GABAPENTIN (Neurontin, Aclomum)

Một phần của tài liệu SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘNG KINH (Trang 33)

Gabapentin là một thuốc kháng động kinh có cấu trúc hoá học rất gần với acid gamma-amino-butyric (GABA). Gabapentin được coi là chất chủ vận GABA tác động trung ương nhưng thực tế lâm sàng và thực nghiệm cho thấy thuốc này không có tác động đến thụ thể GABA.

Gabapentin là chất L-acid (amino methyl) cyclohexanacetic có công thức thô C9H17NO2; cấu trúc gần giống GABA. Tinh thể thuốc tan trong mỡ và tan mạnh trong nước.

Hiện nay chưa rõ cơ chế tác dụng của Gabapentin. Trong thực nghiệm Gabapentin ức chế cơn co cứng do choáng điện, ức chế cơn co giật do pentylentetrazol. Người ta nhận thấy tác dụng đó không giống các thuốc kháng động kinh khác. Thuốc gắn các thụ thể kênh Ca vào vỏ não mới và hải mã. Trong một chừng mực nào đó, Gabapentin giống như acid valproic nhưng khác phenytoin và carbamazepin.

Tính sinh khả dụng của Gabapentin khoảng xấp xỉ dưới 60% ở liều 300mg nhưng có thể biến đổi ở liều cao (35% ở liều 1600mg). Thuốc thấm vào cơ thể qua vách ống tiêu hoá rồi phân bố rộng rãi khắp cơ thể. Tuổi của bệnh nhân và thức ăn không ảnh hưởng tới sự hấp thu nhưng sự hấp thu không được hoàn toàn. Thuốc qua được hàng rào máu-não và huyết tương. Nồng độ trong dịch não - tuỷ gần bằng 0,1. Mức đỉnh ở huyết tương đạt được trong vòng 2-4 giờ sau khi uống thuốc. Trạng thái ổn định đạt được sau 1-2 ngày. Thuốc gắn với huyết tương prôtêin rất thấp khoảng dưới 5%. Thể tích phân phối ở người trưởng thành vào khoảng 50L ở trạng thái bền vững. Nồng độ ở mô não bệnh nhân mắc động kinh thái dương khoảng 80% nồng độ huyết tương tương ứng.

Gabapentin không bị chuyển hoá và được thải trừ nguyên dạng. Nói chung thuốc không có tương tác dược động học. Tỷ lệ thanh thải ở thận là 120-130ml/phút. Thời gian bán thải trong điều trị kết hợp thuốc là từ 5 đến 9 giờ do đó có khuyến cáo nên chia liều thuốc trong ngày để uống làm 2-3 lần. Mức độ ổn định đạt được sau vài ngày và thời gian bán thải không thay đổi dù có dùng Gabapentin lâu ngày và kèm theo thuốc khác như phenytoin, carbamazepin, phenobarbital, acid valproic. Tuy nhiên có tài liệu nêu lên là Gabapentin có tương tác ở thận với felbamat. Lọc máu có thể loại Gabapentin ở huyết tương.

Thuốc được trình bầy dưới dạng cap-sun 100mg, 300mg, 400mg; dạng viên bao phim 600mg, 800mg.

Có hai chỉ định chính là động kinh và hội chứng đau.

Ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi mắc động kinh cục bộ có hoặc không có toàn bộ hoá thứ phát, thuốc được dùng kết hợp cho trường hợp

không đáp ứng với điều trị chuẩn. Như vậy có thể chỉ dùng Gabapentin hoặc có thể phối hợp với các thuốc kháng động kinh khác. Trường hợp đặc biệt ở trẻ em từ ba tuổi trở lên, chủ yếu để điều trị động kinh cục bộ kết hơp với một thuốc kháng động kinh khác. Do đó thường dùng dạng viên nang 100mg hoặc 300mg hay 400mg. Khi ngừng thuốc phải giảm liều từ từ trong vòng 7 ngày.

Động kinh ở người lớn : 900mg/ngày (liệu pháp dùng một thuốc) hoặc 1200mg (nếu kết hợp)

Cụ thể là ngày thứ 1 : 300mg uống hai lần trong ngày. ngày thứ 2 : 300mg uống ba lần trong ngày.

ngày thứ 3 : 1 viên 300mg buổi sáng, 1 viên 300mg buổi trưa và 2 viên 300mg buổi chiều.

Động kinh ở trẻ em :

ngày thứ 1 : 100mg/kg (bằng 8mg-18mg/kg) chia uống hai lần. ngày thứ 2 : 20mg/kg (bằng 12mg-24mg/kg) chia uống ba lần. ngày thứ 3 : 30-40mg/kg chia uống ba lần.

Đau sau zona ở người lớn : Mỗi ngày 900mg đạt được mức trong vòng một tuần; sau đó dùng 1200 ng uống thêm một tuần.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với Gabapentin, bệnh galactoza huyệt bẩm sinh, hội chứng kém hấp thu glucoza hoặc galactoza hoặc thiếu men lactaza.

Tác dụng không mong muốn

44% trường hợp thấy có tác dụng thứ phát khi dùng liều 900-1200mg. Các tác dụng không mong muốn bao gồm : tăng cơn động kinh, buồn ngủ (19,3-36%), loạng choạng (12,5-26%), chóng mặt (17,1%), chóng váng (24%) nhức đầu (9%), run (15%), rung giật nhãn cầu (8,3-17%), nhìn một hoá hai (2,9%), lợm giọng buồn nôn (6%), viêm mũi (11%), mệt nhọc (11%), tăng cân (2,9%) chán ăn, rối loạn tác phong. Ngoài ra có thể gặp ban máu (0,5%), giảm bạch cầu (0,05%) rối loạn chức năng gan (hội chứng Stevens-Johnson). Cần thận trọng đối với bệnh nhân suy thận. Cần cảnh giác tương tác thuốc khi dùng kết hợp với phenytoin, carbamazepin, acid valproic, phenobarbitan, cimetidin.

Khi dùng quá liều có thể gây tiêu chẩy, nhìn một hoá hai, nói khó, ngủ gà. Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Xử trí quá liều bằng cách cho lọc máu và điều trị hỗ trợ.

Một phần của tài liệu SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỘNG KINH (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(40 trang)
w