Viết và truyền thông

Một phần của tài liệu Chọn nghề (Trang 87)

- Thương mại quốc tế

14. Viết và truyền thông

A. Diễn tả chung:

Viết bao gồm nhiều thể loại như viết văn, thơ, kịch, báo, phân tích, luận văn, báo cáo tổng kết, biên bản cuộc họp và gần đây còn có cả copywriting….

Để thành công trong nghề viết cần sự dấn thân, cộng với tài năng và đạo đức nghề nghiệp.

Sự dấn thân không biểu hiện ra bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức người viết, rằng tôi dấn thân cho nghề viết của tôi. Sự dấn thân thể hiện trong cá tính sáng tạo, niềm đam mê và sự hy sinh cho công việc. Dấn thân để cảm nhận và tìm ra chi tiết, tìm ra số phận thật và những câu chuyện cần thiết để đưa đến công chúng.

Tài năng không đơn giản là viết nhiều, viết hay mà quan trọng nhất là phải viết những gì cần thiết, hữu ích và có tác dụng cải thiện điều cần cải thiện. Nếu tài năng mà được kết hợp với đạo đức nghề nghiệp và sự dấn thân không vụ lợi thì tài năng đó mới trọn vẹn.

Công cụ của nghề viết không phải là ngòi bút mà là trái tim và cái đầu. Nó thể hiện ở chỗ để viết hay nhất thiết phải có cảm xúc, phải giữ ấm được lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp, phải luôn cập nhật vốn kiến thức để không lạc hậu. Ngoài vốn tiếng Việt để có được sự đa dạng, linh hoạt trong cách diễn đạt ngôn từ ra còn cần có thêm vốn ngoại ngữ để cập nhật thông tin, xem xét thông tin đa chiều để tiện so sánh, đối chiếu. Ngoài ra cũng cần có vốn tin học, vốn sống và cả những mối quan hệ.

Ở đời không ai tự nhiên được thừa hưởng khả năng viết, tất cả là rèn luyện. Trường đời luôn là môi trường quan trọng nhất để rèn nghề. Để viết tốt thì hãy viết mỗi ngày, dành thời gian để đọc lại những gì mình đã viết, tìm đọc các bài viết, tác phẩm có giá trị để học hỏi thêm…

Đó là một số thông tin vắn tắt bạn cần tham khảo trước khi tham gia hoạt động hành nghề trong lĩnh vực Viết và truyền thông.

B. Phẩm chất và năng lực:

• Khả năng lĩnh hội và sử dụng ngôn ngữ một cách tinh tế • Có khả năng nói, viết, tranh luận

• Có khả năng kể chuyện hấp dẫn

• Khả năng ghi nhớ từ mới và dễ dàng hiểu được các cấu trúc ngữ pháp • Thích viết thư từ, nhật ký, viết truyện, làm thơ

• Học tốt môn văn học, ngoại ngữ

C. Ngành nghề:

• Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo (phóng viên, biên tập viên, bình luận viên), nhạc sỹ, nhà lý luận phê bình văn học / âm nhạc / điện ảnh, dịch giả, thư ký, người sáng tác quảng cáo, tiếp thị, biên dịch, phiên dịch • Các ngành nghề liên quan: Nhân viên tuyên truyền, quan hệ công chúng, giáo viên văn, giáo viên ngoại ngữ, ngành xuất bản

* * * * *

Ngành văn học, ngữ văn:

Cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng về lý luận văn học, kiến thức phổ biến về văn hóa và ngôn ngữ, kiến thức sâu rộng về văn học Việt Nam và các nền văn học chính trên thế giới.

Sinh viên theo học ngành này được rèn luyện kỹ năng tư duy lý luận, phương pháp luận nghiên cứu văn học, phương pháp giảng dạy văn học, nâng cao khả năng cảm thụ văn học, nắm vững nghiệp vụ báo chí và sáng tác, đáp ứng nhiều ngành nghề và địa bàn công tác khác nhau. Ngoài ra, sinh viên còn được định hướng đúng về thái độ yêu nước, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm cao, có phẩm chất đạo đức tốt, trân trọng và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc và thế giới, góp phần vào việc xây dựng một đời sống văn học lành mạnh, ngày càng phát triển, nâng cao đời sống tinh thần của người Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cơ hội nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm công tác nghiên cứu văn học và những lĩnh vực có liên quan đến văn học (giảng dạy văn học ở các bậc học; hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông; theo dõi và quản lý hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật). Sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học có khả năng nghiên cứu, bảo tồn di sản văn học dân tộc; có thể tham gia giới thiệu những nền văn học lớn trên thế giới vào Việt Nam và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài; đồng thời, có thể tham gia trực tiếp vào đời sống văn học đương đại (phê bình, thẩm định sáng tác văn học đương đại phục vụ cho các cơ quan báo chí, xuất bản; giới thiệu văn học đương đại Việt Nam ra nước ngoài).

Báo chí:

Cử nhân ngành Báo chí được đào tạo kỹ năng thực hành trên tất cả lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử ... Những kỹ năng này cho phép cử nhân ngành Báo chí sau khi ra trường có thể sớm hoà nhập và phát triển trong môi trường làm việc mới; đồng thời, cử nhân ngành Báo chí cũng được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, các kỹ năng ra quyết định trong các tình huống báo chí thực tế.

Cử nhân khoa học báo chí có thể làm tại các cơ quan: thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản trung ương và địa phương, các cơ quan văn hóa, ngoại giao cũng như nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu có ngành báo chí.

Một số chuyên ngành báo chí như báo in, báo ảnh, báo mạng điện tử, báo phát thanh, báo truyền hình, ngữ văn và truyền thông đại chúng… Mỗi chuyên ngành sẽ có những nội dung chuyên sâu phù hợp.

Xuất bản, phát hành xuất bản phẩm:

Sinh viên học Phát hành sách được cung cấp các kiến thức chung về khối Khoa học xã hội cùng với những kiến thức cơ bản dành cho ngành , đồng thời còn được trang bị kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành : Đại cương kinh doanh xuất bản phẩm - Lịch sử phát hành xuất bản phẩm... để có thể nghiên cứu lý luận và tham gia trực tiếp các hoạt động thực tiễn kinh doanh xuất bản phẩm.

Sinh viên học ngành Phát hành xuất bản phẩm sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại: Cục xuất bản; Các Cty ,T.Cty sản xuất kinh doanh phát hành sách báo,Các Cty xuất nhập khẩu sách báo, các nhà xuất bản ...trên địa bàn toàn quốc; Giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ, THCN có đào tạo chuyên ngành Phát hành xuất bản phẩm. Ngành học tương tự: Kinh doanh xuất bản phẩm

Hệ thống đa truyền thông:

Cuộc cách mạng truyền thông kỹ thuật số đã thay đổi cách thế giới làm kinh doanh, giáo dục, và giải trí. Mỗi lần tìm kiếm thông tin trên mạng internet, khởi động điện thoại di động, xem phim DVD, chơi trò chơi vi tính hay mở ti vi, là bạn đã tiếp xúc với những tác phẩm của các chuyên gia đa truyền thông. Nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành này còn rất hạn chế, cầu đã vượt xa cung và nhu cầu này vẫn đang gia tăng. Chương trình Cử nhân Hệ thống Đa truyền thông, đào tạo nên những chuyên viên đạt tiêu chuẩn, có thể đáp ứng cho nhu cầu và là những người dẫn đầu ngành trong tương lai.

Chương trình đào tạo kết hợp giữa lĩnh vực thiết kế, truyền thông, công nghệ thông tin và thương mại, giúp sinh viên tiếp cận thực tế và phát triển các kỹ năng bằng việc đào tạo một nền tảng vững chắc giữa lý thuyết và thực tế.

Theo học chuyên ngành hệ thống đa truyền thông, học viên được trang bị các kỹ năng, kiến thức liên quan đến: Thiết kế Web và phát triển ứng dụng Internet, Sản xuất quảng cáo (in ấn, trực tuyến và truyền hình), Sản xuất hậu kỳ các chương trình âm thanh và hình ảnh, Mô hình ba chiều và hoạt hình, Thiết kế chuyển động và hiệu ứng đặc biệt, Thương mại điện tử, giao tiếp kinh doanh và tiếp thị, Kiến trúc thông tin, Phát triển phần mềm (thiết kế giao diện và tương tác), Phát triển game tương tác…

Đào tạo sinh viên ngành Truyền thông quốc tế có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có khả năng vận dụng kiến thức về truyền thông quốc tế để làm việc trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại

Học ngành này sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về lĩnh vực truyền thông quốc tế, có khả năng xử lý thông tin, khả năng ngoại ngữ cũng như được trang bị các kỹ năng về quan hệ đối ngoại để có thể đảm đương một cách hiệu quả các vị trí mà xã hội đặt ra trong quá trình hôi nhập. Ngoài ra sinh viên còn được trang bị phương pháp và kỹ năng thực hành chuyên sâu về truyền thông, PR và văn hóa đối ngoại

Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các vị trí về đối ngoại trong bộ thông tin và truyền thông, tại trung tâm báo chí nước ngoài thuộc bộ ngoại giao. Ngoài ra có thể làm trong các tổ chức truyền thông, tòa soạn báo, đài phát thanh và truyền hình…hay là cán bộ giảng dạy về truyền thông quốc tế, văn hóa đối ngoại tại các trường đại học, cao đẳng

Nghề Phiên dịch, biên dịch:

Phiên dịch hiểu một cách đơn giản là việc chuyển một chữ, một câu, một văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không làm thay đổi nghĩa của chúng. Phiên dịch viên là người chuyên làm công việc chuyển các văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách chính xác, giúp những người không cùng sử dụng một ngôn ngữ có thể hiểu nhau. Người phiên dịch phải chịu sức ép rất lớn về thời gian, phản ứng rất nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ. Dịch đồng thời thường dùng trong các hội nghị, hội thảo quốc tế. Người dịch thường ngồi trong phòng cách âm, dịch qua micro, nghe qua tai nghe và dịch đồng thời luôn cùng với diễn giả (còn gọi là dịch ca-bin). Dịch đuổi là dịch ngay sau khi người nói kết thúc một câu hay một đoạn ngắn.

Người phiên dịch thường đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, được tham gia vào nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Cơ hội phát triển từ nghề này khá tốt. Nếu bạn là một người vừa tinh thông ngoại ngữ, vừa nhuần nhuyễn tiếng Việt, sẽ có rất nhiều cơ quan, tổ chức sẵn sàng mời bạn tới làm việc với mức thu nhập đáng mơ ước, tuy nhiên, công việc này khá vất vả, áp lực nặng nề.

Biên dịch (hay còn gọi là phiên dịch viết): là công việc chuyển từ một văn bản viết từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Người dịch không phải chịu sức ép thời gian căng thẳng hay yêu cầu phản ứng tức thì như dịch nói. Tuy nhiên, lúc này yêu cầu về độ chính xác và trôi chảy thường cao hơn. Người biên dịch phải có khả năng khai thác tài liệu dịch một cách phong phú, đa dạng, không chỉ đúng và đủ nghĩa.

Biết ngoại ngữ giỏi không có nghĩa là có thể trở thành một biên dịch giỏi. Bạn có thể hiểu hết nghĩa của tài liệu, nhưng cần phải làm sao để truyền đạt được nghĩa đó đến với người đọc đúng và đủ nhất. Muốn được như vậy, bạn cần giỏi tiếng mẹ đẻ, sử dụng thật nhuần nhuyễn từ ngữ mới có thể chuyển ngữ được bản dịch một cách tài tình nhất.

Kiến thức về văn hóa và đời sống, vốn sống cũng góp phần không nhỏ vào bản dịch của bạn. Sự không am hiểu có thể dễ dàng bị phát hiện qua một đoạn dịch "ngớ ngẩn".

Công việc biên dịch là công việc cần sự cẩn trọng trong từng câu từ, ngữ nghĩa đến từng đoạn, khổ trong tài liệu. Nắm vững ngôn ngữ chưa đủ, bạn cần hiểu ý tác giả, hiểu nguyên tác tài liệu.

Bạn cũng nên lưu ý khi chọn lĩnh vực biên dịch. Có sự đam mê với một lĩnh vực cụ thể sẽ giúp bạn gắn bó và theo được nghề.

Cơ hội nghề nghiệp:

Trong bối cảnh hội nhập với thế giới, nghề phiên dịch, biên dịch lại cần thiết hơn bao giờ hết. Bạn có thể làm việc ở: Các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia, công ty du lịch, các toà soạn báo, đài phát thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, các công ty, trung tâm dịch thuật. Hiện nay Bộ ngoại giao là nơi tập trung hệ thống phiên dịch viên được coi là giỏi giang và chuyên nghiệp nhất trong cả nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc tại các vụ phụ trách đối ngoại (vụ hợp tác quốc tế) của các Bộ trực thuộc trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo v.v...

Một phần của tài liệu Chọn nghề (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w