B. NỘI DUNG
3.1. Phương hướng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên Trường Cao
viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt trong giai đoạn hiện nay
Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xây dựng nhà trường vững mạnh, là cơ sở đào tạo nghề tiêu biểu trong khu vực, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên có năng lực quản lý và chuyên môn đáp ứng được quy mô phát triển trở thành trường dạy nghề trọng điểm và tiên tiến trong hệ thống trường dạy nghề của cả nước. Là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa của Tỉnh Lâm Đồng và khu vực lân cận. Trong đó, công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên phải có sự chỉ đạo sát sao, thống nhất từ Đảng ủy, Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, các phòng chức năng, các khoa đào tạo, cố vấn học tập,... huy động được mọi lực lượng, mọi tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường.
Một là, Giáo dục, bồi dưỡng về lý tưởng, chí khí cách mạng
Giáo dục, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lao động sáng tạo là yêu cầu quan trọng của người lao động trong thời đại mới. Gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay, mỗi học sinh, sinh viên thực hiện tốt yêu cầu này là góp phần thiết thực phục vụ cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Hai là, Giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng
Hồ Chí Minh nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa". Trong thư gửi thanh niên ngày 2-9-1965, Người căn dặn: "Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa".
Ba là, Giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp
Trước hết, phải hình thành cho học sinh, sinh viên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho họ. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của học sinh, sinh viên về sinh hoạt văn hóa tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để học sinh, sinh viên rèn luyện nâng cao kỹ năng thực hành nghề, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt lần thứ II, Nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: Đảng ủy, Lãnh đạo nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để học sinh, sinh viên học tập, rèn luyện. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua học tập rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ vì ngày mai lập nghiệp, và các phong trào văn thể mỹ, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. Tổ chức các chương trình ngoại khóa để giúp học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp cận lý thuyết, thực hành và thực tế nghề nghiệp sau khi ra trường, nắm rõ Luật Lao động, tích cực rèn luyện để trở thành người lao động có tay nghề và người công dân có ích cho xã hội. Có biện pháp để hạn chế thấp nhất trình trạng học sinh, sinh viên vi phạm kỷ luật; nâng cao hiệu quả quản lý nề nếp học tập và rèn luyện đạo đức, tác phong của học sinh, sinh viên.
Đảm bảo tính toàn diện, cân đối giữa lý thuyết và thực hành; giữa nội dung giảng dạy chính khóa với hoạt động ngoại khóa. Hoạt động ngoại khóa đóng vai trò quan trọng vào việc giáo dục lý tưởng, lòng say mê, tình yêu nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trong quá trình đào tạo, các khoa nên chú trọng phát huy tính tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học
của học sinh, sinh viên. Đây chính là những điều kiện giúp học sinh, sinh viên chiếm lĩnh tri thức khoa học và những kỹ năng nghề nghiệp.
Bốn là, Nâng cao thể chất và xây dựng nếp sống văn minh
Môi trường giáo dục có vai trò quyết định hình thành nên nét đẹp văn hóa trong mỗi con người đó chính là môi trường học đường - nơi học sinh, sinh viên cắp sách tới không chỉ để học hành, trau dồi kiến thức cho hành trang vào đời, và còn là nơi diễn ra cách xử sự giao tiếp giữa học sinh, sinh viên với nhau, giữa trò với thầy cô giáo, cách học và tiếp thu kiến thức qua phát ngôn, cách ăn mặc, lối sống... Qua đó cho thấy xây dựng nếp sống văn hóa học đường là văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp thể hiện tính văn minh của hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, các phụ huynh và các học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp.
Xây dựng tiêu chí về nếp sống văn minh học đường trong học sinh, sinh viên. Mở các diễn đàn, trao đổi về lối sống, nếp sống văn minh; tôn vinh, biểu dương những nét đẹp và phê phán những hành vi chưa đẹp trong cuộc sống của học sinh, sinh viên. Tổ chức và tạo cơ hội để học sinh, sinh viên tiếp xúc, trao đổi với các nhà giáo ưu tú, bậc lão thành cách mạng, các anh hùng, cựu chiến binh, các trí thức, văn nghệ sỹ... để nêu gương giáo dục lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên.
Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để giáo dục, định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Phát động các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hội thi, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh trong học sinh, sinh viên.