hội ở nông thôn
Giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn có một vai trò rất quan trọng. Hiện nay, nước ta đang tiến hành quá trình đẩy nhanh CNH, HĐH đất nước. Mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam về căn bản trở thành một nước công nghiệp. Quá trình CNH, HĐH nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, quá trình này tất yếu sẽ mang lại những đổi thay sâu sắc cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và đời sống kinh tế của người dân nói riêng. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Khi đó sẽ xuất hiện những hoạt động sản xuất mới, một số hoạt động sản xuất cũ sẽ được thay thế, thất nghiệp cơ cấu phát sinh. Vì vậy, cần thiết phải tạo việc làm cho lao động trong nông thôn nhằm giảm thất nghiệp cơ cấu.
Ngày nay, trong quá trình CNH, HĐH, các khu công nghiệp lớn sẽ hình thành và phát triển, thu hút lao động có chất lượng cao. Người lao động ở nông thôn muốn có việc làm ổn định cần phải đáp ứng đòi hỏi về mặt trình độ của công nghệ mới. Đây chính là cơ hội mới để lao động trong nông thôn tiếp cận với cơ hội đào tạo và phát triển. Người lao động ở nông thôn có việc làm ổn định sẽ ổn định được cuộc sống của họ và gia đình họ, tránh được các yếu tố rủi ro trong quá trình tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là người lao động ở Việt Nam nói chung và người lao động ở nông thôn nói riêng chưa đáp ứng các yêu cầu của quá trình CNH, HĐH (còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, về trình độ ngoại ngữ, về tác phong và kỷ luật lao động...). Do đó, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn sẽ giúp họ được tiếp cận với cơ hội đào tạo, phát triển, nâng cao trình độ, có thêm cơ hội tìm kiếm
việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống, giúp họ hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong xã hội.