6.2.HÌNH THỂ TRẠNG THÁY CÁC MẠCH

Một phần của tài liệu D:tự học bắt mạch đoán bệnh.doc (Trang 31)

Hình thể hiển nhiên hữu hình. Trạng tháy mù mờ không nhất định, vô hình. Vậy mạch có cả hữu hình và vô hình.

Khi ta để tay xem đường mạch ở Thốn khẩu, nhận định hình thể mạch nhỏ to dài ngắn dầy mỏng, cứng mềm và trạng thái khoan hòa hay cấp bách, lơ mơ hay rõ ràng cùng đường đi nước bước của nó nổi chìm, chậm mau, liên tục hay gián đoạn thế nào để biết là mạch gì.

Ta học mạch cần phải suy rộng nghĩa từng tên mạch cho rõ ràng. Mỗi tên mạch đều có nghĩa chính, nghĩa phụ, nghĩa bóng v.v…Có suy tìm mới mau hiểu và hiểu chính xác. Vì tên mạch đều bằng chữ Hán (Nho) mà lại hiểu ra tiếng Nôm, rất dễ bị lầm. bài này nói đến 28 mạch (kể cả mạch Tuyệt).

6.2.1.MẠCH PHÙ

Phù là nổi. Vật nhẹ thì nổi phồng lên trên, như gió thổi phồng.

Mạch Phù nổi như gió thổi, gió thổi mạnh thì đi nhanh, đi gọn trong ống mạch, nổi cao mà thẳng. Gió thổi yếu thì đi chậm, đi mở rộng ra hai bên ống mạch, không nổi cao mà lại bè ra dèn dẹt.

Mạch Phù nổi lên dưới làn da, trên thịt (nơi da thịt giáp nhau), để nhẹ ngón tay xem đã thấy sức mạch đi đẫy đà (hữu dư), mà ấn nặng ngón tay xuống thì không thấy gì, dù có thấy cũng rất yếu ớt (bất túc).

Mạch Phù chủ bệnh ngoại cảm, phong: phong nhiệt, phong hàn, phong đàm, phong thấp, phong độc v.v…

6.2.2.MẠCH TRẦM

Trầm là chìm, vật nặng thì chìm xuống như đá nặng thì chìm sâu.

Mạch trầm chìm như đá nặng. Đá nặng nhiều thì chìm sát xương, đá nặng vừa thì chìm lơ lửng trên xương.

Mạch trầm chìm xuống đi dưới thịt, trên xương (nơi thịt xương giáp nhau), ấn nặng ngón tay xuống thì sức mạch đi mạnh chắc (hữu dư), mà nâng ngón tay lên thì sức mạch đi yếu, hầu như không có (bất túc).

Xem hai mạch phù trầm căn cứ vào để nhẹ tay, ấn nặng tay mà biết. Nhẹ tay đã thấy mạch phù, nặng tay mới thấy mạch trầm.

So sánh 2 mạch phù trầm. Phù nổi không chìm (phù bất trầm). Trầm chìm không nổi (trầm bất phù). Phù hữu dư, Trầm bất túc. Phù thuộc phong, bệnh ở biểu, là dương. Trầm thuộc khí huyết, bệnh ở lý, là âm.

Mạch trầm chủ bệnh khí. Khí trầm tích không lưu hành thông hoạt là bệnh : Khí thống, khí uất, khí nhiệt, khí hàn, khí tích, khí trệ, khí nghịch v.v…

6.2.3.MẠCH TRÌ

Trì: là chậm, sức mạch đi chậm chạp. Cứ một hơi thở (thở ra hít vào là một hơi, tên chữ là “nhất tức”) của thầy thuốc, Mạch của người bệnh đi đến dưới ngón tay thầy thuốc 3 lần, có khi chậm quá chỉ đếm 2 lần (nhất tức tam chí hay nhị chí). Khi mạch đi chậm phải nhận biết là phù án chậm hay trầm án chậm hoặc cả phù trầm đều chậm. Mạch trì chủ bệnh Hàn. Bởi dương khí suy hư, tức chân hỏa yếu kém, làm trong bụng hàn mà ngoài da cũng cảm hàn (biểu lý đều hàn).

6.2.4.MẠCH SÁC

Sác: là mau, là luôn luôn. Sác mạch đi luôn luôn mau lẹ. Cứ một hơi thở của thầy thuốc, mạch của người bệnh đi đến dưới ngón tay thầy thuốc 6 lần (nhất tức lục chí). Khi mạch đi nhanh phải nhận biết là Phù án hay Trầm án nhanh, hay cả phù trầm đều nhanh. Xem hai mạch Trì Sác, căn cứ vào hơi thở với số mạch đến nhiều ít mà biết : Tam chí là trì, lục chí là sác.

So sánh hai mạch trì sác:Trì chậm không nhanh, Sác nhanh không chậm. Trì bất cập, Sác thái quá.

Trì là bệnh hàn ở tạng, thuộc âm, Sác là bệnh nhiệt ở phủ, thuộc dương.

Mạch Sác chủ bệnh nhiệt, nhẹ thì toàn thân nóng nảy bứt rứt, nặng thì Tâm buồn phiền phát cuồng loạn.

Phù Trầm Trì Sác 4 mạch này đã nói lên đủ cả âm dương, biểu lý, hàn nhiệt. Các mạch sau đây, sức mạch đi tuy có khác nhưng cũng không ra ngoài cái lý âm dương- biểu lý-hàn nhiệt ấy. Cho nên 4 mạch này là tiêu chuẩn để xem tất cả các mạch nói sau. Vây ta nên suy xét tìm hiểu 4 mạch đầu này cho tinh kỹ, các mạch sau rất dễ hiểu.

6.2.5.MẠCH HOẠT

Hoạt: là trơn tuồn tuột. Sức mạch đi tuồn tuột mau chóng như chuỗi hạt châu lăn tuồn tuột ở dưới tay, trơn tuột không rít rịt (thực ra chỉ 1 hay 2 hạt mà thôi, không có một chuỗi. Xem bài Định Ninh tôi xem mạch ở phần phụ lục và xem mạch Động số 21 mà so sánh).

Mạch Hoạt chủ bệnh Đàm. Máu và nước cùng những chất nhựa của thức ăn theo khí dẫn ngược lên úng kết lại làm đàm.

6.2.6.MẠCH SÁP (SẮC)

Sáp, Sắc cũng là một, đồng nghĩa rít rìn rịt (đừng hiểu lầm Sắc là bén, sắc sảo). Sức mạch đi trì trệ, rít rịt tựa như dựng đứng lưỡi dao, cạo vào ống tre, nó rít rịt không trơn. (Biết rằng nó kéo dưới ngón tay ta từng vết, từng vết rít rịt, chứ không có tiếng kêu). Xem hai mạch Hoạt, Sáp căn cứ vào sức mạch đi trơn hay rít mà biết. Hoạt trơn không rít. Sáp rít không trơn. Hoạt hữu dư, Sáp bất túc.

Mạch Sáp chủ về Tinh Huyết suy kiệt. Nam nhân có mạch Sáp, phòng lao quá, tinh suy kiệt. Nữ nhân có mạch Sáp, Huyết trì trệ ứ đọng hay băng lậu. Nếu khi mang thai mà có mạch Sáp thì trong thai thiếu máu, thai bị đau.

6.2.7.MẠCH ĐẠI

Đại là to lớn. Sức mạch đi Phù án thì như nước nổi lên tràn đầy dưới ngón tay ta, mà trầm án thì lại lan rộng ra mà mềm yếu đi, tức là phù án thì hữu lực, mà trầm án thì vô lực.

Mạch Đại chủ bệnh đang phát nặng. Vì khí huyết suy không đử sức chế ngự Tà khí, Tà khí mạnh hơn Khí huyết thì bệnh phát nặng.

6.2.8.MẠCH HOÃN

Hoãn là thong thả hòa hoãn. Sức mạch đi thong thả hòa hoãn, một hơi thở mạch đến 4 lần (nhất tức tứ chí).

Xem 2 mạch Đại Hoãn căn cứ vào sức mạch đi “đẫy đà hơi gấp và êm dịu khoan hòa” mà biết. Đại to không nhỏ. Hoãn khoan hòa không gấp.

So sánh 2 mạch Đại Hoãn: Đại thì Tà khí thắng Chính khí, nghĩa là tà khí đang

là dữ nên mạch to lớn. Hoãn thì Chính khí đã thắng tà khí, nghĩa là chính khí đã trở lại, tà khí phải rút lui, nên mạch êm dịu. Đại to lớn, khác hẳn mạch Tế, mạch Vi. Hoãn tứ chí, nhanh hơn Trì tam chí, chậm hơn Sác lục chí.

Mạch Hoãn chủ 2 loại bệnh theo thời gian:

- Trong khi mắc bệnh hàn hay bệnh nhiệt gì đó đang làm dữ mà xem thấy mạch Hoãn là tà khí đã thoái, Chính khí đang hổi phục, tức bệnh sắp khỏi.

-Khi bình thường không bệnh mà xem thấy mạch Hoãn thì lại là Khí huyết hư không đủ vinh dưỡng ra ngoài thân thể sẽ làm da thịt dộp khô tê cứng.

Phù, Trầm, Trì, Sác 4 mạch cốt yếu nói trên là tiêu chuẩn để xem các mạch khác cho biết bệnh. Nhưng nếu nhận thấy còn cao sâu khó hiểu, xem thêm 4 mạch Hoạt Sáp Đại Hoãn này nữa cho thông hiểu hơn. Nói chung tất cả 8 mạch Phù, Trầm, Trì, Sác, Hoạt, Sáp, Đại, Hoãn đều là cốt yếu, đều là tiêu chuẩn để xem các mạch nói sau.

Một phần của tài liệu D:tự học bắt mạch đoán bệnh.doc (Trang 31)