Xét trên cả hai phương diện quản lý nội dung và quản lý con người đều có thể thấy rõ được xu hướng này.
Về mặt quản lý nội dung, là một cơ quan thông tin đạichúng, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, và hoạt động theo những quy định của pháp luật, tất cả các sản phẩm truyền hình đều cần được quản lý thống nhất về mặt nội dung. Tuy nhiên, quản lý nội dung không đồng nghĩa với việc phải quản lý tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm truyền hình. Và càng không có nghĩa hoạt động quản lý của truyền hình không thể tham gia vào tiến trình xã hội hóa.
Để truyền hình phát triển, đi cùng với yêu cầu đảm bảo tính định hướng, tính tư tưởng trong từng sản phẩm, nhất định các công đoạn sản xuất chương trình truyền hình phải được chuyên môn hóa cao, phân công lao động chặt chẽ và giảm bớt được chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và hạ giá thành sản phẩm. Điều này đòi hỏi truyền hình luôn phải cân nhắc nhiều hơn với các phương án đầu tư cho hoạt động tác nghiệp của mình. Và sẽ không có một lý do nào khiến các nhà quản lý truyền hình có thể từ chối khai thác các nguồn chương trình đảm bảo được yêu cầu về nội dung, kỹ thuật và cả giá thành hạ do xã hội cung cấp. Trước những toan tính về mặt lợi ích, hiển nhiên truyền hình sẽ buộc phải nghĩ nhiều đến việc có thể giao, khoán, mua, trao đổi một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất cho một đơn vị kinh tế nghiệp vụ
khác (bất kể đơn vị đó là của Nhà nước hay của tư nhân), hơn là quyết định đầu tư công sức và một khoản kinh phí lớn hơn gấp nhiều lần để tự làm ra một sản phẩm có chất lượng tương tự.
Gần đây, việc chỉ đạo các Trung tâm truyền hình Việt Nam sản xuất linh kiện cho phóng sự của các ban biên tập trong Đài, hay việc tích cực khai thác các tin bài có chất lượng của các đài địa phương trong các bản tin thời sự ít nhiều cũng đã phản ánh khuynh hướng giao cho các đơn vị ngoài Đài tham gia vào sản xuất chương trình. Phương án quản lý sản xuất theo cách làm này, ít nhất cũng đã tiết kiệm được cho truyền hình một khoản kinh phí không nhỏ nhờ cắt giảm các khoản đầu tư dành cho việc đi lại của phóng viên, vận chuyển máy móc thiết bị tới nơi sự kiện xảy ra. Trước xu thế trên, việc có các công ty tư nhân tham gia thực hiện chương trình và bán cho đài truyền hình có thể là một xu hướng tất yếu.Vấn đề còn lại đối với truyền hình là phải hướng dẫn, quản lý về nội dung và xây dựng cho được những quy chuẩn mang tính nghiệp vụ cao cho các loại hình sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy việc trao đổi, mua bán và định giá sản phẩm mới trở nên dễ dàng.
Dưới góc độ quản lý con người, truyền hình cũng bướcvào giai đoạn xã hội hóa quyết liệt. Như đã biết, xã hội càng phát triển, trí tuệ xã hội ngày càng được nâng lên, và trí tuệ ấy ngày càng được quảng bá trên truyền hình nhiều hơn. Nhưng ngược lại, chính truyền hình cũng đang tìm mọi cách để hấp thu trí tuệ xã hội để đầu tư cho sự phát triển. Điều đó sẽ càng trở nên quan trọng khi phân công lao động và chuyên môn hóa các hoạt động sản xuất chương trình truyền hình đạt đến trình độ cao.
Hiện tại công việc của truyền hình bao gồm rất nhiềungành nghề khác nhau: quản lý, kỹ thuật, nghệ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị… với các vị trí công tác khác nhau. Tất cả đều có chức năng nhiệm vụ rõ ràng trong hoạt động dây chuyền tạo ra sản phẩm truyền hình. Nói một cách khác, sản phẩm truyền hình là kết quả của một chuỗi các công đoạn kế tiếp nhau.Và để có
những sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cao, tất cả các công đoạn đều phải có sự phối hợp nhịp nhàng và được hoàn thành với trình độ chuyên môn cao. Yêu cầu công việc cho thấy việc tự đào tạo lẫn nhau, tự nâng cao trình độ là điều cần nhưng chưa thể là điều kiện đủ. Truyền hình sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của mình khi không tuyển dụng được một nguồn nhân lực có tay nghề cao trong xã hội để phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành. Trong hoạt động quản lý ở truyền hình, xã hội hóa các nguồn lực lao động là một xu hướng tất nhiên không thể cưỡng lại được.
Trên một bình diện khác, để đảm đương được là một binhchủng tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và hành động của công chúng, tất cả các chương trình truyền hình đều đứng trước yêu cầu về trí tuệ và tính khoa học. Mỗi luận điểm, nhận định trong phóng sự, trong bình luận, và trong các thể loại khác của truyền hình đều ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Và để đạt đến sự chuẩn xác trong thông tin, đòi hỏi nhất thiết phải có sự tham gia của tất cả các chuyên gia trên lĩnh vực trong cuộc sống. Trí tuệ, tính khoa học và mức độ tin cậy của truyền hình chỉ có được khi có sự tham gia ngày một nhiều hơn của các lực lượng khác trong xã hội.
Việc đầu tư và thường xuyên sử dụng các nhà khoa học,các nhà nghiên cứu chuyên sâu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội làm cố vấn cho các chương trình, truyền hình trong thời gian gần đây như một biểu hiện mang tính tất yếu của xu thế xã hội hóa nguồn lực cho truyền hình. Trong lao động quản lý, nhất định truyền hình phải quan tâm tới điều này, từ đó có chính sách thoả đáng để thu hút các nguồn chất xám trong xã hội phục vụ cho việc đổi mới nâng cao chất lượng chương trình truyền hình.