- Môi trường kinh tế:
Các biến số kinh tế như: tốc đọ tăng trưởng và phát triển kinh tế, sự ổn định về kinh tế, chính sách đầu tư, tiết kiệm của Chính phủ, thu nhập bình quân
đầu người, tỷ lệ xuất nhập khẩu, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, lãi suất… cũng có tác động mạnh mẽ tới đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hoạt động của các ngân hàng thương mại được coi là chiếc cầu nối giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, vì vậy sự ổn địn hay bất ổn, tăng trưởng hay chậm của nền kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng. Một môi trường kinh tế lành mạnh thì các các chủ thể kinh tế hoạt động có hiệu quả và có sự tham gia của các chủ thể kinh tế khác góp phần thúc đẩy quy mô tín dụng lên cao. Ngược lại, nếu môi trường kinh tế có những biến động khó lường hay trong tình trạng khó khăn, các kế hoạch hay dự tính khó có thể chính xác được thì các chủ thể kinh tế sẽ có xu hướng co cụm trong hoạt động của mình hoặc rút vốn khỏi nền kinh tế hay lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính. Chính những điều này làm quy mô tín dụng tụt giảm xuống. Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái và khủng hoảng thì chất lượng tín dụng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến giảm khả năng trả nợ cho ngân hàng, rủi ro vì đó mà tăng lên.
- Môi trường xã hội:
Chất lượng cho vay tiêu dùng của ngân hàng có cao hay không phụ thuộc một phần vào thiện chí trả nợ của khách hàng, vào tính cách của người dân như tính cần cù, trung thực, ham lao động và tằn tiện hay là ưa thích hưởng thụ…
Người dân Việt Nam có thói quen tiết kiệm để mua sắm nhà ở trong tương lai khi có thể và sau đó mới nghĩ đến việc hưởng thụ. Bởi vậy, họ không có tư tưởng vay để sống sung túc trong cảnh nợ nần. Yếu tố thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến cầu vay tiêu dùng. Những người có thu nhập cao thường có thói quen mua sắm hưởng thụ cao hơn.
Xu hướng di dân từ nông thôn ra thành phố cũng là yếu tố tác động đến sự mở rộng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại. Việc tập trung ngày càng đông ở các đô thị cộng với thu nhập cao sẽ đẩy nhu cầu vay tiền thoả mãn việc mua sắm xây dựng nhà cửa tăng lên, mở rộng thị trường cho các ngân hàng thương mại.
- Môi trường pháp lý:
Do đặc thù của ngành Ngân hàng luôn mang tính rủi ro cao và sự đổ vỡ có tính chất dây chuyền, do đó kinh doanh Ngân hàng luôn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Môi trường pháp lý sẽ đem đến cho Ngân hàng những cơ hội mới và cả những thách thức mới. Môi trường pháp lý thường sẽ giúp các Ngân hàng tránh được những rủi ro. Do vậy, một Ngân hàng luôn luôn cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp với những quy định mới, phân tích và dự báo được những xu hướng thay đổi của môi trường pháp luật từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp nhất với xu thế chung, nâng cao khả năng cạnh tranh của Ngân hàng.
- Đối thủ cạnh tranh:
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh là không thể tránh khỏi trong các lĩnh vực kinh tế nói chung cũng như trong hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng. Các đối thủ cạnh tranh rất đa dạng và phức tạp, đó có thể là các đối thủ cũ, cũng có thể là các đối thủ mới xuất hiện hay cũng có thể là các đối thủ tiềm tàng khác trong tương lai. Sự xuất hiện này sẽ dẫn đến thị trường cho vay tiêu dùng bị chia nhỏ. Tuy nhiên, cạnh tranh là để cùng phát triển chứ không chú trọng đến người thắng kẻ thua. Có cạnh tranh mới nhận thấy ưu điểm và nhược điểm của mình và từ đó có những điều chỉnh hợp lý để tồn tại và giữ chân khách hàng cũng như thu hút thêm khách hàng mới.
- Môi trường công nghệ:
Sự ra đời và phát triển của công nghệ hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt của ngành ngân hàng. Công nghệ mới cho phép ngân hàng đổi mới không chỉ quy trình nghiệp vụ mà còn đổi mới cả cách thức phân phối, đặc biệt là phát triển sản phẩm dịch vụ mới như sự phát triển của mạng lưới công nghệ thông tin đã cho phép hàng cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử, có thể phục vụ khách hàng 24/24. Phương thức trao đổi giữa khách hàng và ngân hàng cũng rất nhậy cảm đối với các tiến bộ công nghệ. Trong cạnh tranh, nhà quản trị ngân hàng phải tìm ra những lợi thế về công nghệ của ngân hàng, đánh giá, xác định rõ khoảng cách về công nghệ giữa ngân hàng của mình và ngân hàng đối thủ trong và ngoài nước. Công nghệ ngân hàng càng tốt thì khả năng bảo mật càng cao, tốc độ giao dịch nhanh và chính xác thì càng nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng càng tốt nhu cầu của khách hàng.
- Khách hàng vay vốn:
Khách hàng vay vốn là nhân tố mang tính quyết định đến chất lượng của tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng. Nhân tố này được xem xét dựa trên các mặt như đạo đức của khách hàng, tính trung thực của khách hàng… Đạo đức của khách hàng được đánh giá trên năng lực pháp lý và độ tín nhiệm, đó là yếu tố quyết định đến hành vi trả nợ của khách hàng. Khách hàng phải có năng lực pháp lý để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng. Mức tín nhiệm của khách hàng liên quan đến sự sẵn lòng và thiện chí thực hiện hợp đồng.
Nguồn trả nợ cho ngân hàng trong cho vay tiêu dùng là một vấn đề quan trọng. Đa số thu nhập thường xuyên của khách hàng trong tương lai là nguồn trả nợ chính của khách hàng, khách hàng có thu nhập cao thì việc trả nợ định kỳ
càng ít ảnh hưởng tới các chi tiêu khác, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên của khách hàng, ít ảnh hưởng đến tình hình tài chính của khách hàng và khoản vay càng an toàn. Tuy vậy, thực tế để xác định được thu nhập thường xuyên ở Việt Nam là rất khó khăn vì đa số họ không giao dịch thanh toán qua ngân hàng, giao dịch tiền mặt còn chiếm tỷ trọng lớn. Việc đảm bảo thực hiện tiền vay của khách hàng là thiết lập cơ sở pháp lý để có thêm một nguồn thu nợ thứ hai, giảm nhiều rủi ro cho ngân hàng khi cấp ra một khoản tín dụng. Tài sản đảm bảo là một trong những điều kiện xét duyệt cho vay nhưng không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất để ra quyết định cho vay.