3.1.1 Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo tôn giáo
* Quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo
Do tính phức tạp của hiện tượng tôn giáo cũng như sự nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau của hiện tượng này mà đã có không ít những quan điểm khác nhau về tôn giáo. Vì vậy để có một định nghĩa chung về tôn giáo là một điều không dễ dàng. Do vậy ở đây cần phải đặt hiện tượng tôn giáo lên trên nền tảng xã hội hiện thực, cái nền mà tôn giáo đã được nảy sinh, tồn tại và phát triển thì mới có sự lý giải khoa học về tôn giáo.
C.Mác viết: “Sự nghèo nàn của tôn giáo, một mặt là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực và mặt khác là sự phản kháng chống lại sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”[12. tr.569- 570].
Đã có sự giải thích khác nhau về luạn điểm trên đây của C.Mác. Đặc biệt luận điểm “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, C.Mác đã chỉ ra mặt tiêu cực, tính chất độc hại của tôn giáo. Nó mang lại cho con người một bức tranh không chân thực về thế giới, nó giam cầm con người trong các quan niệm duy tâm, thần học- hướng họ về phía các lực lượng siêu nhiên mà họ hoàn toàn quy phục, nó hạn chế tính cực xã hội, ru ngủ và biến con người thành những kẻ thụ động cam chịu số phận. Tuy nhiên các luận điểm của
C.Mác còn bao hàm một phạm vi khái quát rộng hơn và chứa đựng cả những ý nghĩa sâu xa khác- ý nghĩa nhân văn tôn giáo trong sâu thẳm đời sống tâm linh của con người. Bởi vì tôn giáo không chỉ là “ biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực ấy”, là “ tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức”. Tôn giáo biểu hiện thái độ không chấp nhận, chí ít cũng là thái độ không bằng lòng- một sự phản kháng yếu điếu, tiêu cực của tầng lớp quần chúng bị trị, là sự “ rên siết thầm lặng của họ”. Là “ trái tim của thế giới không có trái tim”, tôn giáo là sự rung động tình thương trong xã hội mà sự độc ác ngự trị, là “thuốc phiện của nhân dân”, tôn giáo là “ độc dược phá hoại, ăn mòn cơ thể nhưng còn ít nhiều thể hiện là liều thuốc giảm đau cho những kiêp người lận đận trong “bể trầm luân”
Dựa trên cơ sở của quan niệm duy vật lịch sử, cũng như từ những quan niệm của Mác về tôn giáo, Ph.Ăngghen đã đưa ra định nghĩa về tôn giáo như sau: “ Nhưng tất cả tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc con người- của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ; chỉ sự phản ánh trong đó những lực lượng ỏ trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”[13, tr.437].
Quan điểm trên đây dẫn đến thái độ nhất quán của chủ nghĩa Mác- Lênin đối với tôn giáo. Khắc phục mặt tiêu cực trong tôn giáo là yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng con người, đấu tranh chống các thế lực xuyên tạc, lợi dụng tôn giáo là yêu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh chính trị nhằm thủ tiêu chế độ bất bình đẳng, xây dựng xã hội mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là gạt bỏ hoàn toàn tôn giáo, không biết kế thừa những gì có ý nghĩa nhân bản tốt đẹp trong nó. Phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo được Mác- Ăngghen, Lênin suy nghĩ kỹ lưỡng trên nền tảng triết học duy vật biện chứng của mình và trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Theo các ông muốn thay đổi ý thức xã hội, phải thay đổi bản thân tồn tại xã hội, muốn xóa bỏ ảo
tưởng ở con người, phải xóa bỏ nguồn gốc làm nảy sinh nhu cầu cần có ảo tưởng, muốn đẩy lùi ước mơ về thiên đường ở thế giới bên kia, phải kiến tạo được thiên đường ở thế giới trần gian. Vì vậy, đấu tranh với tôn giáo là gián tiếp đấu tranh với thế giới mà niềm vui tinh thần là tôn giáo chứ không phải “trực tiếp tấn công” vào thần thánh, “truy kích thượng đế”. Do đó, “phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị”[12, tr.570- 571].
Lênin đã từng phê phán hai khuynh hướng giải quyết vấn đề tôn giáo: Khuynh hướng tuyên truyền thuần túy đấu tranh với tôn giáo và khuynh hướng tả khuynh vô chính phủ muốn đưa cuộc đấu tranh chống tôn giáo lên trên cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp.
Lênin cho rằng đấu tranh với tôn giáo phải cực kỳ thận trọng, trong cuộc đấu tranh này ai làm tổn thương đến tình cảm tôn giáo thì phải chịu những hậu quả thảm hại của sự thất bại.
* Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Hồ Chí Minh là người có cái nhìn toàn diện về tôn giáo. Người luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân không chỉ trong tư tưởng mà còn trong hành động cụ thể.
Đoàn kết là một tư tưởng cơ bản, bao trùm có ý nghĩa quyết định sự nghiệp thành công tong cuộc đờ và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Hồ Chí minh chủ trương đoàn kết tôn giáo thành một khối thống nhất. Nội dung của đoàn kết Lương – Giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính toàn diện, được thể hiện cả trong chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội. Người nói: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào Lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, xây dựng Tổ quốc”[14, tr.606].
Người tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, nhưng Người luôn phân biệt rõ tín ngưỡng chân chính với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân để xâm lược các nước khác và mê hoặc nhân dân để dễ bề cai trị. Hồ Chí Minh rất căn thù những người theo chủ nghĩa giáo hội là những kẻ ích kỷ, tham lam, vơ vét của tín đồ và của nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo quan điểm Mác xít về tín ngưỡng tôn giáo trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tư tưởng này được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ đặc điểm văn hóa Việt Nam - một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, các tôn giáo tín ngưỡng có lịch sử hình thành, phát triển và có đặc điểm riêng, với xu thế hòa đồng, tồn tại đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau.
Ở Việt Nam không có xung đột, chiến tranh tôn giáo. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên hệ giá trị truyền thống vô cùng quý báu, trong đó yêu nước là giá trị hàng đầu. Trong lịch sử dân tộc đã có sự đồng điệu giữa đức tin tôn giáo và lòng yêu nước. Trần Nhân Tông vừa là ông vua yêu nước có công lãnh đạo nhân dân ta hai lần đánh thắng quân Nguyên, vừa là nhà Thiền học tiêu biểu của phái Trúc Lâm. Sự đồng điệu ấy đã góp phần to lớn tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong suốt cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Kế thừa truyền thống ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng lòng yêu nước và đức tin tôn giáo không có gì mâu thuẫn, tóm lại còn gắn bó chặt chẽ với nhau.
Như vậy đặc điểm văn hóa nói chung, truyền thống yêu nước nói riêng là cơ sở thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo.
Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách tôn giáo là nhằm xây dựng, củng cố đại đoàn kết toàn dân, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính
sách tôn giáo theo tư tưởng của Người thể hiện tính nhất quán, lâu dài thực sự tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, thái độ mềm dẻo, khéo léo trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo.
Kế thừa quan điểm Mác xít về tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo rằng “Tuyên chiến ầm ĩ với tôn giáo là dại dột”[8, tr.521]. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ mềm dẻo, biện pháp khéo léo, hợp tình, hợp lý trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo ở nước ta.
Về nguyên tắc, chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Trên cơ sở nguyên tắc ấy, các vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa các tôn giáo, giữa những người theo tín ngưỡng, giữa tôn giáo với chính quyền đã được chủ tịch Hồ Chí Minh xử lý thành công đến mức hoàn hảo. Người phân định rạch ròi thái độ, cách ứng xử theo các mức độ khác nhau, như đối với chủ nghĩa thực dân và các thế lực tôn giáo phản động cấu kết với nhau, đó là đấu tranh chống kẻ địch; còn đối với đồng bào tôn giáo làm sai chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là đấu tranh trong nội bộ nhân dân. Một điển hình về xử lý xung đột, mâu thuẫn rắc rối xảy ra sau cách mạng tháng Tám của Người là thái độ đối với bọn phản động đội lót tôn giáo lợi dụng một số sai sót của chính quyền cách mạng. Như vậy phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của chủ tịch Hồ Chí Minh để giải tỏa những hiểu lầm tăng cường đoàn kết nhân dân.
Trên cơ sở tư tưởng về chính sách tôn giáo, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những quan điểm, giải pháp đúng đắn để thực hiện thành công vấn đề đoàn kết các tôn giáo. Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, Người đã tìm ra cơ sở khoa học, đó là sự tương đồng giữa các tôn giáo, thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, các tôn giáo chân chính xét đến cùng đều là hy vọng giải thoát con người, mong muốn con người được sung sướng, tự do hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh vô ngã vị
tha”[14, tr.121], “Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc”[14, tr.50], “Khổng Tử sinh ra cũng là để giúp con người sống nhân nghĩa vì một thế giới đại đồng”.
Thứ hai, tín đồ tôn giáo căn bản đều là những người lao động bị chế độ cũ áp bức bóc lột. Họ đều là những người yêu nước thực sự, do đó họ là lực lượng của cách mạng, là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh sự tương đồng giữa các tôn giáo mà tìm ra sự tương đồng giữa các tôn giáo với chủ nghĩa Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội. Người coi tôn giáo như là sự gửi gắm nguyện vọng thiết tha của một bộ phận quần chúng lao động mong chờ sự giải thoát khỏi áp bức bóc lột, nghèo khổ, từ đó cổ vũ họ tham gia kháng chiến kiến quốc.
Tóm lại, nội dung quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về tôn giáo thể hiện ở những điện ở những điểm sau:
1) Người phê phán chủ nghĩa bị lợi dụng bởi mục đích toàn dân, nhưng luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân. Người kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ những hủ tục làm cản trở sự vận động và phát triển của xã hội Viêt Nam.
2) Sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân trong các bài nói, bài viết của Người về tôn giáo là: Mỗi công dân có quyền theo hoặc không theo bất kỳ một tôn giáo nào, người có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng đề bình đẳng như nhau trước pháp luật…
3) Mọi người Việt Nam không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng phải thực sự đoàn kết cùng nhau phấn đấu vì Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ.
Như vậy, thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin về tôn giáo để giải quyết vấn đề tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam một cách đúng đắn, sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam.