Quan hệ cộng đồng làng bản
Người Tày ở Tuyên Quang có tập quán cư trú thành làng bản. Bản là đơn vị tụ cư của nhiều dòng họ lấy quan hệ láng giềng làm cơ sở, có thiết chế tự quản và những quy định riêng. Quy mô của các bản vừa và nhỏ, mỗi bản
thường chỉ có 30 đến 60 nóc nhà. Làng bản của người Tày thường được tạo dựng ở thung lũng có sông, suối hay có đồi núi bao quanh… Tên gọi của bản thường được đệm từ “nà” (ruộng), “pác” (cửa), “khuổi” (suối) như: Nà
Loòng, Nà Poọc, Pác Máng, Pác Cáp… Mỗi bản có phạm vi cư trú và đất đai trồng trọt riêng, đường phân giới thường là đường mòn, khe núi, khe suối, đèo cao… được công nhận theo quy ước của dân bản. Mặc dù những quy ước đó không được ghi thành văn bản cụ thể nhưng do sự tôn trọng và tin tưởng nhau nên dân bản đều công nhận. Ý thức về địa vực cư trú ấy được truyền từ đời này sang đời khác trong dân cư của làng bản. Dân cư trong bản bao gồm nhiều họ, trong đó có một đến hai họ đông người hơn và thường là những họ của người đến cư trú đầu tiên. Mỗi bản đều có những nghi lễ chung liên quan đến nghề nông, chăn nuôi, lễ cúng thổ thần, lễ xuống đồng… nhằm cầu mong cho người, cây trồng và vật nuôi phát triển, làng bản ấm no, hạnh phúc.
Trong mỗi bản làng của người Tày thì quan hệ huyết thống dân tộc là mật thiết nhất. Bên cạnh đó là quan hệ láng giềng đồng tộc hay khác tộc cũng là yếu tố quan trọng để giúp nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong mỗi bản đều có miếu thờ thổ công là linh thần cai quản cương giới của làng bản, che chở cho cư dân của làng bản. Thông qua lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tinh thần mọi thành viên trong bản dù đồng tộc hay khác tộc đều đoàn kết với nhau. Trong sản xuất, đồng bào nơi đây có tập quán đổi công cho nhau trong những ngày mùa bận rộn. Hay khi một nhà trong bản có lễ cưới hay tang ma đều nhận được sự giúp đỡ của mọi người dân trong bản. Đó thực sự là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày nơi đây.
Quan hệ dòng họ
Thông thường những người cùng họ sống cùng nhau trong một bản hoặc vài bản gần kề. Cho nên những người trong dòng họ luôn giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Chẳng hạn, khi con gái của gia đình nào đó trong dòng họ có người đến dạm hỏi, gia đình phải có lời mời anh em thân tộc đến hỏi ý kiến. Trong lễ ăn hỏi với sự có mặt đông đủ của họ
hàng nhà gái để bàn bạc, thỏa thuận với nhà trai về số lượng sính lễ, thủ tục đưa đón dâu…
Trong quan hệ dòng họ, về mặt nguyên tắc hôn nhân, đồng bào thực hiện nguyên tắc hôn nhân ngoại tộc. Điều này có nghĩa là thực hiện hôn nhân ngoài dòng họ, những người cùng dòng họ không được kết hôn với nhau.
Quan hệ gia đình
Gia đình của người Tày là gia đình phụ hệ, quan hệ huyết tộc theo dòng cha, mang tính chất phụ quyền ảnh hưởng theo lễ giáo phong kiến Nho giáo. Trước đây, người Tày ở Tuyên Quang còn tồn tại nhiều gia đình lớn nhiều thế hệ, nhưng ngày nay phổ biến là gia đình nhỏ với hai thế hệ bố mẹ và con cái chưa lập gia đình. Con cái sinh ra lấy theo họ bố, trường hợp con trai đi làm rể đời để thờ cúng hương hỏa nhà vợ thì con sinh ra lấy theo họ mẹ. Đây là một trong những đặc trưng phản ánh tính chất phụ quyền trong gia đình người Tày. Mỗi tiểu gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập, có tài sản riêng, tiêu dùng riêng. Chủ gia đình là người cha, người chồng. Chủ gia đình làm chủ toàn bộ tài sản, có quyền quyết định tất thảy mọi công việc trong nhà, điều khiển mọi công việc sản xuất, tổ chức sinh hoạt, có trách nhiệm cúng bái và là người thay mặt gia đình giải quyết những vấn đề liên quan với bên ngoài. Khi xem xét, giải quyết những công việc quan trọng người chủ gia đình thường bàn bạc với vợ con nhưng tiếng nói quyết định thuộc về chủ gia đình. Trong tổ chức sản xuất có sự phân công lao động theo giới một cách tự nhiên. Trong gia đình, những loại công việc khác nhau do các thành viên thực hiện theo sự phân công của chủ gia đình, phù hợp với sức khỏe và khả năng của từng người. Đàn ông chủ yếu đảm đương những việc nặng nhọc như: cày, bừa, phát nương, làm nhà, chuồng trại gia súc,… Phụ nữ làm những công việc đỡ nặng nhọc hơn như: cấy hái, làm cỏ, bón phân, kiếm củi, chăm lo việc nội trợ, nuôi dạy con cái, dệt vải…
Tính chất phụ quyền trong gia đình người Tày không chỉ thể hiện qua vai trò của người chồng, người bố mà còn biểu hiện rõ nét trong việc phân
chia tài sản - chỉ có con trai mới có quyền thừa kế. Tài sản để phân chia gồm có: ruộng, trâu, bò, ngựa, rừng, lúa gạo, đồ dùng gia đình, công cụ sản xuất,… Trong mỗi gia đình khi con cái ra ở riêng đều được bố mẹ phân chia cho một phần tài sản. Trong đa số trường hợp, con trai trưởng được nhận phần nhiều hơn, các con trai khác chia đều như nhau. Khi bố mẹ chết đi, người con trai trưởng sẽ là người thờ cúng bố mẹ, lo dựng vợ gả chồng cho các em. Mặc dù vậy người phụ nữ cũng có một vai trò nhất định trong gia đình. Trong gia đình, người vợ có quyền tham gia ý kiến về các công việc, là lao động chính trong gia đình, là người trực tiếp nuôi dạy con cái nhưng quyền quyết định bao giờ cũng thuộc về người chồng. Một biểu hiện nữa của tính chất phụ quyền trong gia đình người Tày ở Tuyên quang đó là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhất là giữa con dâu, em dâu với bố chồng, anh chồng. Trong gia đình, vợ phải nghe lời chồng, em phải nghe lời anh, chị, bậc dưới phải tôn trọng bậc trên. Đặc biệt người phụ nữ trong gia đình phải tuân thủ những quy tắc ứng xử chặt chẽ như: không được đi ngang qua phía trước các bàn thờ trong nhà, không ngồi vào chỗ tiếp khách của nam giới ở gian ngoài, không được tới chỗ ngủ và nơi dành riêng cho bố, chú bác, anh chồng ; Bố chồng, anh chồng không bao giờ ngồi cùng mâm cơm, bàn chè, bàn rượu với con dâu, em dâu ; Con dâu, em dâu không được phép đưa cho bố chồng, anh chồng dùng bất cứ thứ gì mình đã dùng và đang dùng như : chậu rửa mặt, lược chải đầu…; Khi con dâu, em dâu ở cữ, bố chồng, anh chồng không bao giờ tự tay đưa trực tiếp cho con dâu, em dâu cơm hay bất cứ thứ gì. Nếu muốn đưa đồ gì phải qua một người trung gian hoặc để ở bàn để con dâu, em dâu tự lấy ; Bố chồng, anh chồng không được đặt địu cháu lên lưng và buộc địu cháu cho con dâu, em dâu. Con dâu, em dâu muốn đặt địu cháu phải chạy sang nhờ hàng xóm mặc dù có bố chồng hoặc anh chồng ở nhà ; Bố chồng, anh chồng không được bước chân vào buồng ngủ của con dâu, em dâu kể cả là ban ngày. Trong trường hợp con dâu, em dâu bị ốm mà bố chồng, anh chồng muốn vào thăm thì phải có mặt của mẹ chồng, em dì hay em gái chồng. Thậm chí cháu
khóc, ông cũng không được phép vào buồng con dâu bế cháu mà phải nhờ người khác vào bế cháu ra ngoài hộ; Con dâu không được đi ngang qua trước mặt bố chồng, anh chồng…
Người Tày có tục nhận con nuôi, nhận bạn tồng kể cả trong trường hợp người khác dân tộc. Nhận con nuôi có nhiều dạng, nhiều nguyên nhân như : đỡ đầu ăn học, chữa khỏi bệnh, truyền dạy nghề thầy cúng… Nhận con nuôi nhưng không phải nuôi thực sự. Mặc dù vậy, khi nhà bố mẹ nuôi có công việc bận rộn hay khi gặp khó khăn, con nuôi phải có trách nhiệm giúp đỡ như đối với cha mẹ đẻ của mình. Vào dịp lễ tết con nuôi phải đến lễ tết và có lễ vật cho bố mẹ nuôi. Khi bố mẹ nuôi qua đời, con nuôi phải để tang báo hiếu và có lễ vật hiến tế như đối với bố mẹ ruột. Ngược lại bố mẹ nuôi cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ con nuôi nhưng chủ yếu là về mặt tinh thần. Một dạng khác là nhận con nuôi thực sự hay còn gọi là nhận con thừa tự. Con thừa tự sẽ được đón về ăn ở hẳn tại nhà bố mẹ nuôi, coi bố mẹ nuôi như bố mẹ đẻ. Con thừa tự phải làm mọi nghĩa vụ của một người con và được hưởng mọi quyền lợi như con trai trong nhà bố mẹ nuôi.
Các chàng trai, cô gái người Tày khi gặp bạn cùng giới có thể cùng dân tộc, có thể khác dân tộc nhưng qua trao đổi chuyện trò, đi lại với nhau mà thấy hợp nhau thì họ sẽ kết tồng với nhau. Đôi bạn tồng coi nhau như anh em, chị em ruột thịt và coi bố mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em… của bạn như bố mẹ, chú bác, anh chị em… của mình. Khi kết bạn tồng rồi, họ rất có trách nhiệm với nhau, quan tâm, giúp đỡ chia sẻ buồn vui với nhau. Đặc biệt khi ông bà, bố mẹ của bạn qua đời, họ phải sắm lễ vật hiến tế và để tang báo hiếu như đối với ông bà, bố mẹ mình. Sau này, trải qua nhiều đời, con cháu họ vẫn tiếp tục giữ mối tình thân thiết đó. Tục nhận con nuôi và kết bạn tồng thực sự là một nét đẹp, một nét văn hóa độc đáo, thuần phong mỹ tục của người Tày nơi đây và cũng là cơ sở để tạo nên sự cố kết cộng đồng dân tộc.