Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước dần được hoàn chỉnh, tổ chức bộ máy của ngành tài nguyên trong tỉnh ngày càng được củng cố.
Bên cạnh các kết quả bước đầu đạt được, công tác cấp phép về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập. Từ năm 2003 đến nay, thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, trên địa bàn tỉnh đã triển khai cấp được 37 giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước. Trong đó, có 27 giấy phép khai thác nước dưới đất, 07 giấy phép thăm dò nước dưới đất và 03 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Hầu hết các giấy phép tài nguyên nước trên được cấp cho các công trình khai thác nước tập trung cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư, số còn lại phục vụ hoạt động cho một số cơ sở sản xuất.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, số lượng giấy phép đã cấp còn rất thấp so với yêu cầu thực tế phải đăng ký cấp phép hoạt động tài nguyên nước. Một số khó khăn hiện nay đặt ra đối với công tác quản lý cấp phép trên địa bàn tỉnh là lực lượng cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh còn mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, các trang thiết bị cần thiết cho công tác quản lý, giám sát tài nguyên nước còn thiếu; Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước; Chưa có kế hoạch phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông đảm bảo dòng chảy tối thiểu phục vụ nhu cầu nước cho sinh hoạt và các ngành dùng nước trong mùa khô hạn; Chưa xây dựng quy hoạch phòng chống tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông nên gặp trở ngại trong công tác vận hành điều tiết hồ chứa đảm bảo cắt lũ vào mùa mưa lũ; Chưa có mạng lưới trạm quan trắc động thái nước ngầm, mạng lưới quan trắc chất lượng nước sông còn hạn chế; Không nắm được nhu cầu sử dụng tài nguyên nước của các ngành; Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn hạn chế.
Về quản lý nước ngầm, theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, khi khai thác nước ngầm từ 3.000m3/ngày/đêm trở lên phải xin phép Bộ, dưới 3 ngàn xin phép tỉnh,
dưới 20 m3/ngày mới không phải xin phép. Nhưng thực tế tình hình khoan giếng bừa bãi, vô tổ chức gây nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước (Noname 2011).
CHƯƠNG 3.
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC