Lưới GPS Kẻ Gỗ - Sông Rác được thiết lập nhằm xác định chuyển dịch vỏ Trái đất ở khu vực này. Trên cơ sở ảnh vệ tinh, nền địa chất, kiến tạo và các tài liệu thực địa cùng các nhà chuyên môn trắc địa vị trí các mốc đã được lựa chọn trên bản đồ, với các quan điểm sau:
- Đây là một lưới địa phương có quy mô nhỏ các cạnh có độ dài xấp xỉ 10 km.
- Ưu tiên chọn mốc tại những nơi có đá gốc nhằm đảm bảo loại trừ phần lớn các chuyển dịch do các yếu tố ngoại sinh.
- Có độ thông thoáng tối đa, thuận lợi cho việc thu tín hiệu. - Nằm sát các trục đường lớn, ô tô di chuyển thuận lợi.
- Không quá xa và quá gần khu dân cư, đảm bảo các điều kiện hậu cần, an ninh khi do đạc.
- Ưu tiên nơi có phủ sóng di động, thuận tiện cho việc liên lạc trong các ca đo.
Quá trình khảo sát thực địa và thi công lưới trên cơ sở các tài liệu được tiến hành vào tháng 5 năm 2005.
Số lượng điểm đo GPS và vị trí của chúng đã được cân nhắc, chọn lựa kỹ càng ngoài thực địa, với sự tham gia của các nhà kiến tạo cũng như các nhà trắc địa, nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu nghiên cứu chuyển dịch ở khu vực này bằng công nghệ GPS. Tất cả các dấu mốc đều được làm bằng vật liệu không gỉ (inox), được ngụy trang kỹ để đảm bảo tồn tại lâu dài. Độ thông thoáng được đảm bảo. Bên cạnh đó, trong điều kiện có thể các mốc được chọn không xa khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đo đạc, an toàn lao động và an ninh.
- Điểm RUH1 nằm ở nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
- Điểm XCB1 nằm ở ngã tư chợ Đình, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
- Điểm DKG2 tại đập tràn dốc Miếu, hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
- Điểm NAH1 nằm ở xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Về cơ bản lưới đã được thiết kế với đồ hình hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đã đặt ra. Các mốc đều được thi công cẩn thận, thuận lợi cho việc định tâm cũng như tiến hành đo đạc.
3.1.2 Đo lưới
Lưới GPS được đo vào tháng 7/2005. Quy trình đo cho lưới GPS Kẻ Gỗ - Sông Rác đã được soạn thảo, hướng dẫn thực hiện các công việc đo đạc tại mỗi điểm như: định tâm chính xác anten, hướng anten về phương Bắc, đo độ cao anten, kiểm tra hoạt động của máy trong quá trình thu tín hiệu,... Thiết bị đo là bộ ba máy thu hai tần số Trimble 4000SSi cùng anten hai tần số Compact L1/L2 với đĩa chống nhiễu xạ tín hiệu. Số lượng và độ dài ca đo được quyết định trên cơ sở các khảo sát cũng như kinh nghiệm về độ dài ca đo, chiều dài cụ thể các cạnh lưới GPS, điều kiện vật chất, kỹ thuật hiện có được tiến hành 6 ca đo (Bảng 3.1), với thời lượng mỗi ca 9 giờ. Ca đo bắt đầu vào 8 giờ sáng và kết thúc vào 17 giờ tối. Đây là quãng thời gian mà tại tất cả các điểm lưới các yếu tố đo đạc đều tốt, số lượng vệ tinh từ 4 trở lên, độ suy giảm PDOP đạt dưới 5.
Phương pháp đo tĩnh được áp dụng với các tham số hoạt động của máy thu: Góc ngưỡng cao thu tín hiệu là 10°, tần suất ghi tín hiệu là 15 giây và số lượng vệ tinh tối thiểu là 1. Số lượng đo ít nhất 3 ca tại mỗi điểm không chỉ đảm bảo an toàn đợt đo, làm tăng các trị đo thừa và do đó làm tăng độ chính xác các kết quả đo GPS.
STT DOY Các tệp đo 1 155 XCB2 RUH1 DKG1 2 156 XCB2 RUH1 DKG1 3 157 NAH1 RUH1 DKG1 4 158 NAH1 RUH1 DKG1 5 159 NAH1 XCB2 DKG1 6 160 NAH1 XCB2 DKG1