Bệnh tòng khẩu nhập

Một phần của tài liệu Cây thuốc, vị thuốc phòng và chữa bệnh tiêu hóa (Trang 49)

Ăn uống với sức khỏe và tuổi thọ là đề tài rất xưa, song sự việc lại luôn luôn là vấn đề thời sự. Thông tin từ hội nghị phổ biến “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý” do viện Dinh Dưỡng - Bộ Y tế tổ chức ngày 25/7/2000 tại Hà Nội, cho biết: những năm gần đầy các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng: béo phì, tim mạch, tiểu đường và ung thư có xu hướng gia tăng. Tại Hà Nội 15% nam trưởng thành và 19% nữ trưởng thành mắc bệnh béo phì. Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao nhất trong thành phố lớn (25% dân số) trong cả nước, số trường hợp đột quỵ tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước, tỷ lệ người dân bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần so với thập niên 60; 35% các trường hợp ung thư được phát hiện có liên quan đến chế độ ăn, đặc biệt là chế độ ăn nhiều chất béo, đạm động vật và nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hạt có độc tố Aflatoxin lên đến 35%. Đây là một thông tin đáng buồn nhưng không quá ngạc nhiên chút nào, vì những gì xảy ra đã được cảnh báo trước hàng chục năm.

Ăn uống là cơ sở vật chất hàng đầu của sự sinh tồn và cải tạo thể chất con người, đồng thời cũng là tiền đề của sự phát triển xã hội, của văn hóa và văn minh nhân loại. Ngược lại ăn uống thiếu thốn

hoặc quá dư thừa cũng như ăn uống một cách xô bồ thì hậu quả sẽ khôn lường, chả thế mà người ta đã tổng kết “bệnh tòng khẩu nhập”.

Người xưa ăn uống rất cẩn thận, họ cho ăn uống là văn hóa - văn hóa ẩm thức, nhiều cuốn sách cổ như: “Thực biện bản thảo, thực y tâm cảnh” cho thấy người người xưa coi ăn uống, chữa bệnh dinh dưỡng có cùng nguồn gốc (Y thực đồng nguyên) và cơ sở lý luận cũng như tư tưởng chỉ đạo là học thuyết âm dương, ngũ hành, tạng tượng, nguyên nhân gây bệnh và tính vị của dược vật.

Căn cứ vào thuyết âm dương, người ta cho rằng các thức ăn sau khi vào cơ thể làm cho người ta ấm, nóng lên hoặc tăng cường sự hưng phấn như tỏi, hành, gừng, hồ tiêu, thịt, rượu...quy thành những thức ăn mang tính dương, có tác dụng ôn dương, tán hàn. Còn những thức ăn sau khi vào cơ thể như các món ăn từ thủy hải sản (tôm, cá, cua, ốc...), dưa hấu, lê, bạc hà...được quy thành thức ăn âm tính, có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm. Vì vậy tùy theo trạng cơ thể từng người và thời tiết nóng, lạnh khác nhau mà dùng các thức ăn thích hợp.

Vận dụng học thuyết ngũ hành trong ẩm thực, người xưa đã quy định “ngũ cốc”, ngũ quả”, “ngũ vị” kết hợp với “ngũ tạng”.

Ví dụ: các chất đường, bột có vị ngọt, thuộc thổ nên có tác dụng bổ tỳ. Ăn nhiều muối có vị mặn thì hại thận hoặc những người bị bệnh về thận không được ăn mặn vì thận thuộc thủy, theo ngũ hành thủy có tính mặn.

Học thuyết tạng tượng của y học cổ truyền chỉ rõ công năng sinh lý và các biểu hiện ra bên ngoài của các công năng đó và mối quan hệ lẫn nhau giữa các tạng phủ. Ăn uống cũng chịu sự chi phối của học thuyết này. Ví dụ: Người ta cho rằng ăn trái lê có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, theo học thuyết tạng tượng thì phế có quan hệ biểu lý với đại trường. Vì thế ăn lê cũng có tác dụng nhuận tràng.

Người xưa cũng cho rằng thế giới chúng ta đang sống là “đồng nhất thể” nghĩa là có sự tương đồng giữa con người và vũ trụ và vạn vật, vì thế trong thuật ẩm thực từ lâu đã hình thành khái niệm “ăn gì bổ nấy” chẳng thế mà người ta khuyên ăn tim lợn và các vị thuốc để chữa bệnh tim, dùng chân hươu, chân gấu nấu cháo để bổ gân, dùng cao hổ cốt chữa các bệnh về dương của người già...

Khoa học ẩm thực của người xưa còn sử dụng thức ăn như là thuốc để loại trừ các yếu tố gây bệnh như dùng quả sơn tra để khử ứ huyết, gừng sống để khử hàn tà, tỳ vị hư hàn, ăn lê để trị táo tà, ăn hạnh nhân để hoá đàm.

Một điều rất quan trọng là phải bảo đảm điều hoà sự cân bằng trong ăn uống phải theo mùa, theo hoàn cảnh và thể trạng từng người, hữu dư (thừa) và bất cập (thiếu) đều dẫn đến “thiên thắng”, “thiên suy”, mất cân bằng và gây rối loạn đó là điều mà học thuyết âm dương đã chỉ rõ, lý giải.

Những điều cấm kỵ trong ăn uống là rất quan trọng, không phải cứ thích là ăn uống, ăn cho thích khẩu...như một số người hiện nay quan niệm. Người xưa để lại hàng trăm điều cấm kỵ về ăn uống, dưới đây xin trích dẫn một số điều để chúng ta cùng suy ngẫm và vận dụng vào đời sống.

- Cấm ăn uống không điều độ - Buổi tối không được ăn quá no

- Không ăn uống một cách miễn cưỡng - Không ăn thức ăn quá nguội hoặc quá nóng

- Không ăn quá mặn, quá ngọt, quá cay - Khi ăn phải nhai kỹ, không nuốt chửng - Không ăn nhiều dầu mỡ

- Không cười khi ăn

- Không ăn thịt, cá đã cháy đen

- Xào, rán bằng dầu mỡ không nên quá to lửa

Một phần của tài liệu Cây thuốc, vị thuốc phòng và chữa bệnh tiêu hóa (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(78 trang)
w