Phương pháp sử dụng trong phân tích

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LẬP VÀ PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP (Trang 28 - 30)

Phương pháp so sánh:

So sánh là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong phân tích để đánh giá kết quả, xác định xu hướng, mức độ biến động của các chỉ tiêu phân tích. Để so sánh được các chỉ tiêu kinh tế phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Điều kiện so sánh được của chỉ tiêu: các chỉ tiêu phải thống nhất về nội dung phản ánh, về phương pháp tính toán, về độ dài thời gian và đơn vị đo lường.

- Gốc so sánh: đây là cơ sở để tiến hành so sánh. Tùy thuộc vào mục đích phân tích mà gốc so sánh thường được xác định theo không gian và thời gian.

Về mặt thời gian: có thể lựa chọn kỳ kế hoạch, kỳ trước, cùng kỳ năm trước hay một điểm thời gian cụ thể (năm, tháng,…) để làm gốc so sánh.

Về mặt không gian: có thể lựa chọn tổng thể hay lựa chọn các bộ phận của cùng tổng thể, lựa chọn các đơn vị khác có cùng điều kiện tương đương,… để làm gốc so sánh.

Kỳ hoặc thời điểm chọn làm gốc so sánh được gọi là kỳ gốc, còn kỳ hoặc thời điểm chọn để phân tích gọi là kỳ phân tích.

Phương pháp so sánh thường được sử dụng dưới các dạng sau:

- So sánh bằng số tuyệt đối: số tuyệt đối được sử dụng để phản ánh quy mô của các hiện tượng, sự vật, hoạt động,… Bởi vậy, khi so sánh bằng số tuyệt đối, ta sẽ biết được quy mô, mức độ biến động (tăng, giảm, vượt, hụt,…) của chỉ tiêu phân tích giữa các kỳ với nhau.

- So sánh bằng số tương đối: số tương đối phản ánh kết cấu, mối quan hệ, tốc độ phát triển và mức độ phổ biến của chỉ tiêu nghiên cứu. So sánh bằng số tương đối sẽ nắm được xu hướng biến động của các chỉ tiêu.

Phương pháp chi tiết chỉ tiêu phân tích:

Mọi quá trình kinh doanh và kết quả kinh doanh đều có thể và cần thiết chi tiết theo nhiều hướng khác nhau (theo bộ phận cấu thành, theo thời gian, địa điểm,…) nhằm đánh giá chính xác kết quả đạt được. Khi phân tích, ta tiến hành xem xét, so sánh:

- Mức độ ảnh hưởng của từng bộ phận đến tổng thể

- Tiến độ thực hiện và kết quả đạt được trong từng thời gian - Mức độ đóng góp của từng bộ phận vào kết quả chung

Bằng cách xem xét các chỉ tiêu phân tích theo các hướng khác nhau, các nhà phân tích sẽ nắm được tác động của các giải pháp mà doanh nghiệp đã áp dụng trong từng bộ phận, thời gian, địa điểm,… Trên cơ sở đó, tìm cách cải tiến các giải pháp cũng như điều kiện vận dụng từng giải pháp một cách phù hợp, hiệu quả.

Phương pháp cân đối:

Trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hình thành rất nhiều mối quan hệ cân đối về lượng giữa 2 mặt của các yếu tố và các quá trình: quan hệ cân đối giữa tổng tài sản và tổng nguồn vốn hình thành tài sản, giữa thu, chi và kết quả, giữa mua sắm và sử dụng vật tư, giữa số dư đầu kỳ và số phát sinh tăng trong kỳ với số dư cuối kỳ và số phát sinh giảm trong kỳ của các đối tượng,… Điều đó dẫn đến sự cân bằng về mức biến động (chênh lệch) giữa các chỉ tiêu trong mối quan hệ cân đối giữa các kỳ: một lượng thay đổi trong mỗi nhân tố sẽ làm thay đổi trong chỉ tiêu phân tích đúng một lượng tương ứng. Trong mối quan hệ cân đối này, các nhân tố đứng độc lập, tách biệt với nhau và cùng tác động đồng thời đến sự biến động của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu. Khi đó, ta sẽ xác định được ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu.

Phương pháp đồ thị:

Là phương pháp dùng các đồ thị để minh họa các kết quả đã tính toán được trong quá trình phân tích bằng biểu đồ, sơ đồ,… Phương pháp này cho ta một cái nhìn trực quan, thể hiện rõ ràng, mạch lạc diễn biến của các đối tượng nghiên cứu thông qua từng thời kỳ và nhanh chóng phân tích định tính các chỉ tiêu tài chính để tìm ra nguyên nhân của sự biến đổi các chỉ tiêu đó.

Phương pháp kết hợp:

Trong quá trình nghiên cứu đối tượng phân tích, việc sử dụng kết hợp một số phương pháp phân tích với nhau là cần thiết do đối tượng phân tích rất đa dạng, phong

phú, có mối quan hệ nhiều chiều. Mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng phân tích không phải bao giờ cũng theo một hướng hay cùng một loại (tổng, tích). Hơn nữa, nếu không sử dụng kết hợp nhiều phương pháp phân tích với nhau sẽ không làm nổi bật đặc trưng của đối tượng phân tích. Vì vậy, phương pháp kết hợp là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến trong phân tích hoạt động kinh doanh nói chung và phân tích Báo cáo tài chính nói riêng.

Một phần của tài liệu CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LẬP VÀ PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(38 trang)
w