2.1. Vì sao nói “thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến”?
- Vì trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.
- Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
2.2. Vì sao nói “Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”?
- Vì 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.
- Thực tế hiện nay đáng cảnh báo vì sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống, VD: truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái ngàn xưa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi bởi thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân; truyền thống trọng tình nghĩa mai một trước chủ nghĩa thực dụng và toan tính....
3. Đánh giá
- Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại
chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông đồng thời có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.
- Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Câu 19: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố.
(Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm)
Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
Gợi ý:
1. Giải thích ý nghĩa câu nói:
- Đời: được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, chỉ cuộc đời nói chung
- Giông tố: chỉ hiện tượng thiên nhiên dữ dội. Giông tố cuộc đời là chỉ những hoàn cảnh thử thách, những đau thương mất mát, những gian khổ nghiệt ngã trong cuộc sống của mỗi con người, rộng ra là cuộc sống của cộng đồng, dân tộc.
- Cúi đầu: là thái độ cam chịu, khuất phục.
- Câu nói của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm khẳng định: cuộc đời mỗi con người có thể trải qua nhiều gian nan nhưng con người không được đầu hàng, khuất phục trước khó khăn, thử thách. Có như vậy chúng ta mới đạt được thành công, hạnh phúc và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu. Bởi thế, cuộc sống luôn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, để đạt được thành công, con người phải vượt qua nhiều chông gai, thử thách.
- Giông tố với những thử thách, gian nan chính là môi trường tôi luyện con người.
- Câu nói trên là tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp – thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra hết sức ác liệt, thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên, sống thật đẹp và hào hùng.
- Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có tinh thần dũng cảm, có nghị lực và bản lĩnh để vượt qua.
- Phê phán những người có thái độ sống ươn hèn, thụ động, không có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
- Trong cuộc sống cũng như trong học tập phải biết vượt lên chính mình, không nên chùn bước trước những khó khăn, bất trắc. Sống cần có lý tưởng, khát vọng và ước mơ.
- Giông tố không chỉ là thử thách với cuộc đời của mỗi con người mà còn là thử thách với một dân tộc. Hãy sống như thế hệ Đặng Thuỳ Trâm, một thế hệ đã dũng cảm vượt qua những bão táp của cuộc đời để đem lại cuộc sống tươi đẹp cho đất nước.
Câu 20:
TẤT CẢ SỨC MẠNH
Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát.
Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng.
Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật
khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của
mình?”.
Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.
“Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”.
Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
(Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains).
Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên.