Về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm tài sản

Một phần của tài liệu Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam (Trang 49)

Theo nguyên tắc lợi ích bảo hiểm , hợp đồng bảo hiểm tài sản được giao kết trên cơ sở có một mối liên hệ hợp pháp giữa người được bảo hiểm và tài sản là đối tượng bảo hiểm. Đối tượng được khẳng định từ mối quan hệ quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm thực chất không phải là bản thân tài sản được bảo hiểm mà lợi ích kinh tế có sẵn của người được bảo hiểm đối với đối tượng bảo hiểm. Lợi ích bảo hiểm luôn ở trong trạng thái động do sự chuyển dịch đối tượng bảo hiểm từ chủ thể này sang chủ thể khác thông qua các quan hệ mua bán tài sản, chuyển nhượng, thừa kế, cầm cố, thế chấp… Cùng với sự dịch chuyển lợi ích bảo hiểm đó thì hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể được chuyển giao từ một chủ thể này sang một chủ thể khác.

Nhận thức chung về việc chuyển nhượng một hợp đồng cho thấy: bản chất của hợp đồng là sự ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ. Khi một hợp đồng xác lập sẽ có hiệu lực làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp đồng đó. Chuyển nhượng hợp đồng được hiểu là chuyển nhượng toàn bộ các quyền, nghĩa vụ và các lợi ích phát sinh từ hợp đồng của một chủ thể cho một chủ thể khác. Trường hợp một hợp đồng có hình thức theo qui định là phải được lập thành văn bản thì việc chuyển nhượng hợp đồng bao gồm cả việc chuyển giao hình thức văn bản hợp đồng cho bên nhận chuyển nhượng. Bản chất của việc chuyển nhượng hợp đồng là một chủ thể chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình cho một chủ thể khác, chỉ cần thiếu một trong hai yếu tố này thì không phải là chuyển nhượng hợp đồng mà có thể là chuyển giao quyền yêu cầu hoặc chuyển giao nghĩa vụ được qui định trong Bộ luật dân sự

50

Thực tế, có nhiều loại hợp đồng được chuyển nhượng rât đơn giản, việc chuyển nhượng chỉ phụ thuộc vào ý chí của bên chuyển nhượng, hợp đồng có thể được chuyển nhượng cho bât kì đối tượng chủ thể nào và có hiệu lực đối với bất kì ai có trong tay văn bản hợp đồng đó (ví dụ như vé tàu, vé xe…). Xuất phát từ những đặc điểm riêng biệt của hợp đồng bảo hiểm tài sản, điều kiện chung để hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể được chuyển nhượng là: đã có sự chuyển nhượng đối tượng tài sản bảo hiểm hoặc đã có sự chuyển nhượng quyền lợi được bảo hiểm trong tài sản đó [20].

Theo qui định tại Điều 39, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 thì quyền lợi có thể được bảo hiểm phát sinh từ quan hệ hợp pháp của chủ thể đó đối với đối tượng tài sản bảo hiểm, đó là quan hệ về quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản. Như vậy việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể đi kèm theo sự dịch chuyển quyền sở hữu, dịch chuyển quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản.

Việc chuyển nhượng hợp đồng thường được qui định sẵn trong các quy tắc bảo hiểm, tùy thuộc vào từng loại hình bảo hiểm, các qui tắc bảo hiểm đưa ra các điều khoản cho phép hoặc không cho phép chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ :

Điều 12 của Quy tắc chung về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển qui định: “Đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm có thể được chuyển nhượng cho một người khác sau khi người được bảo hiểm hay đại diện có thẩm quyền của họ kí ở mặt sau đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm”.

Khoản 9, Điều 12 của Quy tắc bảo hiểm hàng không qui định: “Giấy chứng nhận bảo hiểm cấp theo qui tắc này không được chuyển nhượng dù toàn bộ hay một phần, trừ trường hợp Bảo Việt đồng ý bằng điều khoản bổ sung đính kèm”

51

Nếu các qui tắc bảo hiểm cho phép có thể chuyển nhượng hợp đồng thì trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực, nếu có sự chuyển dịch đối tượng bảo hiểm (hoặc chuyển dịch quyền lợi có thể được bảo hiểm cho chủ thể khác) thì hợp đồng bảo hiểm đó có thể được chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm phải được thông báo bằng văn bản cho bên bảo hiểm và phải được bên bảo hiểm đồng ý thì hợp đồng đó mới có hiệu lực đối với chủ thể mới. Trong trường hợp không chấp nhận việc chuyển nhượng thì hiệu lực của hợp đồng sẽ chấm dứt do người mua bảo hiểm không con quyền lợi được bảo hiểm.

Điều 26, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 qui định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm như sau:

“1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp nhận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.”.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)