Sự du nhập của Phật giáo Vào Việt Nam

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần ở Bắc Ninh hiện nay (Trang 28)

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ I đầu thế kỷ II. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ này Luy Lâu (Bắc Ninh) là một trung tâm Phật giáo không kém hai trung tâm ở Trung Quốc luc đó là Bành Thành và Lạc Dương.

Nếu Nho giáo vào Việt Nam đi liền với sự thống trị, cưỡng bức của phong kiến phương bắc thì Phật giáo vào Việt Nam bằng con đường hòa bình: đường thủy từ Ấn Độ, Trung Á qua việc buôn bán và đường bộ từ Trung Quốc qua việc giao lưu văn hóa. Nghi lễ thờ cúng của Phật giáo cũng đơn giản. Giáo lý đề cao tư tưởng bình đẳng, bác ái, từ bi, vị tha, cứu khổ, thoát khổ…. Có phần gần gũi với tín ngưỡng dân gian, phù hợp với tâm lý tình cảm nên dễ được người Việt chấp nhận. Lịch sử tồn tại của Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay đã gần 2000 năm, có thể chia ra làm nhiều giai đoạn, gắn với các giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam.

Giai đoạn thứ nhất, từ cuối thế kỷ I đến thế kỷ X. Đây là giai đoạn Phật giáo du nhập vào Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai, giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Phật giáo thời Lý –Trần có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Giai đoạn thứ ba, giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Giai đoạn này, người Việt đã sáng tạo ra hình ảnh Phật bà nghìn mắt nghìn tay thể hiện ước vọng được cứu vớt.

Giai đoạn thứ tư, từ đầu thế kỷ XX đến nay: Phật giáo ở Việt Nam có bước phát triển lớn. Năm 1981, “Giáo hội Phật giáo” đã ra đời. Đây là tổ chức Phật giáo thống nhất trong cả nước gồm có hai hội đồng là Hôi đồng chứng minh và Hội đồng trị sự.

Và hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo Trung Ương số lượng tín đồ Phật giáo là 9.038.046, số lượng chức sắc là 33.066, cơ sở thờ tự là 14.034.

2.1.2. Sự du nhập của Phật giáo vào Bắc Ninh

Bắc Ninh được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Căn cứ nhiều nguồn tài liệu, hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam đều xác nhận Phật giáo được truyền vào nước ta và vào Luy Lâu từ rất sớm. Đến thế kỷ đầu công nguyên, Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật gáo lớn trong đế chế Hán là Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Có ý kiến cho rằng, trung tâm Phật giáo Luy Lâu có thể còn hình thành sớm hơn hai trung tâm Phật giáo kia và Phật giáo từ Luy Lâu truyền sang Bành Thành rồi từ Bành Thành chuyển tới Lạc Dương. “Nhiều dữ kiện khiến chúng ta nghĩ rằng trung tâm Luy Lâu được hình thành sớm nhất và trung tâm này đã thành bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương”[9, tr. 21].

Nhận định trên là có cơ sở vì Luy Lâu từ rất sớm đã là hai trung tâm kinh tế- văn hóa của người Việt và sau đó đã trở thành trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế, thương mại của nước ta thời Bắc thuộc. Luy Lâu là một đô thị lớn có tính quốc tế. Vì vậy, Phật giáo được truyền cào Luy Lâu từ rất sớm và nhanh chóng trở thành sơn môn mang tính đăc trưng riêng vừa tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam thời Bắc thuộc.

Sự du nhập của Phật giáo vào Bắc Ninh trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn Phật giáo bắt đầu được truyền vào Việt Nam cũng là truyền vào Bắc Ninh. Theo nhiều nguồn tài liệu cho biết, các tăng sĩ Ấn Độ là

những người đầu tiên đến truyền giáo ở nước ta và ở Luy Lâu mà người tiêu biểu được sự tích lưu truyền là Khâu Đà La.

“Cổ châu pháp vân Phật vạn hạnh”- tức truyền tích về Phật Tứ pháp, bản khắc lưu tại chùa Dâu kể rằng vào lúc Sĩ Nhiếp đóng trụ sở ở Luy Lâu thì ở chùa Linh Quang núi Phượng Hoàng, sư Khâu Đà La đến lập am truyền đạo:

“Từ sơn phủ, huyện Tiên Du

Phượng Hoàng non ấy có chùa Linh Quang Rừng xanh gọi đồi mả mang

Kề bên Thạch Thất gần làng non tiên Có thày ở mãi Tây thiên

Luyện đạo tu thiền hiệu Khâu Đà La Lập am dưới gốc cây đa

Trụ trì cảnh ấy nhật là niệm kinh” [9, tr.30].

Theo sách “Luy Lâu lịch sử và văn hóa” của Trần Đình Luyện kể thì: Trong khi đó, ở làng Mãn Xá phía nam thành Luy Lâu có gia đình ông bà Tu Định sinh được cô con gái đầu lòng. Vốn rất phục phép mầu của sư Khâu Đà La, khi con gái đến 12 tuổi, ông bà Tu Định liền cho Man Nương- con gái của mình thụ giáo sư Khâu Đà La. Một hôm nhà sư hành pháp trở về thấy Man Nương ngủ ở cửa phòng, mới “vô ý” bước qua. Man Nương thụ thai. Man Nương kể rõ sự tình với cha mẹ, ông bà Tu Định tìm đến sư Khâu đà La hỏi xem nguyên cớ làm sao. Nhà sư nói rõ cho ông bà biết, Man Nương có thai là do “thiên- nhân hợp khí”. Man Nương mang thai 14 tháng có dư, rồi đến ngày 8 tháng 4 sinh con gái. Đem con đến chùa Linh Quang trả cho Khâu đà La.

Cũng theo sách này thì: Nhà sư mang đứa bé đến cây dung thụ già, gõ cây và đọc kệ, cây bỗng nẻ toác để nhà sư đặt đứa bé vào. Rồi ông trao cho

Man Nương cây tích trượng và dặn khi nào có hạn cứ cắm cây gậy xuống đất và phát nguyện thì sẽ có nước.

Thế rồi đến năm Giáp tý, mưa bão đánh đổ cây dung thụ trôi về sông Dâu thì quẩn lại không trôi nữa. Các lực sĩ trong làng được phái ra để kéo cây vào bờ, nhưng càng lôi vào càng chẳng chuyển dời. Vừa lúc ấy Man Nương ra ruộng rửa tay, bỗng cây rập rình như con tìm thấy mẹ. Man Nương ném dải yếm ra thì cây trôi vào ngay. Đêm ấy Sĩ Nhiếp ở trong trị sở, được mộg phải tạc cây dung thụ thành tượng “Tứ pháp” để thờ. Ngay sau đêm được mộng Sĩ Nhiếp cho mời thợ về sẻ cây dung thụ tạc tượng. Khi tượng đã tạc xong, làm lễ đặt tên cho pho thứ nhất thì thấy mây ngũ sắc tường vân, liền gọi là Pháp Vân, thờ ở chùa Thiên Đình Diên Ứng( tức chùa Dâu). Đến pho tượng thứ hai thấy mưa gọi là Pháp Vũ, thờ ở chùa Thành Đạo (tức chùa Đậu). Sang pho tượng thứ ba thấy sấm gọi là Pháp Lôi, thờ ở chùa Phi Tương (tức chùa Tướng). Và pho tượng thứ tư thấy chớp gọi là Pháp Điện, thờ ở chùa Phương Quan (tức chùa Dàn).

Nhưng khi làm lễ rước Phật lên tòa thì chỉ được ba pho tượng sau còn pho tượng Pháp Vân chẳng hề chuyển động. Hỏi ra mới biết thợ tạc đến khúc ngọn rìu va phải hòn đá trong cây, đã quẳng đá xuống sông. Dân các làng chài được phái đi mò nhưng không thấy. Nhưng khi Man Nương đi dò đến nơi thì đá dưới nước nhảy lên vào lòng và phát sáng. Lễ khánh thành Tứ pháp được tổ chức tưng bừng như ngày hội lớn ở chốn kinh kỳ.

Như vậy, ngay từ khi Phật giáo được truyền vào Bắc Ninh thì nơi đây hoạt động của Phật giáo đã diễn ra rất sôi nổi. Theo “Tài liệu “ Cổ pháp vân cổ bản hạnh” và nhiều nguồn tài liệu văn tự và truyền thuyết khác cho thấy vào thế kỷ thứ II,III sau công nguyên, Luy Lâu đã là trung tâm Phật giáo lớn, sinh hoạt Phật giáo ở đây rất nhộn nhịp”[9, tr.143].

Từ thế kỷ thứ VI đến thế ký thứ IX, Luy Lâu là trung tâm của thiền phái thứ nhất của Việt Nam: Thiền phái Tì- ni- đa- lưu- chi.

Như vậy, Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ sang và người thực hành là giáo sĩ Ấn Độ Khâu Đà La được người bản địa tiếp thu qua sự tích Man Nương trong nhiều tài liệu như: “Luy Lâu lịch sử và văn hóa”, “Cổ pháp vân cổ bản hạnh’.

Từ nửa đầu thế kỷ IX trở đi, Luy Lâu không còn giữ vị trí trung tâm chính trị của đất nước ta nhưng vẫn là trung tâm Phật giáo lớn. Vua, quan các triều Lý, Trần, Lê thường xuyên về chùa Dâu lễ Phật, dự hội, cầu đảo.

Vì thế, hoạt động của Phật giáo ở Bắc Ninh hiện nay rất nhộn nhịp và phong phú. Toàn tỉnh Bắc Ninh có 594 chùa, một số chùa tiêu biểu nổi tiếng trong và ngoài nước như: chùa Dâu, chùa Tiêu, chùa Phật Tích, chùa Cổ Pháp… Trung bình mỗi một làng ở nông thôn đều có một chùa (Bắc Ninh hiện có 125 xã, phường, thị trấn với 701 khu phố, làng thì có 594 chùa trên tòn tỉnh). Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân tháng giêng đến tháng tư chính là thời gian hội chùa hàng năm được mở ở địa bàn toàn tỉnh, thu hút nhiều người dân địa phương cũng như khách thập phương từ nhiều nơi về dâng hương lễ Phật.

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần ở Bắc Ninh hiện nay (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)