Levetiracetam là một dẫn xuất pyrrolidon (S-enantimer của acetamid alpha-ethy1-2-oxo-1-pyrrolidin) được nghiên cứu từ 1980 và được dùng kết hợp điều trị động kinh từ năm 1991. Thuốc có tác dụng bảo vệ mạnh đối với động kinh trong thực nghiệm. Cơ chế tác động hiện chưa được rõ nhưng dường như không giống cơ chế tác động của các thuốc kháng động kinh thông dụng khác.
Sau khi uống, Levetiracetam được hấp thu nhanh chóng. Nồng độ đỉnh đạt được khoảng 0,6 - 1,3 giờ và tính sinh khả dụng của thuốc uống vào đạt tới 100%. Thức ăn có thể làm chậm tốc độ hấp thu. Thuốc không gắn với protein. Khối lượng phân bố xấp xỉ 0,5 - 0,7 L/kg. Thuốc qua nhau thai và nồng độ thuốc ở bào thai tương tự như mức ở thai phụ.
Đường chuyển hoá chủ yếu của thuốc là sự thuỷ phân hoá men của nhóm acetamid với sản phẩm đầu tiên là ucb-L057. Con đường chuyển hoá này không liên quan đến các men của hệ cytochrom P450. Quá trình chuyển hoá diễn ra ở nhiều mô khác nhau và trong máu nhưng không ở huyết tương. Thời gian bán huỷ của Levetiracetam ở người trẻ tuổi khoẻ mạnh là 6-8 giờ và không biến đổi theo liều lượng thường dùng hoặc đường đưa thuốc vào hoặc sau khi dùng nhiều liều. Chất chuyển hoá ucb-L057 không có hoạt tác. Levetiracetam và các chất chuyển hoá được thải theo đường thận với sự thải tích tụ trong nước tiểu 66% Levetiracetam và 24% ucb-L057 sau 48 giờ. Thanh thải thận của thuốc vào khoảng 0,6mL/phút/kg. Sự loại trừ thuốc ở thận có tỷ lệ tương đương với độ thanh thải thận và thời gian bán thải tăng theo mức suy thận và trong trường hợp chức năng thận bị suy giảm. Thời gian bán thải của Levetiracetam tăng từ 7,6 giờ trong nhóm chứng lên 24,1 giờ trong nhóm bệnh nhân suy thận nặng. Lọc máu có thể loại khỏi huyết tương cả thuốc lẫn chất chuyển hoá chính. Trong suy gan nặng, thời gian bán thải và độ phơi nhiễm với Levetiracetam và ucb-L057 đều tăng nhưng có thể đó là hậu qủa của bệnh thận đồng diễn vì bản thân suy gan dường như không ảnh hưởng tới động học của thuốc. Thời gian bán thải ở trẻ em 6-12 tuổi vào khoảng 6 giờ, độ thanh thải là 1,43mL/phút/kg và nồng độ tối đa thấp hơn 30% so với
người lớn. Ở người cao tuổi, thời gian bán thải tăng lên tới 10-11 giờ do giảm chức năng thận.
Levetiracetam có tác dụng kháng động kinh đối với mọi thể động kinh cục bộ. Thuốc cũng có thể có hiệu quả tốt đối với động kinh toàn bộ nhưng chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh điều đó.
Khi dùng hỗ trợ đối với động kinh cục bộ có hoặc không có toàn bộ hoá thứ phát cũng như dùng trong đơn trị liệu, thuốc đã cho thấy có hiệu quả và an toàn.
Thuốc được trình bày dưới dạng viên nén 200mg, 500mg, 750mg và 1000mg. Khởi đầu có thể cho dùng 500mg, hai lần mỗi ngày, hàng tuần có thể tăng từ 50 đến 100mg mỗi ngày và có thể tới 3000mg nếu cần. Liều duy trì có thể là 1000 - 3000mg mỗi ngày. Ở người cao tuổi bị suy thận cần phải giảm liều vì độ thanh thải thấp hơn bình thường. Hiện nay chưa đo được mức độ thuốc trong huyết thanh.
Tác dụng không mong muốn
Levetiracetam có rất ít tác dụng thứ phát. Các tác dụng không mong muốn phổ biến là buồn ngủ, mệt nhọc và chóng mặt nói chung thường nhẹ và phụ thuộc vào liều lượng thuốc dùng nhưng dần dần giảm bớt.
Tương tác thuốc
Levetiracetam không có biểu hiện tương tác với các thuốc kháng động kinh khác trừ phenytoin khi lượng phenytoin gần tới mức bão hoà. Thuốc cũng không tương tác với các thuốc tránh thai uống, warfarin hoặc digoxin ở nồng độ cao, Levetiracetam cũng không ảnh hưởng tới các men microsom ở người.
KẾT LUẬN
Trên nguyên tắc phải điều trị mọi trường hợp mắc động kinh vì thuốc kháng động kinh là phương thức duy nhất để bảo vệ bệnh nhân khỏi có cơn động kinh; mặt khác dùng thuốc như vậy mang lại hiệu quả chắc chắn vì hơn 70% trường hợp có thể khỏi cơn lâu dài. Đặc biệt ở nhũ nhi điều trị động kinh nhiều khi là một yêu cầu cấp cứu, dự phòng các nguy cơ di chứng do động kinh gây ra. Tuy vậy cần xem xét cân nhắc khi quyết định sử dụng thuốc kháng động kinh vì hiệu lực của mọi thuốc đều có giới hạn; hơn nữa thuốc nào
cũng có một số tác dụng không mong muốn, dùng không cẩn thận có thể xảy ra biến chứng và tai biến. Điều trị bằng thuốc mới chỉ là điều trị triệu chứng chưa thể nào ảnh hưởng quyết định tới tiến triển của căn bệnh do đó thầy thuốc điều trị phải là người chịu trách nhiệm theo dõi trong suốt quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Động kinh là một trạng thái bệnh lý kéo dài và có thể mạn tính tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh đặc biệt là các tổn thương ở não hoặc là một ổ động kinh hoặc là do ngưỡng co giật ở não bị hạ thấp. Vì vậy theo kinh điển cần phải điều trị động kinh một cách kiên trì và lâu dài. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, hoàn cảnh cho phép đặt vấn đề ngừng điều trị động kinh. Việc ngừng điều trị này phải do thầy thuốc chuyên khoa cân nhắc và quyết định. Nói chung sau ba đến bốn năm với phương thức điều trị đều đặn mà không thấy cơn động kinh tái phát thì có thể ngừng điều trị bằng cách giảm dần liều thuốc trong thời gian kéo dài hàng tháng, mặt khác tiếp tục theo dõi tiến triển lâm sàng và trên điện não đồ.
Sau cùng cần chú ý tới phục hồi chức năng, tâm lý, xã hội và nghề nghiệp cho bệnh nhân động kinh. Cần đặc biệt quan tâm tới việc giúp cho bệnh nhân có công việc và hòa nhập vào xã hội, trở thành một thành viên trong cộng đồng. Trẻ em vẫn có thể tới trường và tham gia mọi việc với các trẻ khác cùng lứa tuổi một cách bình thường. Người lớn có thể làm mọi việc trong gia đình, có một nghề nghiệp kiếm sống nuôi thân và tham gia mọi hoạt động của xã hội trong phạm vi khả năng của bản thân. Chúng ta cũng cần làm cho bệnh nhân và mọi người hiểu rằng động kinh là một chứng bệnh cũng như mọi bệnh tật khác có thể điều trị được chứ không phải đó là số mệnh của cuộc đời bệnh nhân.
CẮT PHẦN TLTK VÀO FILE LƯU TẠI BỘ MÔNTÀI LIỆU THAM KHẢO TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- BARTOLOMÉI F (1996). Pharmacologie moléculaire des antiépileptiques. Epilepsies 8, 31 - 43.
2- COMMISSION ON CLASSIFICATION AND TERMINOLOGY OFTHE INTERNATIOONAL LEAGUE AGAINST EPILEPSY (1989). THE INTERNATIOONAL LEAGUE AGAINST EPILEPSY (1989). Proposal for revised classification of epilepsies and epileptic syndromes. Epilepsia 30, 379 - 389
3- DODSON WE, PELLOCK JM (eds) 1993). Pediatric epilepsy : Diagnosis and Therapy. Demos.
4- FENICHEL GM (2001). Clinical pedistric neurology, 4th ed. W.B. Saunders Co.
5- GOETZ CG, PAPPERT EJ (1999). Textbook of Clinical Neurology. W.B. Saunders Co.
6- JOHANNESSEN SI (1990). Rôle du dosage des médicaments dans le traitement des épileptiques. Revue du Praticien 40, suppl. 2, 40-44. 7- LÊ ĐỨC HINH (1997). Động kinh là gì ? (in lần thứ hai). Y học. 8- LÊ ĐỨC HINH, NGUYỄN CHƯƠNG (2001). Thần kinh học trẻ em
(in lần thứ hai). Y học.
9- LOISEAU, P, DUCHÉ B (1990). Traitement médical des épilepsies. Revue du Praticien 40, suppl. 2, 33-39
10- PEDERSEN V (ED) (2003). Psychotropics 2002/2003. Lundbeck Institute.
11- PANAYIOTOPOULOS CP (2002). A clinical guide to epileptic syndromes and their treatment. Bladon Medical Publishing.
12- SHORVON SD (2001). Handbook of Epilepsy Treatment. Bladewell Science.
neurology. The C.V. Mosby Company.