Con cái dễ phát triển lệch lạc do cha mẹ ly hôn

Một phần của tài liệu Thực trạng nguyên nhân giải pháp của hiện tượng ly hôn trong các gia đình việt nam hiện nay (Trang 28)

Hiện tỷ lệ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ không chỉ gia tăng ở các thành thị mà còn có dấu hiệu tăng nhanh tại những vùng nông thôn. Điều đáng buồn là trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ, chồng trong độ tuổi từ 22-30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con. Hậu quả là mỗi năm có hàng nghìn trẻ sống thiếu cha hoặc mẹ do gia đình ly tán. Sau những cuộc chia ly của cha mẹ, những đứa trẻ này thường có phản ứng tiêu cực như tuyệt vọng, đau khổ. Các em thường không tập trung, chán học, sống lặng lẽ khép kín, trầm uất kéo dài, thậm chí tìm đến cái chết.

Theo chị Vũ Thanh Nga - tư vấn viên một trung tâm tư vấn về gia đình: “Đã có

không ít cặp vợ chồng trẻ ly hôn chỉ sau một vài năm hoặc vài tháng chung sống, dù không hề có sự chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống sau ly hôn tạo ra tình trạng khủng hoảng hậu ly hôn kéo dài. Bên cạnh đó, do chưa đủ thời gian tích lũy, tài sản chung rất ít ỏi, sau ly hôn họ chẳng những tổn thất về tinh thần mà còn rơi vào cuộc sống khó khăn về kinh tế.

Việc thiếu kỹ năng sống là một trong những nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly dị. Tôi đã gặp khá nhiều trường hợp vợ chồng trẻ ly hôn là con một trong gia đình. Những người này luôn được đặt ở vị trí trung tâm, được chiều chuộng nên thiếu sự chịu đựng, lòng vị tha. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ ít ngồi nói chuyện bình tĩnh mà vội vã chia tay để tìm hạnh phúc mới”.

Một số cặp vợ chồng trẻ ngày nay chưa cảm nhận được hết giá trị của gia đình thậm chí còn thường xuyên sử dụng từ “ly hôn” để “dọa nhau” mỗi khi xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay nghiêng về lối sống cá nhân nhiều hơn. Họ chủ động kết hôn, chia tay và không ít đôi kết hôn do tìm hiểu vội vã, mới chỉ rung động chứ chưa phải tình yêu. Đến khi khó khăn, sợi dây tình cảm liên kết hai vợ chồng không đủ mạnh để giúp họ vượt qua hoàn cảnh.

Ngoài ra, vợ chồng trẻ ngày nay có đủ điều kiện kinh tế để sống tự lập, nên khi mâu thuẫn, họ rất dễ có tư tưởng ly hôn. Họ không muốn dung hòa mối quan hệ, không biết hy sinh vì nhau và vì con cái. Đến với cuộc sống gia đình, không ít bạn trẻ phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống khi chưa được chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, dễ bị chi phối bởi lối sống thực dụng, nên khi mâu thuẫn phát sinh không biết giải quyết. Hơn nữa, không ít cặp vợ chồng trẻ chưa có cái nhìn nghiêm túc về quan niệm hôn nhân, bốc đồng trong chọn lựa, khi lấy nhau vợ hoặc chồng chưa có công ăn việc làm, nên khi có con nhỏ, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn dẫn đến va chạm. Mặc dù các bậc cha mẹ thường sáng suốt, trải nghiệm hơn con cái nhưng không phải lúc nào và bạn trẻ nào cũng biết nghe lời bố mẹ, hoặc tham khảo ý kiến của bố mẹ.

Hiện ở Việt Nam đã xuất hiện những lớp học về tiền hôn nhân do các trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục tổ chức. Nhưng những lớp học này chỉ là những buổi thảo luận nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa phổ biến. Các lớp học trang bị cho giới trẻ những kiến thức về hôn nhân, nuôi dạy trẻ, về giao tiếp trong gia đình. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn, các bạn trẻ cần trang bị kiến thức nghề nghiệp, thu nhập ổn định.

Song điều cốt lõi là nằm trong khả năng giáo dục của mỗi gia đình. Nếu như gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức thì nguy cơ đổ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn. Và điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cặp vợ chồng phải biết nghĩ về nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của truyền thống gia đình.

Theo bà Đặng Thị Bích Nga - Chánh án TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội:

“Nguyên nhân khiến tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi còn trẻ ngày càng tăng là

do họ kết hôn khi còn thiếu kiến thức về gia đình nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân họ thường lúng túng, không biết giải quyết thế nào nên cứ mâu thuẫn là nghĩ đến ly hôn. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường như nghiện hút, mại dâm cờ bạc… đã gây tan vỡ nhiều gia đình. Có rất nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng trẻ ly hôn, song nhiều khi cũng chỉ vì những điều nhỏ nhặt như không thỏa thuận được nơi cư trú, không hợp ăn uống.

Ly hôn sẽ để lại những hậu quả không nhỏ như kinh tế bị chia sẻ, thất thoát, các bên đều bị thương tổn về tinh thần và nghiêm trọng nhất là sự ảnh hưởng xấu đến con trẻ, khiến chúng phát triển lệch lạc. Thực tiễn công tác xét xử thời gian qua cho thấy, hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội đều có hoàn cảnh gia đình không thuận hòa, bố mẹ không đầy đủ”…

Ly hôn, tuy hậu quả trực tiếp thuộc về các cặp vợ chồng, nhưng đối tượng bị tác động nặng nề lại là con trẻ. Những đứa trẻ không được sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ dễ trở thành trẻ em lang thang, trộm cắp, bị phát triển lệch lạc về thể chất và tinh thần. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, trước khi kết hôn, các bạn trẻ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, tránh tình trạng yêu nhanh, cưới nhanh rồi… bỏ sớm!

Một phần của tài liệu Thực trạng nguyên nhân giải pháp của hiện tượng ly hôn trong các gia đình việt nam hiện nay (Trang 28)