Củng cố khả năng giao dịch trên thị trường

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM, CÁC GIẢI PHÁP KIỆN TOÀN HỆ THỐNG VÀ TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN CHO THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH TẬP TRUNG TẠI VIỆT NAM (Trang 33)

a.Phát triển các công cụ nhằm tạo tính thanh khoản cao trên TTCK

Trong 10 năm thị trường vận hành, sự liên thông với TTCK thế giới rất lớn, song sản phẩm mới lại rất nghèo nàn, cơ quan quản lý cần sớm chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của chứng khoán phái sinh: hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hoạt động swap, các công cụ của chứng khoản phái sinh cho phép nhà đầu tư có nguồn vốn giới hạn mở rộng hoạt động đầu tư của mình trên thị trường đồng thời với các công cụ này sẽ tạo tính thanh toản cao trên TTCK.

Ưu điểm của công cụ phái sinh:

Thứ nhất, thị trường sản phẩm phái sinh cho phép những người muốn làm giảm rủi ro của mình chuyển giao rủi ro cho những người sẵn sàng chấp nhận nó, đó là những nhà đầu cơ. Vì vậy, thị trường này rất có hiệu quả trong việc phân phối lại rủi ro giữa các nhà đầu tư, không có ai cần phải chấp nhận một mức rủi ro không phù hợp với bản thân mình. Và cũng vì thế mà họ sẵn sàng cung cấp nhiều vốn hơn cho thị trường tài chính, điều này tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, phát huy khả năng huy động vốn và giảm chi phí sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, thị trường các sản phẩm phái sinh cũng là một công cụ hiệu quả cho hoạt động đầu cơ. Bởi người muốn phòng ngừa rủi ro phải tìm được một người khác có nhu cầu đối lập hoàn toàn với mình, tức là rủi ro của người muốn phòng ngừa rủi ro phải được hấp thụ bởi các nhà đầu cơ. Tại sao các giao dịch này lại có thể được thực hiện, khi mà thực tế rõ ràng là khi một bên có lợi

thì tất yếu bên còn lại sẽ không thể tránh khỏi những thiệt hại? Bởi mỗi nhà đầu tư có một “khẩu vị rủi ro” khác nhau, khả năng chấp nhận rủi ro cũng khác nhau. Tuy nhiên, ai cũng có mong muốn là giữ cho các khoản đầu tư của mình ở một mức rủi ro có thể chấp nhận được. Và thế là họ gặp nhau và tiến hành việc chuyển giao một phần rủi ro của mình cho đối tác.

Tuy nhiên, cùng với việc phát triển các công cụ phái sinh cần có chính sách quản lý, giám sát nhằm tránh tình trạng mua bán khống và gây lũng đoạn thị trường.

Hiện nay, Ủy ban chứng khoán đang soạn thảo, lấy ý kiến và chuẩn bị ban hành hướng dẫn chi tiết đối với các giao dịch ký quỹ, giao dịch repo hướng tới việc nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau. Do đó, sự kỳ vọng vào một cơ chế giao dịch thông thoáng và thủ tục hợp lý là điều tất yếu đối với những thành viên đang và muốn tham gia thị trường này. Thời gian vừa qua, dự thảo thông tư về giao dịch ký quỹ của Ủy ban Chứng khoán gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên tham gia thị trường. Người viết đánh giá cao chủ trương sớm đưa giao dịch ký quỹ vào thực hiện, nhưng cũng không tránh khỏi băn khoăn, khi còn có không ít vấn đề trong dự thảo nêu ra chưa thấu tình đạt lý, hoặc thiếu cơ sở thực tiễn.

b. Xây dựng hệ thống ngân hàng đa năng và tạo tính thanh khoản cao

TTCK phát triển mạnh dựa trên tính thanh khoản của thị trường phần lớn liên quan đến ngân hàng ví dụ như chính sách cho vay để mua chứng khoán, hoạt động đầu tư của ngân hàng đối với chứng khoán, tỷ lệ tín dụng cho kinh doanh chứng khoán trên tổng tín dụng của các định chế tài chính, tỷ lệ tối đa cho vay dựa trên thế chấp bằng chứng khoán, sử dụng đòn bẩy tài chính trong kinh doanh chứng khoán…Do đó, các chính sách liên quan đến ngân hàng đều ảnh hưởng tính thanh khoản trên thị trường và một phần tác động đến thị trường chứng khoán. Đồng thời ngân hàng cần cung cấp thêm các sản phẩm tài chính tạo điều kiện cho nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn.

c.Xây dựng lãi suất chuẩn

Một trong những thành tố quan trọng nhất của quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán là lãi suất. Lãi suất thay đổi sẽ tác động lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và do đó ảnh hưởng đến giá cả chứng khoán. Chẳng hạn, đối với trái phiếu, giá trái phiếu sẽ giảm khi lãi suất thị trường tăng và ngược lại. Lãi suất chuẩn này được sử dụng như một thước đo để xác định mức lãi suất hiện hành của thị trường, chiều hướng vận động trong tương lai của lãi suất. Thế nhưng, để lãi suất của các công cụ tài chính này có thể giữ vai trò định hướng của lãi suất tham chiếu, cần phải:

Một là, phải từng bước nới lỏng việc kiểm soát tiền tệ và lãi suất, tiến tới tự do hoá hoàn toàn lãi suất để lãi suất không bị bóp méo và phản ánh đúng giá trị thực của thị trường.

Hai là, lãi suất của trái phiếu chính phủ dùng làm lãi suất chuẩn phải được định giá trên cơ sở tham khảo lãi suất LIBOR, lãi suất được xem là lãi suất chuẩn trên các thị trường tài chính quốc tế.

Ba là, phải phát hành với số lượng lớn, đều đặn loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn với kỳ hạn 3 tháng để giúp thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cao nhất và thấp nhất, giữa lãi suất thị trường trong nước với thị trường nước ngoài, tạo cơ sở hình thành lãi suất chuẩn.

d. Tăng nguồn cung chứng khoán

Trên cùng 1 thị trường, khi hàng hóa được trao đổi càng đa dạng và phong phú thì khách hàng sẽ có nhiều quyết định đầu tư, phân bổ nguồn lực tài chính vào nhiều mặt hàng. Qua đó, các nhà đầu tư có thể phân tán rủi ro trong việc đầu tư vào danh mục các cổ phiếu.

Trên thực tế, hiện nay nhà nước ta đã khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước cũng như ngoài quốc doanh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Điều này ngoài việc góp phần làm đa dạng danh mục chứng khoán đầu tư trên thị trường, còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận cách thức thu hút vốn đầu tư và hoạt động có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường trong thời gian qua phần nào bị ảnh hưởng do tốc độ cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước có phần chậm lại.Cần sớm thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn trong năm 2010 sẽ giúp thị trường tăng sức hút đối với các nguồn vốn gián tiếp.

Trong đó :

* Xây dựng và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, giải quyết công nợ khó đòi, cơ chế thực hiện quyền sở hữu của nhà nước trên số cổ phần nhà nước hiện tại có các công ty cổ phần để giải toả kịp thời các vướng mắc phát sinh hiện nay trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sở hữu.

* Các chủ trương chính sách đổi mới doanh nghiệp phải thể hiện quyết tâm chính trị cao để đoạn tuyệt hẳn với quan niệm xem cổ phần hoá là bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh. Quan điểm này là nguồn gốc nảy sinh tư tưởng chần chừ do dự hoặc thực hiện cổ phần hoá, tư nhân hoá không triệt để.

* Xoá bỏ tận gốc tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế dân doanh thể hiện trong các chủ trương, chính sách.

* Kiên quyết cắt đứt tín dụng ưu đãi khi con đường tiếp cận tới nguồn ưu đãi bị cắt đứt, khi ngân hàng có thể tự lựa chọn khách hàng và áp đặt mức lãi suất theo mức độ rủi ro được chính ngân hàng thẩm định từ dự án, từ doanh nghiệp, tất yếu các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động có hiệu quả hơn để tự tồn tại và phát triển.

e. Nâng cao khả năng thu hút các nhà đầu tư

Thành tố quan trọng nhất của thị trường là các NĐT, cần phát triển các quỹ đầu tư, công ty đầu tư theo hướng đa dạng hóa các loại hình quỹ, thành lập các tổ chức phụ trợ (định mức tín nhiệm, đăng ký chuyển nhượng, thanh toán). Phát triển hệ thống NĐT tổ chức, ngân hàng, tài chính - chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư hưu trí, đi đôi với chuyên nghiệp hóa các NĐT cá thể...

Cần đưa ra chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Theo tìm hiểu của nhóm, Chính phủ đang chuẩn bị đưa ra các chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài như:

- Chính phủ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng tối đa từ 30% lên 49% vốn điều lệ (ngoại trừ tổ chức tín dụng)”. Đối với các quỹ thành viên, sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và cho phép thành lập quỹ thành viên tới 100% vốn nước ngoài.

- Hiện cơ quan quản lý cũng đang xem xét việc cho nhà đầu tư nước ngoài được nắm tới 49% vốn điều lệ tại tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước. Từ năm 2012, đối tượng này sẽ được sở hữu 100% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM, CÁC GIẢI PHÁP KIỆN TOÀN HỆ THỐNG VÀ TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN CHO THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH TẬP TRUNG TẠI VIỆT NAM (Trang 33)