IV. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CSHTDL TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ THỜI GIAN QUA
3. Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại 1 Nguyên nhân khách quan
3.1. Nguyên nhân khách quan
- Trên phạm vi thế giới, khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998 đã tác động xấu tới mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó ngành du lịch phải chịu tác động mạnh. Hoạt động du lịch bị ngừng trệ ở mọi nơi, lượng khách du lịch giảm mạnh. Trong điều kiện đó, bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2001- 2010 được soạn thảo từ năm 2000 đã không thể đi sát với thực tế phức tạp của giai đoạn sau đó, làm cho bản quy hoạch không khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, thế giới lại tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ cuối năm 2007 và hiện nay chưa có dấu hiệu phục hồi, các thiên tai, dịch bệnh cũng diễn ra thường xuyên cũng khiến cho nhu cầu du lịch bị giảm mạnh, ảnh hưởng tới tất cả các nước đang khai thác ngành kinh tế du lịch.
- Sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, các địa phương có tiềm năng về du lịch đang tìm mọi phương án để quảng bá thương hiệu của địa phương mình. Sự đầu tư của trung ương cho ngành du lịch cũng phải dàn trải ra nhiều nơi. Mặt khác, lợi thế về du lịch tâm linh của Phú Thọ cũng không phải là sức hút lớn duy nhất đối với các nhà đầu tư. Sự quan tâm từ rất sớm của chính quyền và với vị trí sát thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Tây (cũ) đã phát triển du lịch tâm linh từ rất lâu. Chùa Hương, chùa Thầy,…đã là những cái tên quá quen thuộc đối với những người thích du lịch tâm linh. Ngoài ra còn có Yên Tử, Tây Thiên,…cũng đang cạnh tranh rất mạnh với Đền Hùng của Phú Thọ. Ngay cả tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh,…cũng đã được các tỉnh khác khai thác từ rất sớm. Đây là những cản trở lớn đối với Phú Thọ trong quá trình thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực du lịch.
- Hạn chế về nội lực: Phú Thọ là tỉnh nằm ở khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, là khu vực mà điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tương đối khó khăn. Giai đoạn vừa qua, mặc dù có cải thiện về tình hình kinh tế - xã hội nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn cả nước (năm 2008 chỉ bằng khoảng 60% so với mức trung
bình cả nước), tỷ lệ hộ nghèo 22%, có 50 xã đặc biệt khó khăn,…Nguồn lực hạn chế như vậy trong khi phải lo đầu tư cho nhiều lĩnh vực quan trọng khác nên điều tất yếu là nguồn lực đầu tư cho phát triển CSHTDL là rất hạn chế.
- Hạn chế từ bản chất đầu tư: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bao gồm cả đầu tư cho cơ sở hạ tầng xã hội nói chung, đây là lĩnh vực có rất ít tư nhân tham gia do những đặc điểm riêng của nó. Tư nhân chỉ có thể tham gia đầu tư vào các cơ sở vật chất kỹ thuật khác của ngành du lịch như cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển,...Do đó, để có thể khai thác được tốt tiềm năng du lịch thì nguồn đầu tư rất lớn phải bỏ ra vẫn phải lấy từ ngân sách nhà nước. Chỉ khi cơ sở hạ tầng xã hội đã phát triển đến mức độ nào đó thì các nhà đầu tư tư nhân mới có động lực để đầu tư vào quá trình khai thác tài nguyên du lịch.
Tóm lại, các nhân tố khách quan đang là thách thức đối với sự phát triển du lịch Phú Thọ là: bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh mẽ, sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực du lịch, sự hạn chế về nội lực của tỉnh Phú Thọ và hạn chế do bản chất của đầu tư du lịch.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế: Bản quy hoạch du lịch Phú Thọ được lập từ năm 2000, đến năm 2006 mới có dự án điều chỉnh quy hoạch nhưng lại thực hiện một cách sơ sài, chưa hoàn chỉnh. Do đó,bản quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu là công cụ hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc thu hút và quản lý đầu tư phát triển CSHTDL. Trong nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều văn bản định hướng phát triển du lịch được đưa ra nhưng về cơ bản, tỉnh vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc khai thác một cách hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương. Tỉnh mới chỉ tập trung khai thác được khu di tích lịch sử Đền Hùng, còn các điểm du lịch khác hầu như chưa được khai thác.
- Hạn chế trong quản lý hành chính: Không phải tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn đều nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của ngành du
lịch đối với sự phát triển của tỉnh. Ngay cả trong nội bộ các Sở, Ban, Ngành trực tiếp liên quan cũng không phải sự nhận thức này đã được thống nhất từ cấp lãnh đạo cao nhất đến thấp nhất mà vẫn còn một bộ phận nhỏ tỏ ra mơ hồ, thờ ơ trước những yếu kém còn tồn tại trên địa bàn. Những yếu tố đó đã góp phần làm cho thủ tục hành chính của tỉnh trở nên phiền hà và quan liêu. Các dự án đầu tư của tư nhân thường khó thực hiện hơn so với các dự án của nhà nước do phải trải qua các thủ tục hành chính rất phức tạp và mất thời gian. Việc đó đã làm nản lòng các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
- Yếu kém trong quản lý đầu tư: mọi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các dự án này hầu hết đều do tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư trong khi năng lực quản lý của các cấp lãnh đạo tỉnh còn yếu và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Sự thiếu hợp tác giữa các cấp, các ngành cũng là nguyên nhân khiến cho cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Vốn huy động từ trung ương được thực hiện theo cơ chế “mạnh ai nấy làm”, tức là ngành nào có mối quan hệ tốt với cấp trên thì vốn xin được phải đầu tư vào ngành đó trong khi các ngành khác đang rất thiếu nhưng lại không thể chuyển vốn sang được. Ví dụ điển hình là trong khi hệ thống nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi tỉnh đã hoàn thành xong thì dự án công viên Văn Lang đã thực hiện từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có tiến triển nhiều.
- Sự nhận thức của người dân trong tỉnh về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Nhân dân tỉnh Phú Thọ từ xưa tới nay vẫn sống trong tâm lý của một vùng đất nông nghiệp, khó khăn, họ chỉ quen với việc nhà nông hoặc là đi làm công nhân trong các nhà máy lớn như nhà máy Giấy Bãi Bằng, hóa chất Lâm Thao, Z21,…Mọi người chưa nhân thức được tiềm năng to lớn của tỉnh về du lịch và chưa có kinh nghiệm trong việc làm giàu từ du lịch. Do đó tâm lý của người dân trong tỉnh rất e ngại trong việc bỏ vốn đầu tư hoạt động kinh doanh trong ngành du lịch. Nguyên nhân của vấn đề này cũng một phần thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý du lịch của tỉnh. Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, tuyền truyền về tài nguyên du lịch của tỉnh còn
rất ít, các sự kiện du lịch tổ chức không thường xuyên hoặc quy mô quá nhỏ khiến cho thông tin không đến được với người dân.
Như vậy, ngoài những thách thức được kể đến ở phần trên, tỉnh Phú Thọ còn phải đối mặt với những yếu kém trong nội tại bản thân của tỉnh, đó là: sự hạn chế trong công tác quy hoạch, trong công tác quản lý hành chính Nhà nước, sự yếu kém trong công tác quản lý hoạt động đầu tư, thiếu hợp tác giữa các cấp quản lý và sự nhận thức chưa đầy đủ của người dân trong tỉnh về phát triển du lịch.