Đặc điểm của quyền lực nhà nước

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về quyền lực và sự phân chia quyền lực nhà nước trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội (Trang 58)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Đặc điểm của quyền lực nhà nước

Mỗi người trong xã hội công dân đều có quyền hạn và nghĩa vụ như nhau. Cơ quan quyền lực tối cao có quyền xem xét những hoạt động của công dân có hợp pháp hay không, có ảnh hưởng đến sự tự do, bình đẳng và quyền

55

lợi của người khác hay không. Để làm được điều này, cơ quan quyền lực tối cao phải có hệ thống pháp luật quy định tất cả những việc được làm và không được làm cho dân chúng. Người dân được tự do trong khuôn khổ do chính mình quy định. Ngay cả quyền sinh tử - một quyền hiển nhiên của con người cũng được đóng góp vào với quyền chung của xã hội để đổi lấy những giá trị tich cực của quyền này trong xã hội. Nhà nước đảm bảo quyền sinh tử cho mỗi người trong suốt cuộc đời của họ trước những hiểm nguy từ bên ngoài. Nhưng nếu quốc gia xảy ra biến loạn và cần đến anh ta thì anh ta phải hi sinh quyền sinh tử của mình cho Tổ quốc. Đấy là nghĩa vụ anh ta phải chấp nhận. Vì trước đó nhà nước đã bảo đảm toàn vẹn cái quyền đó cho anh ta rồi. Như thế anh ta không bị thiệt thòi gì vì sự đổi chác này hoàn toàn ngang giá. Trong xã hội công dân, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, những gì liên quan đến đời sống của công dân đều được pháp luật quy định. Trong khuôn khổ đó, người dân sẽ sống trong vòng trật tự nhưng vẫn được tự do theo ý của mình. Đây là giá trị lớn lao mà xã hội công dân mang lại cho con người, điều mà các xã hội cũ trước đó không làm được.

Không như những quyền lực khác, quyền lực nhà nước có những đặc điểm riêng mà theo Rousseau, nó thể hiện được bản chất của chính nhà nước ấy.

Quan niệm nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước là tinh thần

xuyên suốt tác phẩm. Quyền lực nhà nước được hình thành do mỗi người dân nhường một phần quyền riêng cho quyền chung. Bởi vậy quyền lực nhà nước là do nhân dân tạo ra. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Chủ quyền của nhân dân đó có hai yếu tố: không thể từ bỏ và không thể phân chia.

Thứ nhất, chủ quyền nhân dân là không thể từ bỏ. Chủ quyền nhân dân

- quyền lực tối cao là sự thực hiện ý chí chung, ý chí của tập thể dân chúng nên không thể nào từ bỏ được. Vì nếu từ bỏ thì ý chí chung sẽ không còn là

56

nó nữa, nó lại trở về với ý chí của mỗi công dân, khi đó xã hội lại quay trở lại với trạng thái tự nhiên, kẻ mạnh thì nắm quyền, kẻ yếu thì làm nô lệ.

Thứ hai, chủ quyền nhân dân là không thể phân chia. Khi tất cả ý chí

riêng được gộp lại thành ý chí chung thì ý chí chung ấy là con người tập thể, vì thế con người tập thể ấy không thể chia tách ra được. Khi ý chí chung được công bố lên thành một điều khoản thì nó trở thành luật. J.J.Rousseau chỉ ra rằng, trong thực tế, đặc biệt là trong chính trị thì quyền lực tối cao vẫn bị chia tách. Xét về nguyên tắc, quyền lực tối cao là không thể phân chia vì nó thể hiện ý chí chung của toàn dân chúng. Xét về đối tượng, quyền lực tối cao bị phân chia thành quyền lực lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp, quyền quan thuế, quyền chiến tranh… Trong lịch sử có lúc người ta nhập các quyền đó vào với nhau, có lúc lại tách biệt chúng ra. Khi đó quyền lực tối cao không còn giữ được bản chất của nó nữa. Ông gọi đó là “cái trò ảo thuật chính trị”. Vì người ta chỉ thấy cái bề ngoài, cái hiện tượng của quyền lực tối cao nên mới có sự phân chia thành các quyền lực như thế. Đó là kết quả của quan niệm sai lầm về quyền uy tối cao. Theo J.J.Rousseau, sự chia tách đó chỉ là sự ứng dụng của luật mà thôi. Ông đã lấy một ví dụ chứng minh cho quan điểm này. Khi người ta coi việc tuyên chiến hay giảng hòa là những điều khoản thuộc về chủ quyền tối cao. Điều khoản ấy không phải là luật, nó chỉ là một trong những ứng dụng của luật mà thôi. Nó là điều khoản cá biệt được xác định trong một tình huống cụ thể của luật. Do đó nó không phải là những nhánh hay bộ phận khác nhau của quyền lực tối cao. Sự phân chia quyền lực tối cao thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp chỉ là sự phân chia về mặt hình thức còn về bản chất ba quyền này vẫn phải thực hiện ý chí tối cao. Do đó, quyền lực nhà nước vẫn là một quyền lực thống nhất, không bị phân chia như các nhà chính trị trong lịch sử đã làm.

Theo J.J.Rousseau, “ý chí chung” một mặt là một lực lượng ngầm điều khiển nhà nước; mặc khác, được thể hiện trực tiếp ở chủ quyền tối cao của

57

nhân dân trên phương diện lập pháp và hoàn toàn không thể chuyển nhượng. Ông khẳng định: “ý chí chung” của nhân dân được công bố lên chính là pháp luật, nhân dân là người làm ra luật.

Luật là những điều khoản của “ý chí chung”, cho nên, bao giờ cũng mang tính tổng quát cho tất cả mọi người. Lợi ích chung là nền tảng của luật pháp. Không một ai đứng trên pháp luật ngay cả người đứng đầu nhà nước vì họ cũng chỉ là một thành viên trong nhà nước.

Tuy nhiên, “ý chí chung” muốn thực sự là ý chí của nhân dân thì bản thân nó phải là “ý chí chung” từ trong đối tượng và trong bản chất, từ tất cả và ứng dụng cho tất cả. Ý chí chung sẽ mất đi sự đúng đắn tự nhiên khi nó thiên về một đối tượng riêng lẻ nhất định.”[51, tr.87-88]. Như vậy, ý chí chung chỉ tính đến lợi ích chung của cộng đồng. Để xác định được “ý chí chung”, người ta phải loại bỏ tất cả những ý kiến khác biệt của các thành viên trong xã hội. Ông phân biệt “ý chí chung” và ý chí tất cả. Ý chí tất cả chỉ là sự tổng hợp thuần túy của những ý chí riêng rẽ. Trong khi đó, “ý chí chung” được hình thành bằng cách loại bỏ trong tập hợp đó những quyền lợi triệt tiêu nhau. Muốn cho một ý chí trở thành “ý chí chung” thì “không nhất thiết lúc nào cũng phải tuyệt đối trăm người như một, nhưng điều cần thiết là mọi tiếng nói đều được đếm xỉa tới. Nếu loại bỏ, dù là một cách hình thức một số tiếng nói nào đó, thì ý chí chung sẽ bị tan rã”[51, tr.81].

Đằng sau những suy luận toán học này là vấn đề chính trị quan trọng: cần phải hòa hợp những quyền lợi mâu thuẫn nhau giữa các cá nhân, các đẳng cấp và toàn xã hội thành một thể thống nhất, dưới sự điều khiển của “quyền lực tối cao”. Bên cạnh đó, J.J.Rousseau cũng đề cập đến việc bảo lưu ý kiến của thiểu số. Ông cho rằng, đa số chưa chắc đã đúng và thiểu số không hẳn đã là sai. Để cho đa số không bị nhầm lẫn, theo J.J.Rousseau, phải công khai cung cấp đầy đủ thông tin cho dân chúng, để họ bàn bạc và quyết định. Ông

58

lên tiếng cảnh báo thủ đoạn lợi dụng và núp bóng số đông để mưu lợi cá nhân. Vì vậy, theo ông, mỗi người phải bỏ qua quyền lợi bè phái và hành động như một công dân của quốc gia khi đóng góp ý kiến. Đồng thời, xã hội cần loại bỏ những nhóm người luôn vì quyền lợi riêng, nếu không ý chí chung sẽ bị thay thế bởi ý chí cá nhân.

Trong quan hệ với nhà nước, quần chúng nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Vì vậy, “ý chí chung” là đỉnh cao nhất của mọi hệ thống pháp luật. Theo J.J.Rousseau, chủ quyền nhân dân, quyền lập pháp, quyền lực tối cao là cách gọi khác nhau của quyền lực tối cao. Quyền lực tối cao luôn được điều hành bằng ý chí chung của tất cả dân chúng. Do vậy, quyền lực tối cao phải là con người tập thể và nó có quyền tuyệt đối với mọi thành viên trong xã hội.

Vậy, những điều khoản của quyền lực tối cao là gì? J.J.Rousseau khẳng định: “Đó không phải là một bản công ước giữa cấp trên với cấp dưới, mà là công ước giữa tập thể với tứ chi”[51,tr.89]. Bản công ước này chính đáng vì nó là kết quả của khế ước xã hội giữa người với người, là công bằng và hữu ích, vì nó có tác động chung và mưu lợi cho tất cả mọi người. Đồng thời, quyền lực tối cao thật vững chắc, vì nó được đảm bảo bởi lực lượng công chúng và quyền năng tối cao. Nếu như mọi công dân đều phục tùng những công ước như vậy thì “họ chẳng phải cúi đầu tuân lệnh người nào, mà chỉ tuân theo ý chí của mình mà thôi” [51, tr.89]

Pháp luật là nền tảng của quyền lực nhà nước

Trong xã hội dân sự, luật pháp không những có vai trò quan trọng đối với việc xác lập quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi người, mà còn là cơ sở để cho xã hội tồn tại trong vòng trật tự. Theo J.J.Rousseau luật là những điều khoản của ý chí chung và bao giờ cũng mang tính chất tổng quát cho mọi người. Ý chí chung phản ánh lợi ích chung của cộng đồng phải trở thành nền tảng của

59

pháp luật. Ý chí chung sẽ mất đi sự đúng đắn tự nhiên khi nó thiên về một đối tượng riêng lẻ nhất định.

Công ước xã hội là cái làm cho cơ thể chính trị tồn tại và có một đời sống, nhưng để cơ thể đó vận động và có ý chí thì phải có pháp luật.

Luật pháp, theo J.J.Rousseau là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới. Các nhà hành pháp cũng phải làm theo mô hình, ý chí của nhà lập pháp, tức là làm theo ý chí của nhân dân, của quyền lực tối cao: “nhà lập pháp là kỹ sư sáng chế ra máy; ông vua chỉ là người thợ dựng máy lên và vận hành máy”[51, tr.100]. J.J.Rousseau cũng đề nghị không nên để cho người chấp pháp ban hành luật vì ý chí cá nhân có thể sẽ không hòa hợp được với ý chí chung. Do đó nếu để người chấp pháp cũng là người lập pháp thì luật pháp không thể hiện được ý chí chung mà chỉ thể hiện ý chí cá nhân.

Ông quan niệm, mục đích của lập pháp là tự do và bình đẳng, “đỉnh cao nhất của các hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy điều đó quy gọn vào hai mục tiêu: tự do và bình đẳng.

Tự do, vì cá nhân bị mất tự do bao nhiêu thì cơ thể quốc gia giảm sút sức lực bấy nhiêu.

Bình đẳng, vì không có bình đẳng thì không thể nào có tự do được”[51, tr.115]. Những vấn đề và nội dung trong tư tưởng chính trị của J.J.Rousseau, trên thực tế đã tạo nên những quan niệm nền tảng của thể chế chính trị dân chủ, như: Quyền tự nhiên, nhà nước, pháp luật, xã hội công dân, thoả thuận xã hội... Mặc dù chưa tìm ra được yếu tố chi phối thực sự các vấn đề xã hội đó, song những vấn đề có tính quy luật, những “tất yếu kỹ thuật”... mà bất kể chủ thể chính trị nào cũng phải giải quyết trong việc thiết kế thể chế chính trị, quản lý và vận hành bộ máy chính trị... trong một xã hội có nền kinh tế thị trường phát triển đã được J.J.Rousseau đặt ra, nghiên cứu và lý giải có chiều sâu. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Quyền lực tối cao và quyền lực của công dân có quan hệ với nhau: mỗi người ràng buộc với tất cả vì tất cả ràng buộc với mỗi người. Quyền của cơ

60

quan tối cao là tuyệt đối thiêng liêng cũng không và không thể vượt qua giới hạn của công ước tổng quát, tức là không thể vi phạm những thỏa thuận mà con người đã xác lập. Mặc dù phủ nhận quan điểm của Montesquieu về việc phân chia quyền lực thành nhánh độc lập, J.J.Rousseau vẫn chủ trương phân chia chức năng của các cơ quan quyền lực trong việc thực hiện các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp. Thế nhưng, thực chất của sự phân quyền trong tư tưởng của J.J.Rousseau chỉ là phân quyền giữa hành pháp và tư pháp, còn lập pháp luôn được thực hiện một cách trực tiếp bởi toàn thể nhân dân với ông không bao giờ cho phép quyền lực tách rời khỏi nhân dân.

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về quyền lực và sự phân chia quyền lực nhà nước trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội (Trang 58)