Sau thời gian quan sát và ghi chép lại hành động, biểu hiện của T.D, tôi đã thực hiện tham vấn cho phụ huynh. Trong 3 buổi đầu tiên tôi đã tiếp xúc,
trao đổi với phụ huynh giúp phụ huynh giải tỏa cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ về hình ảnh đứa con hư và thu thập những thông tin cần thiết từ phía phụ huynh, đồng thời quan sát các biểu hiện của T.D. Dựa vào đó tôi tiến hành phỏng vấn những người có liên quan nhằm thu thập và đối chứng thông tin, xác định nguyên nhân và nghiên cứu để đưa các biện pháp phù hợp. Thời gian 6 buổi còn lại tôi tổ chức tham vấn cho phụ huynh lựa chọn và đề xuất và thực hiện một số biện pháp. Các biện pháp dưới đây đều dựa trên sở thích của T.D, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình và thời gian của phụ huynh.
Biện pháp 1: Xây dựng thói quen sinh hoạt mới, sắp xếp lại không gian sinh hoạt của gia đình.
Chúng tôi đã định hướng cho phụ huynh điều chỉnh lại không gian sinh hoạt của gia đình, sắp xếp, kê lại vị trí của một số đồ đạc, tạo không gian mới, hạn chế thời gian sử dụng tivi và trang thiết bị không cần thiết.
Bố mẹ, ông bà sẽ là người làm gương cho T.D, thay đổi giờ giấc sinh hoạt, hạn chế xem tivi, dành thời gian cùng học, cùng chơi với con mỗi tối hoặc ra ngoài. Tổ chức cho T.D đi chơi cuối tuần, trò chuyện với T.D nhằm hạn chế thời gian xem phim hoạt hình . Tập cho T.D tính gương mẫu và khuyến khích T.D quan tâm tới em trai. Sửa đổi cách ứng xử trong giáo dục, hạn chế đến mức tối đa sử dụng đòn roi và đe nẹt. Từng bước giúp T.D điều chỉnh ngôn ngữ và hành động không phù hợp do ảnh hưởng của phim hoạt hình.
Biện pháp 2: Cùng con xây dựng thời gian biểu
Bố và mẹ sẽ cùng T.D thảo luận và xây dựng thời gian biểu sinh hoạt trong ngày. Từ biện pháp này phụ huynh sẽ nắm rõ và bố trí thời gian dành cho T.D hợp lý hơn, ý thức hơn về trách nhiệm giáo dục, và quản lý thời gian xem phim hoạt hình của con. Kịp thời khuyến khích T.D tự giác thực hiện theo thời gian biểu đã xây dựng, hạn chế quát mắng, dùng đòn roi trong giáo dục con thay vào đó là những cuộc nói chuyện với T.D về hành động lắc đầu
của con khi chơi siêu nhân là không tốt, những điều T.D làm sai, làm chưa tốt, những điều con không nên làm. Khen ngợi T.D về những việc đã làm được, đã làm tốt… Từ đó phụ huynh sẽ hiểu T.D hơn, T.D sẽ gần gũi với bố mẹ hơn, dần dần sẽ tin tưởng bố mẹ, tự điều chỉnh những hành động, lời nói không đúng của mình.
Biện pháp 3: Dành thời gian trò chuyện, tập chơi các trò chơi mang tính chất tĩnh
Phụ huynh thực hiện biện pháp này hàng ngày, quan tâm đến cảm xúc, đến mong muốn của T.D nhiều hơn. Dành cho T.D nhiều thời gian hơn, tổ chức chơi trò chơi với T.D. Thông qua đó điều chỉnh những lời nói không phù hợp và hành động như lắc đầu của T.D
Việc sử dụng các trò chơi tĩnh, những trò chơi đòi hỏi sự tập trung tính toán ví dụ: ô ăn quan và cờ ca rô… sẽ giúp T.D giảm bớt tính hiếu động và hung tính, giảm dần thời gian xem phim hoạt hình, rèn luyện sự tập trung, kiên nhẫn, sự bình tĩnh, kích thích hứng thú học tập. Chỉnh sửa lời nói không phù hợp qua những buổi trò chuyện với bố mẹ và trong thời gian chơi cùng bố mẹ. Thông qua những buổi tối cùng T.D học tập, cùng T.D chơi sẽ dần hình thành không khí gia đình hòa thuận, vui tươi hơn.
Trò chơi ô ăn quan: đòi hỏi người chơi phải sử dụng toán học để tính cộng, trừ thật nhanh, qua đó giúp T.D hứng thú hơn trong học tập. Khi chơi trò chơi, yêu cầu người chơi phải tuân thủ luật của trò chơi, từ thói quen tuân thủ luật chơi giúp cho T.D quen dần với thực hiện đúng theo khuôn khổ nội quy trường học và những quy định, nguyên tắc trong sinh hoạt hàng ngày. Trò chơi cũng sẽ giúp T.D rèn luyện tính kiên nhẫn và sự tập trung của mình, dần dần hình thành thói quen tốt trong học tập, trong sinh hoạt.
Vừa chơi vừa học: thông qua trò chơi khuyến khích T.D làm bài tập về nhà, bố mẹ cùng học bài, sẽ cho T.D có được cảm giác bố mẹ luôn quan tâm đến mình, tạo sự ổn định tâm lý cho em. T.D sẽ thấy yên tâm hơn, tin tưởng
và gắn bó với bố mẹ hơn. Qua những buổi học tập như vậy T.D sẽ hình thành thói quen tốt trong học tập, cẩn thận hơn khi viết chữ và thay đổi thái độ cũng như cách ứng xử hàng ngày.
Đăng ký T.D tham gia lớp luyện chữ, khi đến lớp, được thi đua viết chữ với các bạn cùng tuổi, T.D sẽ hào hứng hơn. Lớp ít học sinh, giáo viên sẽ có nhiều thời gian quan tâm và dành thời gian chỉ bảo cho T.D.
Biện pháp 4: Cho T.D tham gia học cờ vua.
Cờ vua phù hợp với sở thích của T.D và là môn thể thao mang tính chất tĩnh, đòi hỏi sự tập trung. Học cờ vua sẽ giúp giảm bớt sự hiếu động, kém tập trung của T.D. Phụ huynh lựa chọn biện pháp này, bởi đây cũng là môn thể thao T.D thích và thời gian trước bố mẹ cho đã đăng ký cho T.D học, nhưng vì lý do thời gian nên mẹ đã cho em nghỉ ở nhà.
Biện pháp này phù hợp cho hướng khắc phục biểu hiện kém tập trung trong học tập, tránh sử dụng những câu nói không phù hợp với hoàn cảnh: nói nhiều, cướp lời người khác, nói những câu vô nghĩa, nói một mình, những câu nói không phù hợp với lứa tuổi: chém, giết…Qua đó, giúp T.D giải tỏa những cảm xúc, những lời nói, hành động làm em cảm thấy bị căng thẳng. Khi giải tỏa được những cảm xúc căng thẳng bị dồn nén trong đầu T.D sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Chơi cờ vua thường xuyên T.D sẽ học được cách bình tĩnh, tập trung, dần dần giảm bớt cơ hội để giải tỏa căng thẳng, có thể giúp hạn chế dần hành động lắc đầu. Hơn nữa thực hiện biện pháp này huynh vẫn có thời gian thực hiện các công việc của mình mà không phải lo quan sát hành động của con, lo lắng con đang làm gì…