Kỹ thuật ghép cải tạo

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng và chăm sóc nghề trồng vải nhãn (Trang 44)

C. Ghi nhớ

3. Áp dụng kỹ thuật mới vào cải tạo vườn vải, nhãn

3.3.2. Kỹ thuật ghép cải tạo

- Thời vụ ghép cải tạo: Thường vào vụ xuân và vụ thu. Thời gian ghép thích hợp nói chung vào 2 thời điểm: tháng 4 – 5 và tháng 8 – 9.

Tuy nhiên, nên tiến hành ghép cải tạo ngay sau khi thu hoạch quả 1 tháng (tháng 7 với vải thiều, tháng 8 với nhãn Bắc) sẽ cho tỷ lệ cây sống cao nhất, mầm ghép sinh trưởng phát triển tốt trước khi bước vào vụ đông lạnh.

Với những cây dưới 8 năm tuổi sẽ ra hoa, đậu quả sau ghép từ 17 - 18 tháng; những cây trên 8 năm tuổi sẽ cho vụ quả đầu tiên trên 2 năm sau ghép cải tạo do phải đốn đau để tạo tán mới.

- Tạo cành gốc ghép: Có 2 cách tạo cành gốc ghép

+ Đối với cây dưới 8 tuổi, thấp cây, phân nhánh ít, ở nơi dễ bắc thang, ghế để đứng ghép thì tiến hành ghép trực tiếp trên đầu cành.

+ Đối với cây già cỗi, cây cao, tán lá xum xuê, những cây ở vị trí khó thế đứng để thao tác ghép thì tiến hành cưa cành hoặc thân để tạo chồi trước khi ghép từ trên 3 - 4 tháng. Cưa xong bôi vôi vào vết cắt nhằm tránh sâu bệnh thâm nhập.

Chú ý: Chỉ cưa đốn 2/3 số cành trên cây, còn để lại 1/3 số cành để cây có

thể quang hợp bình thường (gọi là cành thở). Số cành còn lại này sẽ cưa và ghép cải tạo vào vụ sau.

+ Chăm sóc vườn cây trước khi ghép 1 tháng bằng cách cắt tỉa, bón thêm phân, tưới nước đầy đủ. Phòng trừ sâu bệnh tốt nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, cành ghép sớm nẩy chồi và sinh trưởng nhanh.

- Cắt cành ghép từ những cây mẹ khỏe mạnh đã được tuyển chọn, cho năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định trong nhiều năm.

Ví dụ ở Lục Ngạn Bắc Giang đã rất thành công mô hình ghép thay giống vải chín chính vụ bằng các giống chín sớm như: Hùng Long (sớm hơn 15 ngày), Bình Khê (20-25 ngày), Yên Hưng, Yên Phú (15-18 ngày), Phúc Hòa 20-22 ngày) v.v…

Mắt ghép lấy trên các cành bánh tẻ, lá đã thành thục, có độ tuổi từ 50- 120 ngày tuổi.

Hình 12: Ghép cải tạo vải thiều

- Cách ghép: Áp dụng phương pháp ghép đoạn cành (kiểu ghép nêm chẻ lệch) cho cả các cây dưới 8 năm tuổi (ghép trực tiếp đầu cành) và cây trên 8 năm tuổi (cưa đốn để tạo chồi mới rồi mới ghép cải tạo).

Với cây dưới 8 năm tuổi, chọn và định vị trí cành ghép phân bố đều các hướng; không chọn ghép các cành la, cành trệt hoặc các cành ở trung tâm tán. Trên mỗi cây, chọn từ 68 -73% số cành phân bố đều xung quanh tán để ghép.

Dùng kéo sắc hoặc dao nhỏ cắt toàn bộ cành để ghép ở vị trí có đường kính từ 1,2 - 2cm sao cho sau khi ghép bộ tán mới này sẽ có hình bán cầu dẹt, có độ cao hợp lý, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái quả.

Số cành không ghép tạm thời để lại làm “cành thở”. Với cây trên 8 năm tuổi, cưa hết các cành cấp 1 cách mặt đất khoảng 1,5m, chờ cho các chồi mọc đủ tiêu chuẩn (đường kính 1,5 - 2cm) mới tiến hành ghép như cách trên.

Trên mỗi đầu cành đã cưa đốn sẽ nẩy ra nhiều chồi mới nhưng chỉ chọn ghép cho 2 - 3 chồi to, khỏe mọc phân đều về các hướng để làm cành chính, giữ lại các chồi khác nuôi cây đến khi chồi ghép đã phát triển tốt mới loại bỏ hết các chồi không ghép này.

- Chăm sóc sau ghép: Chú ý phòng trừ kiến cắn thủng dây ghép làm hỏng mắt ghép bằng cách phun các loại thuốc trừ sâu thông dụng.

Khi cành ghép đã nẩy chồi, vặt bỏ hết các chồi vượt khác mọc từ gốc ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi cành ghép. Sau khi cành ghép đã nẩy được 2 đợt chồi, bóc bỏ dây nilon cho cây mọc khỏe.

Khi cành ghép đã nẩy được đợt chồi thứ 3, loại bỏ dần các cành không được ghép (cành thở), lúc này bộ tán của cây mới ghép hoàn toàn là giống mới. Trong khoảng 5 - 7 ngày sau ghép chúng ta không nên tưới nước ngay, nếu tưới dễ làm cho chồi ghép bị thối hoặc khó nẩy chồi.

Khi thấy chồi ghép lá đã chuyển sang mầu xanh tiến hành tưới nước, chăm sóc bình thường, đặc biệt nên hòa phân chuồng hoai + 5% đạm urê để tưới cho cây sinh trưởng nhanh. Công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh được duy trì bình thường theo qui trình.

Hình 14a: Mô hình ghép nhãn trên gôc vải thiều (giai đoạn quả xanh) của gia đình ông Lê Thế Hơn ở Hồng Giang Lục Ngạn Bắc Giang.

Hình 14b: Mô hình ghép nhãn trên gôc vải thiều (giai đoạn quả chín) của gia đình ông Lê Thế Hơn ở Hồng Giang Lục Ngạn Bắc Giang.

B. Câu hỏi và bài tập thực hành 1. Câu hỏi

Câu 1: Tính cấp thiết của việc cải tạo vườn đối với người trồng vải, nhãn?

Câu 2: Nêu các nội dung chính của việc cải tạo vườn vải, nhãn?

Câu 3: Trình bày các nguyên tắc về tỉa cành tạo hình cho cây vải, nhãn. Câu 4: Trình bày quy trình kỹ thuật đốn trẻ lại cho vườn cây vải, nhãn. Câu 5: Trình bày quy trình kỹ thuật ghép cải tạo cho vườn cây vải, nhãn.

2. Bài tập thực hành

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng và chăm sóc nghề trồng vải nhãn (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)