Hà Nội nằm ở trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ với những thuận lợi về khí hậu, thuỷ văn, địa hình, địa chất, giao thông... Địa thế tự nhiên đã khiến cho Hà Nội sớm có vai trò đặc biệt trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Nhiều triều đại đã chọn Hà Nội làm kinh đô. Hiện nay, là Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội có khả năng to lớn để thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự phát triển của mình; đồng thời sự phát triển của Hà Nội có vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả vùng cũng như cả nước. Với vị thế địa chính trị - kinh tế - văn hoá quan trọng, Hà Nội là địa bàn hết sức thuận lợi cho con người ở đây giao lưu học hỏi, kích thích tính sáng tạo và sự phát triển toàn diện của con người.
Theo số liệu của Niên giám thống kê thành phố Hà Nội năm 2011, dân số toàn Thành phố đến tháng 12 năm 2011 là 6.870,2 nghìn người, tăng 2,2% so với năm 2010, chủ yếu là tăng cơ học (tốc độ tăng dân số tự nhiên của Hà Nội xấp xỉ 1%, phần còn lại 1,2% là do di cư, tuy nhiên mức tăng cơ học này biến động hàng năm và phụ thuộc tình hình phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội và cả nước) trong đó dân số thành thị là 2.905,4 nghìn người, chiếm 43,5% tổng số dân của Hà Nội và tăng 3,2% so với năm 2010; dân số nông thôn là 3857,7 nghìn người tăng 1,5%. Dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, tập trung tại các quận nội thành, mật độ dân số trung bình là 1.926 người/km2. Tại khu vực nông thôn biến động dân số chủ yếu do luồng di dân đi kiếm sống tại đô thị hoặc học tập. Xu hướng dịch cư từ các tỉnh quanh Hà Nội, đặc biệt từ vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 70% lượng dịch cư và đa số chọn các vùng ven đô để sinh sống và đi làm tại vùng nội đô.
Theo kết quả sơ bộ của điều tra Lao động việc làm năm 2011, số người từ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế là 3626,4 nghìn người chiếm
70% so với tổng số người từ 15 tuổi trở lên, tăng không đáng kể so với năm 2010; trong đó lực lượng lao động nữ chiếm 51,3%. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2011 là 4,3%.So với năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp tăng 2.1% (năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp là 2,2%). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 6,7% cao hơn nhiều so với năm 2010 (năm 2010 tỷ lệ này là 3,1%).
Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao đòi hỏi phải có kế hoạch đào tạo để chuyển lực lượng lớn lao động từ nông thôn thành những người có tay nghề cao trong các ngành kinh tế, trong đó có rất đông lực lượng lao động nữ.