Theo chỉ tiêu phân hạng trên thế giới, Bình Định là tỉnh nghèo về nguồn nước. Trung bình mỗi người dân trong tỉnh chỉ được khoảng 5.360-5.429 m3/năm, chỉ bằng 41,2- 41,8% mức trung bình toàn quốc (13.000 m3/người/năm) và mức trung bình của thế giới (12.900 m3/người/năm). Năm 2005, đã có trên 60% số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Tổng số dân bị lâm vào cảnh này là 476.000 người, trong đó thiếu nước uống nghiêm trọng là 179.000 người, tập trung hầu hết tại các huyện trong tỉnh, trong đó phổ biến là các huyện ven biển và miền núi. Điển hình nhất là tại huyện Tuy Phước, mặc dù những năm qua, tỉnh Bình Định đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân các xã Phước Sơn, Phước Quang, Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước). Cùng với đó, huyện Tuy Phước cũng đã đầu tư nhiều tỷ đồng nối dài đường ống dẫn nước về các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thiếu nước sạch vẫn diễn ra tại các xã khu Đông thuộc huyện Tuy Phước, nhất là xã Phước Thắng. Theo thống kê của Ban Quản lý khai thác và cấp nước sinh hoạt Tuy Phước, hiện có 8.400 hộ dân ở khu Đông huyện Tuy Phước chưa được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.(Lam 2010)
Nhu cầu sử dụng nước của con người luôn tăng theo các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Khi dân số tăng lên 1 lần thì nhu cầu dùng nước tăng lên 3 lần. Trong khi đó, Bình Định là tỉnh nằm trong vùng ven biển Trung Bộ đã được cảnh báo mức độ căng thẳng về sự thiếu hụt nguồn nước trầm trọng vào những năm tới khi tổng lượng nước cần dùng sẽ vượt tổng nguồn nước từ 1,3 - 3,6 lần. Trước thực trạng này, cần thiết phải có các giải pháp chính sách hợp lý trong sử dụng, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước để đảm bảo nhu cầu nước sạch phục vụ sinh hoạt cho địa phương.