Phép phong thủy xem hình dạng nước đọng là một phần quan trọng để đánh giá thủy đọng cát tường hay thuộc loại thủy đọng hung họa. Hình dạng thủy đọng thuộc loại thủy đọng cát tường là các hình dạng sau:
1. Dạng thủy đọng có hình vuông
Quan niệm xa xưa của phong thủy nói riêng và thiên văn học nói chung là “trời tròn, đất vuông”. Nghĩa là trời được biểu tượng bằng hình tròn. Và đất được biểu tượng bằng hình vuông.
Với quan niệm triết học Á Đông cổ như thế nên mọi thể hiện trong kiến trúc xây dựng, hội họa, thậm chí cả lĩnh vực tiền tệ có mong muốn trường tồn thường dùng đến hình tượng của “trời tròn và đất vuông”.
Thủy đọng thuộc về đất. Do đó, các loại thủy đọng như giếng nước, ao, hồ, đầm, chuôm, phám có hình dáng vuông là điềm cát tường.
Theo nghĩa trời sinh, đất dưỡng, những gì thuộc về đất mà có hình dạng tự nhiên là dạng hình vuông thì cực quý.
Trong tự nhiên gặp thủy đọng có dạng hình vuông là vô cùng hiếm hoi. Vì vậy, khi muốn có được một dạng thủy đọng theo phép “dụ long” của thuyết phong thủy, người ta thường tạo hình vuông cho một hồ nhân tạo hay cho một giếng trời nhân tạo... Làm như vậy là muốn có được nguồn thủy sinh khí không bao giờ hết. Nó sẽ đem lại sự may mắn cho cả khu dân cư hay cho gia cư.
2. Dạng thủy đọng có hình bán nguyệt
Dạng thủy đọng có hình bán nguyệt cũng là dạng hình thủy đọng quý.
Dạng hình bán nguyệt là hình trăng khuyết. Đó là dạng trăng ở giữa kỳ xung mãn, thanh xuân, theo “thuyết nguyệt thời” trong thiên văn học xưa và cả ngày nay.
Trong quan niệm của phong thủy, thủy đọng có hình bán nguyệt sẽ cho thủy khí lực dồi dào mạnh mẽ. Đó là cơ sở tạo ra một hiệu dụng phong thủy vô cùng hữu ích cho con người và muôn vật. Gặp được một vùng đất, khu đất có đầm, hồ, chuôm, phá có hình bán nguyệt thiên tạo là sự may mắn vô cùng. Đó là vùng đất, khu đất có thủy đọng cát tường, một nơi phong thủy cát tường rất hiếm. Những điểm đất gần kề sẽ được hưởng diễm phúc do “thủy khí lực thanh xuân” ban tặng.
3. Dạng thủy đọng dáng như hình rồng
Dạng thủy đọng có dáng rồng là cực quý. Đó là các hình dạng tự nhiên của hồ, đầm, chuôm, phá. Con người xưa và nay thường không tạo ra các dáng hình rồng cho loại thủy đọng này. Người ta cho rằng làm như vậy là phạm húy (phạm luật tự nhiên). Như vậy nó chẳng những không đem lại điều may mắn mà còn có thể gây tác hại.
Vì vậy những vùng đất, khu đất nào có được dạng hình thủy đọng tự nhiên như dáng rồng là vô cùng quý. Đó là “rồng tàng từ thân phù tá hải hà” (theo thuyết khám dư cổ xưa của Trung Hoa).
Các hình dạng nước đọng nêu trên đó là ba hình dạng của thủy động cát tường. Những vùng đất, khu đất nào gặp được một trong ba hình dạng thủy đọng vừa nêu trong tự nhiên là vô cùng quý. Mọi hình dạng tự nhiên của thủy đọng là sự lưu tồn đã lâu đời. Nó có nguồn thủy khí lực sinh tiềm tàng hùng hậu và luôn ổn định.
Nguồn thủy khí sinh ra từ các dạng thủy đọng là khí của rồng tàng không phát ra dữ dội, mạnh mẽ như khí của rồng động. Do đó dạng thủy động thuộc biểu tượng Thanh long luôn là thủy động cát tường. Khí lực của nó giúp rất nhiều cho con người và vật cảnh xung quanh nơi có các dạng hình thủy đọng cát tường đã nêu.