Nhìn chung, theo các nhà nghiên cứu, diện tích rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới - nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đang bị teo lại.
Một số kết quả quan trọng rút ra từ việc nghiên cứu, thu thập dữ liệu:
Trong giai đoạn từ năm 2000-2012, khoảng 2,3 triệu km2 diện tích rừng, gần bằng diện tích của Argentina, lớn hơn diện tích đất Mông Cổ, đã biến mất. Trong khi đó, chỉ có 0,8 triệu km2 rừng được phủ xanh. Trung bình mỗi năm, diện tích rừng nhiệt đới trên trái đất bị mất trên toàn cầu tăng khoảng 2.100 km2.
Tốc độ thay đổi mật độ rừng ở các khu rừng phía đông nam nước Mỹ cao gấp 4 lần so với các khu rừng ở Nam Mỹ, với hơn 31% diện tích rừng bị mất đi hoặc được tái sinh. Paraguay (Nam Mỹ) và Malaysia, Campuchia (Đông Nam Á) là các quốc gia có tỷ lệ mất rừng cao nhất thế giới.
Hình 2.1. Bản đồ rừng Indonesia
Xanh: có rừng;
Lam: rừng mới trồng; Đỏ: rừng mất đi;
• Brazil đã thành công trong việc bảo vệ rừng. Trong khi từ 2003 đến 2004, nước này đã phá khoảng 40.000 km2 rừng thì tới 2010 và 2011, mức độ triệt hạ rừng đã giảm một nửa.
• Tại Indonesia tỷ lệ rừng bị triệt hạ tăng. Từ 2011 đến 2012 đã biến mất gần 20.000 km2 rừng mưa nhiệt đới – tăng trên gấp đôi so với thời kỳ bắt đầu tiến hành quan sát. Bất chấp một lệnh cấm của chính phủ ban hành năm 2011, những tháng sau đó việc triệt hạ rừng đã diễn ra mạnh mẽ hơn.
• Sự mất mát rừng ngày càng tăng còn diễn ra ở Malaysia, Paraguay, Bolivia, Sambia và Angola.
• 32% diện tích rằng bị giảm trên toàn thế giới là rừng nhiệt đới.
• Trong khoảng thời gian từ năm 2000-2012, ở vùng đông nam Mỹ đã khai thác 31% diện tích rừng đồng thời song song là việc trồng lại rừng. Điều này phản ánh việc thâm canh rừng ở Mỹ.
• Diện tích rừng ở vùng ôn đới chỉ giảm nhẹ, ở đây cũng có nhiều diện tích trồng mới rừng. Tại Đức trong khoảng thời gian từ năm 2000-2012, theo nghiên cứu này, đã có 4.980 km2 rừng bị biến mất, trong khi diện tích trồng mới là 2.585 km2.
Trong thời gian từ năm 2000-2010, mỗi năm diện tích rừng bị chuyển đổi thành diện tích đất nông nghiệp và các mục đích sử dụng khác, hoặc bị mất do các nguyên nhân tự nhiên đã giảm từ 16 triệu ha trong những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn 13 triệu ha. Diện tích rừng nguyên thuỷ toàn cầu với các hệ sinh thái đa dạng và phong phú nhất về các loài sinh vật, với khoảng 1,4 tỷ ha, chiếm 36% tổng diện tích rừng toàn cầu, cũng giảm trung bình hàng năm hơn 40 triệu ha, với tốc độ 0,4% mỗi năm. Khu vực Nam Mỹ bị mất rừng nguyên thuỷ lớn nhất, sau đó là châu Phi và châu Á.
Hiện nay, ngành lâm nghiệp trên thế giới đang đứng trước mối đe doạ khác đối với đa dạng sinh học rừng là việc quản lý rừng không bền vững, biến đổi khí hậu, cháy rừng, thảm hoạ tự nhiên, dịch bệnh và do sự phá hoại của các loài côn trùng và các sinh vật xâm thực. Ngoài ra, hiện trạng săn bắn vì
mục tiêu thương mại do nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố cũng đang đẩy nhiều loài vật hoang dã tới nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai. Tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nước không thực hiện những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.
Tuy nhiên, mặt tích cực là các biện pháp đang được thực hiện ở nhiều nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học rừng. Hiện diện tích rừng được khoanh vùng trở thành các khu bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu đã tăng hơn 95 triệu ha kể từ năm 1990, trong đó hơn 46% được khoanh vùng trong thời kỳ 2000-2005. Hơn 460 triệu ha, chiếm 12% tổng diện tích rừng nguyên thuỷ, đã được khoanh vùng để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đất và nguồn nước hoặc bảo tồn các di sản văn hoá. Các diện tích rừng được khoanh vùng thành khu bảo tồn đa dạng sinh học, công viên quốc gia, khu vực hoang dã... được bảo vệ bằng luật pháp.