* Lựa chọn thị trường mục tiêu
Bất kỳ một công ty nào khi tham gia vào thị trường, dù công ty sản xuất hay công ty thương mại, để kinh doanh đạt hiệu quả thì điều tiên quyết đầu tiên là phải xác định chính xác thị trường mục tiêu.
Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu và Phân Phối Chuyên Nghiệp Toàn Cầu, việc xác định rõ thị trường xuất khẩu mục tiêu là tiến trình đầu tiên mà ban giám đốc công ty nhất thiết phải đánh giá, cân nhắc và lựa chọn đúng đắn. Công ty phải chắc chắn xuất khẩu vào thị trường nào? xuất khẩu những mặt hàng gì? Thị trường xuất khẩu đó sẽ mang về lợi nhuận cao cho công ty?
Những năm gần đây, thị trường xuất khẩu mục tiêu công ty hướng vào là thị trường Trung Quốc với tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, với các mặt hàng chủ lực như gạo, gỗ và các sản phẩm về gỗ... Tuy nhiên, trong các năm tới công ty dự định xâm nhập và khai thác sâu hơn các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… ngoài thị trường Trung Quốc.
Sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, công ty đã tạo dựng được các mối quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác trên trường quốc tế với phương châm kinh doanh theo đúng các thoả thuận đã cam kết trong hợp đồng, linh hoạt trong quá trình trao đổi, giao hàng đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng số lượng, chất lượng cao, mẫu mã hấp dẫn…
Bên cạnh việc xác định rõ thị trường tiêu thụ, căn cứ vào đặc điểm từng khu vực thị trường, hành vi tiêu dùng từng quốc gia, công ty tiến hành phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, quy định quản lý ngoại hối và thuế suất đối với từng mặt hàng cũng như đặc tính mẫu mã, bao bì, kích thước, màu sắc…của sản phẩm nhằm theo kịp thị hiếu người tiêu dùng, tuân thủ các quy định về pháp luật, thích nghi đặc điểm văn hoá của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, khi tiến hành xâm nhập vào thị trường mới, công ty luôn nghiên cứu cụ thể về tình hình cạnh tranh, về đối thủ cạnh tranh. Công ty khẳng định nhất quán: đối thủ cạnh tranh của công ty trên thị trường là ai? điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh? Khả năng tài chính của đối thủ cạnh tranh? Thị phần chiếm lĩnh trên thị trường? Giá hàng hoá cùng loại mà công ty đang kinh doanh? Uy tín của đối thủ cạnh tranh trong tâm trí khách hàng?…
Tuy nhiên, các thông tin mà công ty thu thập phần nhiều là các thông tin thứ cấp như thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, thông tin từ Bộ Thương Mại hay những thông tin thu thập từ báo, tạp chí, mạng Internet, hội chợ triển lãm, hội thảo...hay xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của ban lãnh đạo công ty mà ít thực hiện những cuộc nghiên cứu thị trường xuất khẩu chính thức và chuyên sâu. Đây chính là mặt yếu của công ty do xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do không đủ khả năng tài chính để đầu tư cho các cuộc nghiên cứu thị trường quy mô lớn và thường xuyên, do không đủ năng lực, do không có đội ngũ cán bộ marketing chuyên nghiệp…
* Chủng loại sản phẩm:
Ngày nay, thị trường luôn luôn có những biến động nhanh chóng, với những nhu cầu mới phát sinh hàng ngày hang giờ mà nếu không bắt kịp sự thay đổi đó kinh doanh thật khó thành công.
Việc lựa chọn các mặt hàng xuất khẩu của công ty được xây dựng trên những cơ sở nhất định sau:
+ Chính sách xuất nhập khẩu của Nhà Nước: Nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chính phủ đã thiết lập hệ thống chính sách xuất nhập khẩu ngày một hoàn thiện hơn. Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện và khả năng tham gia xuất nhập khẩu trên tất cả các ngành hàng theo quy định của Nhà Nước. Chính thế, công
ty có cơ hội thuận lợi tham gia xuất khẩu một cơ cấu mặt hàng đa dạng như vậy.
+ Thế mạnh của nguồn hàng trong nước.
- Hàng dệt may: Dệt may là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn, thu hútđược sự quan tâm của các bạn hàng trên thế giới đặc biệt là Nhật Bản và Khối EU.
- Gỗ: gỗ là một trong những tài nguyên quý của nước ta với nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế lớn như lim, sến, táu, trầm hương…
- Sản phẩm chế biến từ gỗ: đây là mặt hàng chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và chiếm tỷ trọng xuất khẩu đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty nhất là hàng thủ công mỹ nghệ.
- Gạo: từ một nước đói nghèo, hiện nay Việt Nam đã trở thành quốc gia có sản lượng lúa gạo xuất khẩu đứng thứ 2 trên Thế giới. Cho nên, gạo là mặt hàng xuất khẩu đầy triển vọng mà công ty quyết định chọn lựa trong danh mục hàng hoá xuất khẩu.
+ Nhu cầu thị trường xuất khẩu: Bằng các công cụ nghiên cứu khác nhau, công ty nắm bắt nhu cầu khách hàng tại từng thị trường, từ đó quyết định mặt hàng xuất khẩu thích hợp. Chẳng hạn:
Thị trường EU: mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công may mặc. Thị trường Trung Quốc: mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Thị trường Mỹ: mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo và các sản phẩm gỗ. Thị trường Châu Á: mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo và lạc nhân.
* Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu để khách hàng nhận biết và phân biệt sản phẩm xuất khẩu của công ty với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời khẳng định uy tín
của công ty trên thị trường đối với người tiêu dùng. Hiểu rõ tầm quan trọng của nhãn hiệu nên ngay từ khi gia nhập thị trường xuất khẩu công ty cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, tên nhãn hiệu thương nghiệp của công ty được in trên tất cả các sản phẩm xuất khẩu. Hay tên sản phẩm chứa đựng đầy đủ các thông tin cần thiết về sản phẩm để khách hàng dễ đọc, dễ nhận biết, dễ lựa chọn.
* Chất lượng sản phẩm:
Hàng hoá không thể được thị trường chấp nhận nếu không đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng tốt nhất. Đối với một số quốc gia tiên tiến, vấn đề chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu như Mỹ hay EU…Vì lẽ đó, muốn nâng cao doanh số xuất khẩu hàng hoá phải đồng hành nâng cao chất lượng mặt hàng. Đề cử như mặt hàng may mặc, các sản phẩm công ty mua về luôn đảm bảo chất liệu sợi vải đạt tiêu chuẩn quốc tế, đó là sợi tự nhiên hay sợi hoá học nhưng không gây độc hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Hay như mặt hàng gạo, các loại gạo xuất khẩu luôn đạt tiêu chuẩn về độ tấm và đảm bảo không sạn…