Tuy thời gian chúng tôi tham vấn cho phụ huynh chỉ có 9 buổi, nhưng nhờ sự cố gắng của phụ huynh, sau gần 3 tháng thực hiện các biện pháp trên
hiện tại T.D đã hết lắc đầu, em ngoan ngoãn, lễ phép, tập trung trong học tập, không yêu thích trò chơi liên quan đến rô bốt và siêu nhân, chữ viết đẹp và nắn nót hơn. Cụ thể những kết quả thu được như sau:
Kết quả thực hiện biện pháp 1.
Tại phòng khách, bố mẹ không để máy tính nối mạng. Tại phòng của T.D, bố mẹ đã cùng T.D trang trí góc học tập, thay đổi bàn bàn ghế phù hợp với độ tuổi và chiều cao của T.D, khuyến khích T.D tự giác thu gọn đồ chơi : rô bốt, siêu nhân, thẻ bài, không để lộn xộn bừa bãi quanh phòng, tháo dỡ tivi trong phòng T.D.
Thời gian sinh hoạt của gia đình: phụ huynh đã hạn chế thực hiện thói quen sinh hoạt theo sở thích cá nhân, bố không dành thời gian ra ngoài uống bia cùng bạn bè, dành thời gian chơi cùng con khi mẹ nấu ăn. Bố mẹ tập cho T.D thói quen tự giác ngồi ăn cơm cùng với gia đình. Bố mẹ chơi với T.D, cùng T.D học bài và làm bài tập về nhà, trò chuyện với hai con vào buổi tối cuối tuần ( Hình ảnh 11, Phụ lục 1. Qua những buổi trò chuyện cuối tuần giúp T.D điều chỉnh ngôn ngữ, thái độ và cách ứng xử của mình với ông bà, bố mẹ, và em trai. Quy định lại thời gian đi ngủ hàng ngày và thời gian thức giấc. Cả gia đình hạn chế sử dụng tivi, hạn chế sử dụng tivi trong phòng ngủ, bố mẹ không dùng tivi và máy vi tính khi con đang học bài.
Bố cùng T.D xem phim hoạt hình, khi xem phim bố thường đưa ra câu hỏi tập trung vào nội dung vừa xem. Bố mẹ hướng cho T.D xem những bộ phim hoạt hình về chủ đề gia đình, chủ đề môi trường… hạn chế cho T.D xem những bộ phim có nội dung siêu nhân, rô bốt và những cảnh hỗn chiến. Bố mẹ, cũng giới hạn thời gian xem phim hoạt hình của T.D bằng cách, cùng bố mẹ làm việc sau đó bố mẹ sẽ cùng con xem.
Cuối tuần, ông bà, bố mẹ đưa hai anh em đi chơi công viên chơi các trò chơi như đạp vịt, đi tàu lửa…, đi chơi vincom, cho T.D chơi trò: ô tô đụng, đua xe…. Những ngày cuối tuần bố mẹ bận, ông sẽ chơi cờ vua với T.D, ông
còn dạy T.D chơi cờ tướng, ông cho biết “ tuy không biết chơi nhưng cháu rất thích”, ( Hình ảnh 12, Phụ lục 1). Khi chơi cờ tướng với ông, T.D vẫn lắc đầu và không ngồi yên một chỗ, em luôn ngọ nguậy và không mấy tập trung trong khi chơi, nhưng em vẫn cố gắng cùng ông chơi hết ván cờ, sau đó yêu cầu ông chơi tiếp.
Ông bà đã hạn chế thời gian xem tivi của mình, bà ngoại không bật máy vi tính để chơi điện tử, cả ông bà cùng kiểm soát thời gian xem phim hoạt hình của cháu. Ông bà thực hiện giới hạn thời gian xem phim hoạt hình của T.D, đưa T.D và em trai ra ngoài chơi, hạn chế thời gian ở nhà.
Kết quả thực hiện biện pháp 2.
Với biện pháp này mẹ tiến hành chuẩn bị sẵn khung thời gian biểu, bố và mẹ định hướng cho T.D xác định những công việc em cần làm trong một ngày, với thời gian bao lâu thì phù hợp. Sau đó bố, mẹ và T.D cùng thảo luận và thống nhất xây dựng một thời gian biểu về thời gian học tập, xem tivi, vệ sinh cá nhân và ăn uống hàng ngày của T.D. Đồng thời, phụ huynh và T.D xây dựng bảng thành tích, với nguyên tắc: Khi T.D thực hiện tốt một nhiệm vụ trong thời gian biểu mà không cần nhắc nhở sẽ được tíc một dấu x vào bảng thành tích. Cuối tuần sẽ tổng kết một lần, tùy vào bảng thành tích sẽ được thưởng, nội dung những phần quà sẽ là được đi chơi cuối tuần cùng bố mẹ, tùy thuộc vào thành tích bố mẹ sẽ đưa ra các địa điểm cho T.D lựa chọn. Bố, mẹ sẽ là người luôn luôn khuyến khích T.D thực hiện đúng nội dung đã được nêu trong thời gian biểu và yêu cầu về số lần tíc ( x) vào bảng thành tích của mỗi ngày và tuần sẽ khác nhau.
Theo mẹ cho biết, thời gian đầu T.D chưa thực hiện được đúng như thời gian biểu, mẹ và bố vẫn luôn phải nhắc nhở T.D thực hiện. Phải mất khoảng 1 tuần nhắc nhở và động viên T.D mới tự giác. Buổi thứ 7 khi đến, tôi nhận thấy T.D đã tự giác hơn rất nhiều, không còn bật tivi khi tôi đến như những buổi trước, thay vào đó, T.D đã tự mình chuẩn bị sẵn bàn cờ ô ăn quan và hai
tờ giấy và yêu cầu tôi chơi ô ăn quan với em. Sau đó tôi cùng T.D và bố mẹ chơi ô ăn quan và chơi cờ vua. Ngạc nhiên lớn nhất trong buổi này chính là T.D đã hết lắc đầu. Bố mẹ cho biết thỉnh thoảng khi mẹ bận quá T.D cũng có xem phim hoạt hình nhưng yêu cầu mẹ hẹn giờ, T.D đã tự giác, chủ động hơn trong sinh hoạt cá nhân của mình.
Kết quả thực hiện biện pháp 3.
Phụ huynh nhận ra sai lầm của mình khi dùng biện pháp đe nẹt và đòn roi để ngăn cấm hành động lắc đầu của T.D, ngăn cấm T.D chạy nhảy, đùa nghịch giả làm siêu nhân. Giờ đây thay vì đe nẹt và dùng đòn roi, cả bố và mẹ đã nhẹ nhàng khi trò chuyện cùng T.D, dành thời gian chơi với T.D, kiên nhẫn dạy con chơi trò chơi ô ăn quan, chơi cờ ca rô, chơi cờ vua…
Tập chơi trò ô ăn quan: Buổi đầu tiên trò chơi ô ăn quan, ban đầu T.D không chú ý quan tâm chỉ tập trung chơi với rô bốt trái cây của mình. Khi đó tôi và bố mẹ em chơi, bất ngờ sau T.D lại gần và yêu cầu tôi dạy em cách chơi. Sau đó bố, mẹ tổ chức và hướng dẫn T.D cách chơi, nêu luật chơi và chia đội : bố và T.D một đội, mẹ một đội. Bố là người định hướng cách đi cho T.D, tôi đưa cho mẹ T.D và T.D mỗi người một tờ giấy để ghi kết quả mỗi lượt chơi: người thắng, tổng số quân thắng, tổng số quân nợ… Với trò chơi này, T.D ngồi tập trung hết thời gian, bố mẹ ngạc nhiên vì em có thể tập trung và hứng thú lâu như vậy. Sau 1 tuần gặp lại tôi, T.D chủ động đề nghị tôi chơi ô ăn quan với em.
Mẹ cho biết: mỗi tối trước khi đi ngủ T.D luôn yêu cầu bố, mẹ cùng chơi ô ăn quan với em. Như vậy chúng tôi đã dần thành công với biện pháp này vì đã có thể hút T.D ra khỏi thế giới trò chơi và phim hoạt hình với rô bốt, siêu nhân hàng ngày.
Vừa chơi vừa học: thông qua trò chơi khuyến khích T.D làm bài tập về nhà. Bố, mẹ đã bớt thời gian cá nhân dành thời gian chơi và học cùng với T.D, mẹ chú ý sửa các lỗi chính tả cho T.D, mẹ tổ chức cho T.D và bố cùng
tập viết xem ai đẹp hơn và mẹ là trọng tài và chấm điểm cho hai bố con. Khi được biết bố sẽ thi viết với em, T.D rất hào hứng xung phong lấy giấy và bút, trong thời gian tập viết T.D luôn cố gắng nắn nót, T.D chủ động yêu cầu hai bố con trao đổi bài cho nhau để chấm trước, em chăm chú đọc bài của bố để tìm lỗi sai, nhận xét và so sánh chữ của bố với chữ của mình. Sau đó T.D xem lại bài của mình sai ở chỗ nào, rồi mới đưa cho mẹ chấm điểm.
Mẹ cũng đăng ký cho T.D tham gia lớp luyện chữ thời gian từ 18h – 19h30 vào chiều thứ 7 hàng tuần. Theo mẹ cho biết, khi tham gia lớp luyện chữ, T.D rất vui và cười tươi suốt buổi tối khi được cô giáo khen con có tiến bộ. Mỗi ngày khi kết thúc giờ học T.D thường không muốn về nhà ngay mà thường ở lại chơi cờ vua với các bạn.
Hiện tại chữ viết của T.D rất đẹp và nắn nót ( Hình ảnh 13. Phụ lục 1).
Chữ của T.D khác rất nhiều so với chữ viết trước đó, Không còn lỗi sai chính tả hay kiểu chữ viết vội và ẩu ( Hình ảnh 5 và 10. Phụ lục 1). Cho thấy em đã cẩn thận hơn, tập trung hơn trong học tập, rèn luyện được khả năng tập trung và kiên trì trong tập viết.
Hiện tại, Cô giáo chủ nhiệm cũng nhận xét và khen ngợi T.D đã có tiến bộ, tập trung hơn trước, không còn hành động lắc đầu và ít khi thấy T.D dùng tay chơi như trước đây. Đặc biệt tuy các bạn khác vẫn chơi thẻ bài, nhưng T.D không còn mang theo thẻ bài nữa và các học sinh khác cũng ít chơi thẻ bài hơn vì T.D không chơi.
Kết quả thực hiện biện pháp 4.
Phụ huynh đăng ký cho T.D tham gia lớp học cờ vua trong khung thời gian từ 18h – 19h30 phút vào thứ 2, 4, 6/tuần, địa điểm gần nhà. Khi đưa ra biện pháp này T.D đồng ý ngay và chờ đợi đến ngày được đi học.
Với biện pháp này sẽ giảm bớt thời gian xem phim hoạt hình của T.D, dần dần T.D sẽ quên phim hoạt hình và các nhân vật hoạt hình ưa thích trước kia, thay vào đó là các trò chơi lành mạnh. Bởi lẽ thông thường, thời gian em
xem phim hoạt hình là từ 17h - 21h mỗi ngày và với thời gian học cờ từ 18h – 19h30 sẽ giảm được rất nhiều thời gian xem phim hoạt hình. Sau khi đi học về T.D sẽ dành thời gian khoảng 1 tiếng để chuẩn bị cho giờ học cờ, thay vì tập trung ngồi xem phim hoạt hình. Thời gian học cờ là 1,5 tiếng, tính trung bình chúng ta có thể giảm được 1,5 tiếng xem phim hoạt hình của T.D. Với một trường hợp nghiện phim, khi giảm được 1,5 tiếng/ngày sẽ giúp ích đáng kể cho quá trình “cai nghiện”. Khi chơi cờ vua, T.D sẽ được rèn luyện thói quen tập trung chú ý, hạn chế sự hiếu động và những lời nói của các nhân vật trong phim hoạt hình: “ bắn, giết, chém”…
Mẹ cho biết, ở nhà có sẵn một bộ cờ vua, T.D đã nhiều lần muốn bố dạy nhưng vì bố không có nhiều thời gian nên hàng ngày T.D vẫn mải mê với phim hoạt hình và chơi các trò chơi rô bốt, siêu nhân, thẻ bài thay vì tự chơi các trò chơi khác. Bây giờ được đi học, được thi đấu với các bạn, T.D rất thích. “ Có nhiều hôm bố/mẹ đến đón nhưng phải ngồi đợi chơi hết ván cờ với các bạn rồi mới chịu về.
Sau một thời gian thực hiện biện pháp này : bố, mẹ cho biết T.D được chọn tham gia giải đấu cờ vua với các bạn cùng trường, và là một trong 3 học sinh đại diện cho khối 1, tham gia thi cờ vua giải U11 do Quận tổ chức ( Hình ảnh 14, Phụ lục 1) Khi tham gia thi đấu em không còn biểu hiện lắc đầu, rất tập trung suy nghĩ, đặc biệt em có thể ngồi yên trong thời gian 60 phút mà không phải đứng dậy hay ra ngoài như mọi lần khác.Tham gia cuộc thi tuy không đạt giải cao nhưng tôi nhận thấy giờ đây T.D rất hứng thú đi học và tập trung hơn trong học tập, trong viết bài.