phương tiện nghe nhìn 4 1,8
Overhead 21 9,5
Slide 7 3,2
Bảng + Overhead 33 15
Bảng + phương tiện nghe nhìn 4 1,8
Bảng + Slide 5 2,3
Tổng cộng 220 100
Nguồn: Vũ Đình Chính và cộng sự: Điều tra thực trạng đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành kỹ thuật y tế tại các bệnh viện thuộc 28 tỉnh phía Bắc, Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tại cấp Bộ, năm 2005[8, tr.36]
Qua số liệu điều tra 220 giảng viên giảng dạy 5 chuyên ngành tại 03 trường đào tạo KTV là Trường CĐKT y tế I (Hải Dương), Trường THKT y tế II (Đà Nẵng), Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật Y học và khoa Răng hàm mặt Trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh ở bảng trên cho thấy: Bảng là phương tiện được sử dụng trong giảng dạy phổ biến nhất, chiếm 66,4%; Overhead chiếm 9,5%; Slide chiếm 3,2%.
Về trình độ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Trong hoàn cảnh Trường mới nâng cấp thành trường cao đẳng, yêu cầu về trình độ đội ngũ giảng viên cao hơn cho phù hợp. Trường đã nỗ lực, cố gắng tạo điều kiện cho các giảng viên đi học tập nâng cao trình độ, tuyển dụng, bổ sung về số lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo mới nhưng cũng chưa thể giải quyết một sớm, một chiều những khó khăn trước mắt. Các cán bộ, giảng viên nhà trường đi học nâng cao trình độ đông là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng khối lượng công việc tăng lên, cán bộ viên chức phải tăng
cường độ, thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng phần nào đến chất lượng, hiệu quả. Sự tiêu hao sức khoẻ dẫn tới chuẩn bị cho bài giảng gặp những hạn chế nhất định.
Đội ngũ giảng viên hà trường những năm gần đây đã không ngừng tăng lên về số lượng và có xu hướng trẻ hoá. Về tuổi đời giảng viên có tuổi đời từ 20 đến 30 có tỷ lệ cao (khoảng 40%), đây có thể là lợi thế về sức bật trong công tác giảng dạy chuyên môn. Song ở một chừng mực nhất định, những cán bộ, giảng viên này vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm, về kiến thức thực tế, kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Đặc biệt kỹ năng thực hành và khả năng giáo dục về hành vi, thái độ đạo đức cho sinh viên qua mỗi bài giảng.
Mặt khác, trong những cán bộ giảng viên trẻ, cán bộ giảng viên nữ chiếm số đông khoảng 60% và trong độ tuổi lập gia đình, sinh con nên phần nào tác động đến thực hiện kế hoạch giảng dạy.
Hoạt động nghiên cứu khoa học là một đòi hỏi có tính bắt buộc đối với mỗi giảng viên, qua đó, có tác dụng nâng cao trình độ của mỗi cá nhân. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường đã được duy trì và phát triển. Nhà trường cũng đã nghiệm thu nhiều đề tài khoa học các cấp. Song bên cạnh đó, nhiều cán bộ giảng viên còn ít tham gia nghiên cứu khoa học. Hiệu quả nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Giảng viên trẻ chưa mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học. Thực tế này cũng chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ giảng viên.
Về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Những năm vừa qua nhà trường luôn quan tâm quy hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo cũ hệ thống các phòng làm việc cho cán bộ, phòng học (cả lý thuyết cả thực hành), ký túc xá cho sinh viên. Song thực tế cơ sở vật chất hiện có vẫn còn hạn chế, thiếu thốn chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ, sinh viên trong hoạt động giảng dạy, học tập và sinh hoạt.
Đặc biệt, việc thiếu phòng học đã gây khó khăn cho việc xếp lịch giảng và bố trí giảng đường nhất là vào các buổi chiều khi sinh viên thường không đi bệnh viện và những khi tổ chức thi kiểm tra. Vì thế, lịch học của các lớp phải thay đổi theo tuần. Nhà trường đã khắc phục bằng cách mở hội trường cơ quan làm giảng đường, tổ chức thi, kiểm tra vào thứ Bảy. Song những bức xúc đặt ra về xây dựng thêm giảng đường vẫn là vấn đề cần giải quyết hiện nay.
Bện cạnh đó, số phòng ở trong ký túc xá hiện có chưa đáp ứng đủ nhu cầu của sinh viên. Số sinh viên trọ học bên ngoài nhà dân vẫn còn đông khoảng gần 1000. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý và rèn luyện của sinh viên nhất là trong điều kiện giá cả sinh hoạt tăng cao, giá phòng trọ và các hàng hoá khác cũng theo đó tăng lên. Hơn nữa điều kiện an ninh, trật tự, môi trường xã hội phức tạp bên ngoài dễ tác động xấu đến các em.
Về trang thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu và thực hành của cán bộ và sinh viên. Những năm qua trường đã quan hệ hợp tác với nhiều trường, nhiều tổ chức trong nước, nước ngoài và được viện trợ một số phương tiện như máy vi tính tính cùng một số phương tiện khác, tạo điều kiện giúp Nhà trường đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên... Nhiều phương tiện máy móc phục vụ học tập được trang bị, song thực tế vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của cán bộ và sinh viên, nhất là khi các kỹ thuật hiện đại, máy móc mới ra đời nhanh. Đây là thực trạng chung của các trường trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Khi hỏi 241 kỹ thuật viên y tế đã tốt nghiệp tại Trường trong năm năm từ năm 1999 đến năm 2003 về đánh giá thực trạng trang thiết bị của trường so với nơi làm việc, 123/241 KTV (chiếm 51%) cho là kém hơn nơi làm việc [8, tr.39]. Tất nhiên sinh viên cũng phải làm quen với những điều kiện khó khăn thiếu thốn về trang thiết bị. Điều đó đòi hỏi, sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò trong điều kiện hiện có, nhưng việc quan tâm đầu tư cho tương xứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học
công nghệ là rất cần thiết. Bởi vì, ngày nay, khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, người KTV phải được đào tạo một cách hệ thống và trang bị những kiến thức phù hợp với những phương tiện khoa học kỹ thuật ngày một hiện đại.
Nguyên nhân của những hạn chế trên
Do nhà trường vừa nâng cấp thành trường cao đẳng, người ít việc nhiều. Lãnh đạo và tập thể cán bộ giảng viên nhà trường đôi khi còn chưa thích ứng với những yêu cầu mới của công việc. Còn tồn tại tư tưởng thiếu tích cực, tự giác ở một số cán bộ, viên chức, do đó gánh nặng công việc đối với cán bộ viên chức cũng gây những áp lực, khó khăn đối với lãnh đạo trường và trưởng các bộ môn, phòng ban trong giải quyết công việc.
Do tác động của hoàn cảnh riêng và của thị trường lao động cũng dẫn đến những khó khăn trên của Nhà trường. Có một số cán bộ, giảng viên về trường công tác, sau một thời gian được tạo điều kiện đi học nâng cao trình độ đã rời trường đi cơ quan khác. Thị trường lao động hiện nay đòi hỏi ngày một cao, song KTV y tế còn chưa được xã hội nhận thức đúng vai trò vị trí chức năng của họ, có người xem họ chỉ là người giúp việc cho thầy thuốc, khiến họ tự ti. Sự nhìn nhận không tương xứng vai trò của KTV y tế phải đảm nhận khiến họ có tâm lý không yên tâm với nghề. Hiện thực đó cũng phần nào tác động đến tâm lý của những người làm công tác đào tạo KTV y tế.
Hiện nay, đời sống của cán bộ, giảng viên tuy đã được cải thiện đáng kể do có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức trong toàn trường. Song, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng và sự tâm huyết với nghề của các giảng viên.
Đối tượng tuyển sinh của nhà trường từ 29 tỉnh và thành phố phía Bắc đã tạo ra sự phong phú, nhiều màu sắc trong đời sống văn hóa của sinh viên
nhà trường. Song đối tượng tuyển sinh đa dạng, có những sinh viên đến từ những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, họ ít được tiếp xúc với ngoại ngữ, tin học. Mặt bằng tuyển sinh đầu vào không đồng đều cũng tác động đến việc lựa chọn phương pháp giảng dạy của giảng viên sao cho tất cả các em đều có thể theo được nội dung chương trình học tập. Nhất là với những môn chung, trong đó có tin học, ngoại ngữ, bởi thời gian học ở trường không đủ dài để có thể khắc phục nên các em có những khó khăn nhất định trong học tập, mặc dù các thày cô giáo đã có những biện pháp bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em. Thực tế này nhiều khi cũng ảnh hưởng đến không khí học tập chung của lớp. Mặt khác, điểm tuyển sinh của nhà trường những năm gần đây tăng lên rõ dệt. Đó là một thuận lợi trong tiếp thu kiến thức mới, nâng cao chất lượng của KTV sau khi ra trường. Song, bản thân thực tế đó cũng gây ra những hạn chế, khó khăn nhất định cho nhà trường, vì hàng năm một số lượng nhất định sinh viên ôn và thi đi các trường đại học khác còn diễn ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của bản thân các em mà còn gây xáo trộn trong việc quản lý lớp của bộ môn và nhà trường.
Thời gian đào tạo KTV ở trình độ cao đẳng của trường chưa dài, các giảng viên, nhất là những giảng viên có kinh nghiệm đều tập trung vừa giảng dạy, vừa biên soạn giáo trình, hoàn chỉnh bộ Test đánh giá… Trong đội ngũ cán bộ hiện nay của trường, số lượng cán bộ giảng viên trẻ chiếm tỉ lệ khá cao. Phần lớn cán bộ giảng viên trẻ sau khi về trường đều được tạo điều kiện đi học nâng cao trình độ và hạn chế về kinh nghiệm giảng dạy nên ít tham gia nghiên cứu khoa học.
Hoạt động phong trào những năm vừa qua của sinh viên do nhà trường hoặc thành đoàn, tỉnh đoàn, sở Giáo dục & Đào tạo Hải Dương tổ chức diễn ra rất sôi nổi và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Song, sự tự giác tham gia
của đa số đoàn viên chưa cao, chủ yếu tập trung vào các em trong đội văn nghệ, đội xung kích và các cán bộ lớp.
Là một trường đi lên từ một trường trung học, cơ sở vật chất còn hạn chế. Khu làm việc của cán bộ, khu giảng đường, ký túc xá hiện có chưa đáp ứng kịp sự gia tăng về số lượng cán bộ giảng viên và sinh viên.
Tóm lại, đây là giai đoạn mà nhà trường vừa chuyển đổi về trình độ đào tạo, có cả cái cũ và cái mới đan xen, những khó khăn cũ chưa được khắc phục đã gặp phải những khó khăn mới, số lượng cán bộ gia tăng chưa đáp ứng kịp khối lượng công việc đồ sộ trong lĩnh vực đào tạo và phục vụ đào tạo. Trong giai đoạn khó khăn này, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích đào tạo KTV. Song bên cạnh đó, những hạn chế trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại cần khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân.