Các lý thuyết áp dụng

Một phần của tài liệu Chất lượng nguồn nhân lực nữ thành phố Hà Nội hiện nay Luận văn ThS. Xã hội học (Trang 25)

1.1.2.1. Lý thuyết cấu trúc - chức năng

Thuyết cấu trúc-chức năng giải thích sự tồn tại và phát triển của thể chế xã hội là do chức năng duy trì trật tự xã hội của chúng. Các nhà nghiên cứu theo thuyết cấu trúc chức năng quan niệm xã hội bình thường như một cơ thể lành mạnh, trong đó các thể chế có các chức năng riêng và quan hệ hữu cơ với nhau; cùng hướng vào tính duy trì hợp lý xã hội. Xã hội là một hệ thống các thiết chế phụ thuộc lẫn nhau và tham gia tạo nên sự ổn định bền vững của chỉnh thể xã hội. Để giải thích các thiết chế xã hội phải tìm hiểu xã hội như một chỉnh tổng thể, đòi hỏi phải thỏa mãn các nhu cầu của nó. Hai đại biểu lớn nhất của thuyết cấu trúc chức năng là Emile Durkheim và Talcott Parson.

Theo Durkheim, mỗi yếu tố, mỗi thành phần mỗi bộ phận cấu thành của xã hội đều thực hiện những chức năng nhất định, thỏa mãn những nhu cầu nhất định của hệ thống xã hội. Ông chỉ ra hai đặc trưng quan trọng nhất của sự kiện xã hội: đó là, tính khách quan của sự kiện xã hội thể hiện ở chỗ các sự kiện xã hội tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào ý thức cá nhân; hai là, sự kiện xã hội có khả năng cưỡng chế, kiểm soát, bắt buộc đối với hành vi, hoạt động của các nhân. Sự thay đổi một yếu tố, một bộ phận nào đó sẽ kéo theo sự thay đổi ở các bộ phận, yếu tố khác và làm biến đổi cả hệ thống. Cũng theo

ông, đặc trưng nổi bật của sự kiện xã hội là sự cưỡng bức của nó đối với hành vi cá nhân mà do hiện thực xã hội quy định, là sản phẩm của nguyên nhân nhất định.

Việc vận dụng lý thuyết cấu trúc - chức năng trong luận văn này nhằm để tìm hiểu sự tác động của các yếu tố cá nhân - xã hội đến chất lượng nguồn nhân lực nữ thành phố Hà Nội.

1.1.2.2. Lý thuyết hiện đại hóa

Theo từ điển Oxford, hiện đại hóa, lý thuyết hiện đại hóa theo những biến thể tinh vi nhất của nó, giải thích hiện đại hóa bằng cách viện đến sự khởi đầu mạnh mẽ của cái mà Talcott Parsons gọi là quá trình “phân hóa cấu trúc”. Đó là quá trình có thể được kích hoạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng cách thường thấy nhất là do những biến đổi về công nghệ hoặc giá trị. Kết quả của quá trình này là các thiết chế sinh sôi nảy nở, những cấu trúc đơn giản của xã hội truyền thống chuyển hóa thành những cấu trúc phức tạp của xã hội hiện đại, và các giá trị bắt đầu mang một nét tương đồng nổi bật với những giá trị đang lưu hành tại Mỹ những năm 1960.

Việc sử dụng lý thuyết hiện đại hóa vào trong nghiên cứu của đề tài này là quá trình hiện đại hóa đã tác động đến chất lượng nguồn nhân lực nữ của Hà Nội như thế nào.

1.1.2.3. Lý thuyết vốn nhân lực

Thuật ngữ vốn nhân lực xuất hiện đầu tiên vào năm 1961 trong bài báo “đầu tư vào vốn nhân lực” được đăng trong tạp chí Kinh tế học Hoa kỳ của nhà kinh tế học Theodore W.Schulz. Sau đó, thuật ngữ này được nhiều tác giả khác phát triển tiếp trong các nghiên cứu của mình. Davenport định nghĩa vốn nhân lực bao gồm các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức , còn Boras nhìn nhận vốn nhân lực dưới góc độ kinh tế khi mỗi người bằng các khả năng và các kỹ năng nhất định thu được mang vào thị trường lao động để sử dụng.

Như vậy, theo quan niệm của các tác giả trên, vốn nhân lực bao gồm các kiến thức, kỹ năng tiếp nhận được từ đào tạo chính quy tại các trường học và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc ở thị trường lao động. Bên cạnh đó, khả năng bẩm sinh của người lao động cũng là một thành phần quan trọng của vốn nhân lực.

Ngoài kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và khả năng bẩm sinh của con người, có nhiều quan điểm cho rằng sức khỏe của người lao động cũng là một thành phần của vốn nhân lực. Khi nghiên cứu về vốn nhân lực của người nghèo ở Việt Nam, Indu Bhushan và các cộng sự (2001) cho rằng, “vốn nhân lực là cái tiềm năng và khả năng phát huy tiềm năng về sức khỏe và kiến thức của cá nhân, cái sẽ mang lại lợi ích trong tương lai” .

Có thể thấy rằng, có nhiều định nghĩa về vốn nhân lực với những khía cạnh khác nhau. Trong những bối cảnh nhất định, nó có thể chỉ bao gồm việc học tập chính quy tại trường, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc ở thị trường lao động, trong khi ở một số bối cảnh khác, nó có thể bao gồm cả sự đầu tư đến sức khỏe và năng suất của con người, của doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Vốn nhân lực ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây và được coi như là cộng cơ cho tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội. Vì vậy, khi thảo luận về những yêu cầu cho tăng trưởng kinh tế vào năm 2002, người ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đầu tư vào vốn nhân lực và giáo dục - đào tạo. Đây là hai nhân tố chính của vốn nhân lực, có liên quan chặt chẽ đến việc cải thiện các kết quả kinh tế.

Với những quan niệm như trên có thể hiểu vốn nhân lực là tổng hợp các kỹ năng, kỹ xảo của người lao động, kinh nghiệm nghề nghiệp; trình độ đào tạo và những khả năng có thể khai thác của người lao động.

Từ những phân tích về vốn nhân lực ở trên có thể thấy vốn nhân lực có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một nền kinh tế phát triển và gắn kết xã hội. Lý thuyết về vốn nhân lực hiện đại cho rằng, tất cả các hành vi của con người đều xuất phát từ những nhu cầu lợi ích kinh tế của chính các cá nhân hoạt động tự do trong thị trường mang tính cạnh tranh. Các cá nhân đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhằm tích lũy những kỹ năng và kiến thức với tư cách là một phần của vốn nhân lực, nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho cá nhân và xã hội. Sự đầu tư này cũng mang lại lợi ích kinh tế quốc dân và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Becker, Gary S. (1964) là người đi tiên phong trong việc tìm ra nhiều cách thức khác nhau để đầu tư cho vốn nhân lực, nhưng chủ yếu vẫn là thông qua giáo dục đào tạo.Ông cũng là người đưa ra bằng chứng về mối tương quan giữa trình độ học vấn và thunhập. Theo ông, học vấn càng cao, thu nhập càng tăng. Có thể nói vốn nhân lực có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thứ nhất, giáo dục mang lại cho mỗi cá nhân việc làm và thu nhập phù hợp với trình độ của mình, và đó được coi là lợi ích cá nhân. Thứ hai, vốn nhân lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, vốn nhân lực góp phần tạo ra sự bền vững xã hội .

Tóm lại, vốn nhân lực là những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm được người lao động tích lũy trong quá trình học tập, đào tạo và làm việc. Nguồn vốn này là một phần cấu thành tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng bảo đảm cho sự bền vững kinh tế - xã hội. [17]

Một phần của tài liệu Chất lượng nguồn nhân lực nữ thành phố Hà Nội hiện nay Luận văn ThS. Xã hội học (Trang 25)