Nhà máy sản xuất ô tô 3-2 thuộc tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, được thành lập ngày 09/3/1964 trên cơ sở xưởng Chiến Thắng, chuyên sửa chữa xe con cho Ngoại giao đoàn.
Trải qua gần 45 năm kể từ ngày thành lập, Nhà máy đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Có thể tóm lược quá trình phát triển của Nhà máy thành 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn từ 1964-1990: Ban đầu, Nhà máy ô tô 3-2 được thành lập để đáp ứng nhu cầu sửa chữa và sản xuất phụ tùng xe ô tô cho thị trường trong nước, chủ yếu là miền Bắc. Đây là một trong những nhà máy cơ khí ô tô đầu tiên ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ và đã đáp ứng tốt nhu cầu của Nhà nước trong thời kỳ đó.
Thời kỳ đầu, Nhà máy chỉ có dưới 200 cán bộ công nhân viên với vài chục máy móc thô sơ chủ yếu phục vụ việc sửa chữa nhỏ và đột xuất cho các xe trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Với những nỗ lực làm việc hăng say và có nhiều sáng kiến trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, Nhà máy đã được tặng một Huân chương lao động hạng Hai và một Huân chương lao động hạng Ba về thành tích sản xuất và chiến đấu, đặc biệt Nhà máy đã được Bác Hồ và Bác Tôn gửi lẵng hoa khen ngợi và động viên toàn bộ cán bộ công nhân viên.
Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà máy đã tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và phát triển ngày càng lớn mạnh, toàn diện. Từ năm 1975, Nhà máy áp dụng mô hình sản xuất hàng loạt, trở thành nhà máy điểm của toàn quốc, sửa chữa tới 500 xe/ năm. Trong thời gian này, số cán bộ công nhân viên của Nhà máy lên tới 700 người, trong đó số cán bộ khoa học có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tới 10%, số công nhân viên bậc cao đủ các ngành nghề, từ bậc 4 đến bậc 7/7 chiếm 18%. Nhiều loại trang thiết bị tương đối hiện đại đã tạo điều kiện để sản xuất hàng các mặt hàng cơ khí chính xác như Bộ đôi bơi cao áp (năm 1977), các loại xe IFA W50L, máy 3Đ12, Đ12, Đ20,… Diện tích nhà xưởng được mở rộng, có hệ thống kho tàng và đường vận chuyển nội bộ hoàn chỉnh.
Về sửa chữa ô tô, trước đây Nhà máy chuyên sửa chữa các loại xe do các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất như GAT69, Bắc Kinh, Vonga,… thì đến cuối những năm 1980, Nhà máy còn sửa chữa cả các loại xe thuộc các nước tư bản như TOYOTA, NISSAN,… với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật ngày càng cao.
Về sản xuất phụ tùng, Nhà máy có đủ thiết bị và điều kiện công nghệ để sản xuất trên 30 loại phụ tùng cung cấp cho thị trường như: Bộ đôi bơm cao áp các loại, máy Điêzen, doăng đệm các loại, còi điện 12V, gương phản chiếu… Có loại đạt huy
chương vàng trong cuộc triển lãm kinh tế toàn quốc và là sản phẩm duy nhất của ngành giao thông vận tải được cấp dấu chất lượng cấp 1. Sản lượng những năm trước đó đạt trên 40 tấn phụ tùng một năm.
Nhìn chung đây là thời kỳ phát triển hưng thịnh của Nhà máy trong quá trình hình thành và phát triển của mình. Nhà máy ô tô 3-2 đã xây dựng được uy tín và chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, bước vào những năm 1990, do nhiều yếu tố tác động, tình hình Nhà máy có nhiều biến động.
Giai đoạn 1990-1999: Bước sang những năm 1990, cơ chế của nhà nước bắt đầu có sự chuyển đổi, xuất hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều cơ sở sửa chữa của nhà nước, tư nhân hình thành với cơ chế mềm dẻo và thủ tục nhanh gọn đã cạnh tranh mạnh mẽ với Nhà máy. Bên cạnh đó, Nhà máy còn gặp khăn khi máy móc thiết bị cũ kỹ, thiếu vốn và đặc biệt là nhiệm vụ sửa chữa ô tô truyền thống lúc này hầu như không có việc, Nhà máy luôn ở trong tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động, đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng khó khăn, lực lượng công nhân, kể cả thợ bậc cao nghỉ chờ việc chiếm đến trên 50%, vốn tồn đọng lớn, chủ yếu dồn vào lượng vật tư tồn kho, ứ đọng, không tiêu thụ được, nợ ngân hàng kéo dài. Nhà máy đã thực sự đứng trên bờ vực thẳm.
Giai đoạn 1999-nay: Đứng trước tình hình khó khăn của Nhà máy, Đảng bộ và tập thể lãnh đạo Nhà máy đã trăn trở nghiên cứu tìm ra lối đi phù hợp. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, Nhà nước đã cho nhập khẩu một số loại ô tô đã qua sử dụng, Nhà máy đã mạnh dạn nghiên cứu sản xuất thử một số phụ tùng ô tô khan hiếm để phục vụ cho khâu sửa chữa cũng như có thêm mặt hàng mới để bán. Nhà máy cũng đồng thời nghiên cứu đầu tư chiều sâu cho các phân xưởng sửa chữa ô tô; cải tạo, mở rộng mặt bằng sản xuất, đầu tư thêm thiết bị để có thể cạnh tranh với các đơn vị cơ khí khác ngoài thị trường. Ngoài ra, trong thời kỳ này, Nhà máy đã cố gắng tiếp cận với nhiều khách hàng lớn để nhận sản xuất một loạt sản phẩm mới về cơ khí như:
- Sản xuất kết cấu thép của cột điện đường dây 110KV Đa Nhim Đức Trọng, đường dây 500KV.
- Sản xuất ván khuôn, gối đỡ và các loại phụ kiện cho công ty cầu 14.
- Sản xuất giá đỡ kính, mặt sàn, phễu thông gió cho công ty cơ khí Liên Ninh.
- Sản xuất xích công nghiệp cho viện Mỏ- Địa chất.
Hưởng ứng chương trình nội địa hóa xe máy của Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải nói riêng và của Chính phủ nói chung, Nhà máy đã tập trung đầu tư cho chương trình tham gia sản xuất phụ kiện xe gắn máy các loại cung ứng cho thị trường. Để thực hiện nhiệm vụ này, Nhà máy sản xuất ô tô 3-2 đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hàng trăm bộ đồ gá chuyên dùng để sản xuất các loại khung xe máy và gá hàn tổ hợp hàng chục loại khung khác nhau.
Việc sản xuất và lắp ráp ô tô của Nhà máy đã được xác định là một chương trình trọng điểm và lâu dài. Kể từ năm 2000, Nhà máy sản xuất ô tô 3-2 trong điều kiện vừa sản xuất vừa đầu tư, vừa cải tạo sắp xếp bố trí mặt bằng cũ, vừa phải xin đất để mở rộng mặt bằng, đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư 3 dây chuyền bọc vỏ xe ô tô khách từ 26 đến 51 chỗ ngồi, 01 dây chuyển đóng khung xe ô tô, 01 dây chuyền sơn xe. Công nghệ sản xuất vỏ xe khách, sơn xe ô tô khách của Nhà máy hiện đang ở vị trí đứng đầu trong cả nước. Riêng dây chuyền sản xuất ô tô khách từ 25-51 chỗ ngồi đã đạt sản lượng 45 xe/tháng và tiến tới 50 xe/tháng. Sản xuất của công ty đã và đang góp phần phục vụ kịp thời cho nhu cầu vận chuyển hàng khách bằng ô tô trong cả nước. Các loại ô tô khách do Nhà máy sản xuất hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định trong quyết định số 890/QĐ của bộ Giao thông vận tại về xe khách liên tỉnh và xe khách chất lượng cao. Tại Hội chợ hàng công nghiệp Việt Nam năm 2001, các sản phẩm của Nhà máy đã đạt được 2 huy chương vàng.
Các sản phẩm của Nhà máy đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong cả nước. Sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập ngoại, hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng cùng chủng loại từ nước ngoài vào Việt Nam, phát huy truyền thống người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Như vậy, trong các năm đổi mới, Nhà máy đã chuyển dịch cơ cấu sản phẩm và đã vững vàng từng bước đi lên, sản lượng của Nhà máy liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, thu nhập của công nhân được đảm bảo và không ngừng tăng cao.